Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Trồng lúa ở miền Tây

 ĐỂ TRẢ LỜI VÀI BA CÂU HỎI

                                                                               Hai Trầu

 Thưa bạn,

 Có lần bạn đã hỏi tôi “lúa mùa” là lúa gì?

Ở các nơi làm ruộng thuộc tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc… hồi đời trước, cách nay có tới sáu bảy chục năm, hồi đó nông dân làm ruộng mỗi năm chỉ có một mùa; bắt đầu cày phá đất vào đầu tháng ba âm lịch, cuối tháng ba cày trở, đầu tháng tư âm lịch bắt đầu có mưa thì bừa đất cho nhuyễn và sạ lúa, đến tháng chạp lúa chín lác đác và tháng giêng cắt gặt… Sạ chứ hổng phải “xạ” như có người viết chữ “x”. Do vậy lúa mùa còn được gọi lúa sạ vì người ta gieo giống bằng cách sạ lúa.

Sạ lúa là cách người nông dân mang trước ngực những thúng lúa giống rồi dùng bàn tay hốt những nắm lúa giống vừa đi vừa quăng ra đều trên mặt ruộng. Nhưng muốn cho hạt giống được rải đều, trước khi sạ lúa người ta dùng lá dừa hoặc cây sậy cắm thành từng lối thẳng từ đầu ruộng tới cuối miếng ruộng, bề ngang vừa một sải tay, khoảng từ hai tới ba thước bề ngang, gọi là cắm rò; trong khi sạ, để cho chắc ăn người ta còn nhờ một người khác đi theo lối giữa hai hàng lá dừa ấy, đi rất chậm để cho người bưng thúng lúa giống vừa đi theo người này vừa hốt lúa đầy trong nắm tay rồi rải đều ra; và người dẫn đường cho người sạ lúa như vậy gọi là người lội rò.

Về lúa giống, người ta có thể dùng lúa giống khô sạ trực tiếp xuống ruộng hoặc ủ giống để giống lên mộng rồi mới mang lên đồng để sạ. Về phương pháp sạ thì có sạ khơisạ dập. Sạ khơi là sạ lúa xong rồi bỏ đó để hột giống hứng sương hoặc gặp mưa rồi hạt giống sẽ tự động nẩy mầm và mọc cây; sạ dập là khi sạ xong người ta sẽ dùng bò hoặc trâu bừa qua một tác để lấp hột giống lại. Sạ khơi có cái bất tiện là dễ bị chuột bọ ăn hột giống nên khi lúa lên cây lúa sẽ bị hao hớt; trái lại sạ dập dù tránh được nạn chuột bọ phá hại nhưng sạ cách này lúa cũng dễ bị đất đè lên và bị nghẹt, nhiều lúc ruộng cũng bị hao vì lúa lên hổng đều.

Cũng là lúa mùa nhưng có nơi làm lúa cấy. Các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An người ta ưa dùng cách cấy lúa thay vì sạ như các vùng Long Xuyên, Châu Đốc. Làm lúa sạ có cái lợi là làm được nhiều, diện tích đất từ vài chục mẫu tới vài ba trăm mẫu; trái lại làm lúa cấy thì vì sức người có hạn nên diện tích canh tác cũng có giới hạn; tùy theo vùng đất nhiều hoặc đất ít và nhơn công cấy dễ mướn hoặc khó tìm thì số đất ruộng cấy được sẽ ít hoặc nhiều.

Trong ruộng cấy có mấy giai đoạn như sau: trước nhứt là rải mạ. Người ta dọn một miếng đất thật bằng phẳng rồi cày bừa cho nhuyễn và đem giống ra rải lên miếng đất ấy. Vì rải mạ nên người ta cần sạ giống cho dày, vừa để tránh hao hớt vừa để sau này khi mạ đầy tháng còn nhổ mạ và chiết ra để cấy lại đất ruộng đang chờ để cấy. Bởi vậy trong dân gian khi có ai làm việc gì mà bị đổ đầy trên mặt bàn hay trên mặt đất người ta gọi rải mạ. Sau khi rải mạ như vậy mưa xuống hột giống sẽ lên dày bịt và đúng một tháng hoặc trồi sụt chút đỉnh là bắt đầu nhổ mạ và đem đi cấy.

Nhổ mạ là nhổ nguyên một vạt đất như vậy và mỗi người nhổ mạ xong gom lại chừng hai nắm tay thì họ dùng dây lạt bó mạ lại ở phần gần ngọn cây mạ. Trước ngày cấy lúa trên đất đã cày bừa trục nhuyễn sẵn thì công việc kế tiếp là giang mạ. Giang mạ là người ta chở mạ hoặc gánh các bó mạ vừa mới nhổ xong bỏ đều trên miếng ruộng sắp cấy. Tùy theo muốn cấy dày hoặc cấy thưa mà mỗi công đất sẽ được phân phối số mạ nhiều hay ít. Trung bình người ta tính theo cây tầm đo đất, chiều dài 3 thước, gọi là tầm cấy hoặc tầm cắt. Mỗi tầm cấy như vậy cấy 12 bụi mạ, gọi là cấy dày; nếu cấy 10 bụi mạ, gọi là cấy vừa, còn cấy 6 hoặc 8 bụi mạ thì gọi là cấy thưa.

Thông thường người đi cấy lúa mướn thì ba người họ lãnh cấy chung nguyên một công đất, tức là mỗi người cấy một phần ba (1/3) công, còn gọi tắt là một góc ba. Do vậy tâm lý giữa chủ ruộng và công cấy có những suy nghĩ trái ngược nhau. Chủ thì lúc nào cũng muốn công cấy cấy dày; còn công cấy thì muốn cấy thưa cho mau xong công đất để mau về sớm. Ở nhà quê có câu thiệu: “Bắt nhẻ, cấy thưa, tầm đưa vô đít”, ý nói “bắt nhẻ” là bắt mạ rất ít, (có lẽ do chữ “nhỏ nhẻ” mà nói trại ra), thay vì vừa tay cho một bụi mạ thì công cấy tách mạ rất ít để cấy cho mau khỏi mất công cứ lấy mạ hoài lâu rồi công. “Bắt nhẻ” như vậy có cái hại là gặp trời nắng nước ruộng bị nóng và bụi mạ khó bén rễ, có khi mạ bị chết và miếng ruộng này khi lúa lớn lên sẽ hao hớt, thưa thớt.

Về động tác cấy có mấy động tác chính như tay mặt vừa cầm nắm mạ vừa cầm nọc cấy, ngón cái bàn tay mặt vừa đẩy một ít mạ tách rời nắm mạ gọi là ra mạ, nếu ra mạ mà ít quá gọi là bắt nhẻ. Thay vì một bụi mạ tối thiểu phải bốn hoặc năm cây mà mình chỉ ra mạ có ba cây gọi là nhẻ.

Cũng là ruộng cấy nhưng ở miệt Cái Côn (Cần Thơ) người ta dùng chày tỉa để tỉa mạ. Chày tỉa là một cái cây làm bằng cây tràm hoặc bất cứ cây gì mà săn chắc bào cho láng, một đầu chuốt nhọn như trái vụ để khi cầm chày tỉa cắm xuống đất khi lấy chày lên sẽ để lại một cái lỗ nhỏ vừa với một nhúm hột giống để gieo mạ. Công việc tỉa mạ có hai người cùng làm, một người dùng chày tỉa xắn lỗ và người kia bỏ hột giống và lấp đất lại. Sau vài ba ngày tùy theo giống khô hoặc giống ngâm mà mạ mau lên hoặc chậm lên. Cái này cũng có cái lợi và cái hại tùy theo thời tiết. Gặp trời nắng nóng thì giống khô ít hao, lúa giống nằm đó chờ mưa hoặc hơi sương ướt rồi từ từ mọc mộng và lên cây; trái lại gặp trời mưa thì giống ngâm mau lên cây hơn, mạ ít hao. Sau khi cấy mạ được một tháng, người ta bắt đầu dùng tay nhổ mạ.

Nhổ mạ như vậy rồi cũng dùng dây lạt để bó mạ nhưng chưa đem ra ruộng cấy liền, mà phải dọn sẵn một miếng đất khác để cấy số mạ này. Công đoạn cấy lần này gọi là cấy giâm. Cấy giâm có nghĩa là đem mạ còn non cấy lại một lần nữa cho cây mạ cứng cáp và nở thêm nhiều rồi mới bứng mạ một lần nữa và lúc bấy giờ mới giang mạ và cấy thiệt thọ trên miếng đất mà mình muốn trồng lúa.

Sở dĩ gọi bứng mạ vì giai đoạn này phải dùng dao để xắn bụi mạ lên chứ không phải nhổ mạ bằng tay như mấy lúc trước. Con dao bứng mạ cũng chỉ là con dao yếm là loại dao thông dụng trong nhà bếp mà dân quê thường dùng để xắt thịt, làm cá nhưng với dao yếm bứng mạ thì mũi dao bản bự hơn loại dao yếm thường, đặc biệt là được mài rất bén. Thông thường một bụi mạ người ta phải xắn ba góc mới lấy bụi mạ lên được an toàn không bị đứt rễ nhưng với dân bứng mạ chuyên nghiệp người ta chỉ bứng hai nhát dao là bụi mạ lấy lên được khỏi mặt đất và không bị đứt rễ. Cái hay của chuyên môn là ở cách bứng mạ ấy vì nhờ vậy mà công việc bứng mạ mau hơn và đỡ mất nhiều công sức.

Còn cấy giặm là cấy thêm những chỗ ruộng lúa bị hao hớt vì lúa chết hoặc cua kẹp. Dù làm lúa sạ hay lúa cấy gì khi lúa bị hao người ta hay mướn công cấy và chiết mạ từ những chỗ lúa dày để giặm vá vào những chỗ trống này.

Có bạn còn hỏi gom lúa là gì? Chất lúa thành cà lang là sao?

Để trả lời hai chữ dùng này cũng còn tùy. Nếu làm lúa mùa hồi đời trước có người làm năm ba chục mẫu ruộng, có người làm cả mấy trăm mẫu nữa nên ruộng đất nhiều, lúa tới mùa cũng nhiều, nên không thể ôm từng ôm, từng ôm lúa mang vô sân cùng lúc được do vậy phải dùng bò trâu kéo lúa vô sân, nên mới gọi là gom lúa. Nhưng trước khi gom lúa chủ ruộng kêu công cắt để cắt lúa; cắt lúa xong còn phải phơi lúa bông vài nắng nhằm mục đích cho bông lúa khô để khi trâu bò] đạp lúa mau rụng hột; phơi lúa bông như vậy gọi là dan lúa. Khi thấy lúa vừa ráo bông, chủ ruộng kêu công chồng mớ lúa. Khi cắt lúa các thợ cắt lúa bỏ lúa từng mớ, từng mớ theo lối cắt của họ, những mớ lúa này nằm rải đều trên diện tích miếng ruộng nên khi chồng mớ lúa, người ta lội theo từng lối lúa cắt như vậy và ôm những mớ lúa bông này chồng lên nhau thành một mớ lúa vừa với người ôm khi gom lúa. Thường thường mỗi một ôm lúa bông như vậy tùy theo lúa mớ nhiều hoặc ít mà người ta gom lại bốn hoặc năm mớ lúa chất thành một ôm; không chất ôm lúa lớn quá mà cũng không chất ôm lúa nhỏ quá vì nếu lớn quá khi mình gom lúa, lúa bông sẽ dễ bị rơi rớt; còn nếu ôm lúa nhỏ quá thì lại tốn nhiều công sức mà việc gom lúa lên cộ sẽ bị chậm chạp, mất nhiều thì giờ. Dụng cụ để gom lúa này được gọi là cái cộ. Cái cộ là vật dụng làm bằng tre. Người ta lựa hai gốc tre già làm thanh cộ. Sở dĩ dùng gốc tre già vì nó vừa chắc mà cũng vừa tiện trong việc thanh cộ kéo trên ruộng trơn láng dễ hơn là dùng cây săn chắc làm cộ thường bị đất bùn làm chất gỗ lún xuống đất sâu rất nặng cho trâu bò.


Tùy theo bạn dùng trâu hay bò để kéo cộ mà cái cộ dùng gom lúa có khác nhau. Nếu dùng bò thì phải dùng tới hai con bò vì bò sức yếu, nên gọng cộ là hai thanh cộ ở phần máng bò kéo cộ nhập lại làm một để mỗi bên máng một con; nếu bạn dùng trâu thì chỉ dùng một con trâu thôi, vì trâu mạnh hơn bò nên thanh cộ ở chỗ máng ách tách ra làm hai, và đặt trâu ngay vào giữa hai thanh cộ này, không nhập lại như cộ bò.

Trên sàn cộ người ta dùng vạt tre lót làm sàn cộ và để tránh lúa rụng rơi rớt dọc đường, người ta lót lên sàn cộ một tấm đệm bàng, loại đệm nhà quê hay mua để làm nóp ngủ hoặc dùng để phơi lúa. Xung quanh cộ có làm thêm những thanh tre đứng để giữ cho lúa khỏi bị đổ. Thành ra, gom lúa là mình chất lúa lên cộ và cho trâu bò kéo lúa về sân. Vì lúa hồi xưa làm nhiều nên phải chất thành đống lúa rất cao thành hình chóp gọi là cà lang lúa.

Khi gom lúa và chất thành cà lang cao xong là tới giai đoạn dùng trâu hoặc bò đạp lúa, lúc bấy giờ người chủ ruộng mới mướn nhơn công dùng mỏ xải (1) để vích lúa trải đều ra xung quanh chưn cà lang lúa nhắm chừng bề dày khoảng từ ba tấc tới năm tấc, gọi là ra bã lúa; rồi cho bò hoặc trâu kéo cái trục đi vòng quanh lên lớp lúa vừa trải ra này gọi là đạp lúa; sau khi trâu bò đạp lúa một đỗi chừng nửa giờ hay lâu hơn tùy theo bã lúa dày hay mỏng, người chủ ruộng thấy các bông lúa rụng hột hết rồi, lúc bấy giờ chỉ còn là những cọng rơm bong ra và người ta tháo ách thả trâu bò ra cho chúng nghỉ và nhân công bắt đầu lấy mỏ xải vích lớp rơm khô này tấp ra bên ngoài bìa sân lúa, công đoạn này ở nhà quê gọi là làm bã lúa. Sau đó lấy trang cào lớp lúa hột này gom lại một chỗ và bắt đầu ra bã lúa tiếp theo và cho trâu bò đạp lúa tiếp cho đến khi nào hết cà lang lúa thì coi như xong vụ đạp lúa bông ra lúa hột.

Thường thường lúa hột trâu bò đạp ra như vậy vẫn còn rơm hoặc lúa lép lẫn lộn, do vậy mà nông dân phải dùng bốn cây tre dựng thành cái giàn tương đối hơi cao, chắc chắn, có chỗ cho một người đứng vững vàng; ngay dưới chỗ người đứng này có tấm vạt bằng tre hoặc một tấm đăng mỏng được trải ra và rồi mọi người cùng nhau xúc lúa vô thúng rê và đội lên giàn, để cho người ở đó bưng thúng lúa trút xuống tấm vạt để rê lúa với mục đích là làm cho lớp lúa lép, rơm, bụi bay đi hết và chỉ còn lúa hột chắc còn lại thôi; nên giai đoạn này gọi là rê lúa.

Sau khi rê xong hết đống lúa vừa kể, tùy theo miếng ruộng lớn hay nhỏ, có khi đống lúa hột này nhiều tới năm ba trăm giạ lúa là thường (1 giạ lúa= 40 lít) là tới giai đoạn dùng xe trâu kéo lúa về nhà nếu nhà tương đối gần miếng ruộng; còn trường hợp nhà xa ruộng, người ta phải dùng xe trâu kéo lúa ra bờ kinh; rồi từ bờ kinh, chủ ruộng mới dùng ghe xuồng chở lúa về nhà; giai đoạn dùng trâu bò kéo lúa từ trong ruộng ra bờ kinh để dùng ghe chở lúa về nhà gọi là lòi lúa. Qua kinh nghiệm làm ruộng lâu ngày, chủ ruộng biết sức lực của trâu bò, nên khi họ làm cộ để cộ lúa hay dùng cây đóng thành xe trâu để chở lúa về nhà, mỗi xe trâu như vậy sức chở tối đa là 25 giạ lúa; không ai làm xe trâu chở nhiều hơn số 25 giạ ấy vì quá con số này trâu kéo xe rất mệt và trâu bò làm quá sức thì mau kiệt sức, không bền đó là trong nhiều trường hợp trâu bò bị đuối sức, không cày bừa nổi nữa, người nhà quê gọi là bò trâu bỏ mùa. Thúng rê dùng để rê lúa và cái táo đong lúa 20 litres, bằng nửa giạ 

Rồi bạn lại hỏi tôi về loài chim nhạn ở đồng ruộng mấy chục năm về trước lúc còn làm lúa mùa giống chim này có những đặc tính nào để mình dễ nhận ra loài chim ấy?

Xin thưa với bạn rằng, trước nhứt loại chim này nhỏ con với bộ lông màu trắng và ưa bay chung với nhau thành từng đàn, từng đàn mà rất hiền! Chúng có hai đặc tính mà ai ai từng làm ruộng lúa mùa ngày trước khoảng 1940-1960 hoặc lúa thần nông sau này những năm 1960-1990 đều biết là chúng biết chỗ nào có cá ở trong rong và chúng luôn bảo vệ cái ổ của chúng.

Trong đời sống thiên nhiên của chim nhạn trắng, hồi mấy năm tôi về quê làm ruộng, giăng lưới, giăng câu, buổi sáng sớm, tôi thường chống xuồng lên đồng nước ngập mênh mông, chỗ nào mà có bầy nhạn trắng bay vòng vòng trên bầu trời ngay trên đầu mình là tôi cắm xuồng dừng lại chỗ đó và bắt đầu dọn luồng bủa lưới, nhứt là lưới cá linh, thì sau khi bủa lưới một hồi, cỡ hút tàn điếu thuốc, rồi mình bắt đầu thăm lưới, bạn có biết sao hông? Cá dính lưới guộn viền luôn! Thành ra, theo kinh nghiệm người nhà quê tụi tôi là chỗ nào có nhạn bay vòng vòng trên trời là chỗ đó có cá linh nhiều lắm!

Còn nữa, vào tháng ba, tháng tư âm lịch, trên đồng đất khô nứt nẻ ở những cánh đồng lớn vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) hoặc sau này vùng đồng ruộng làng Tân Bình (Lấp Vò, Sa Đéc), chỗ nào mà nhạn bay vòng vòng hoài một chỗ là ngay mặt đất chỗ nhạn bay đó, mình đi tìm một hồi là có ổ nhạn đang đẻ trứng gần đó. Dân quê vùng ruộng dưới tôi ưa gọi loài nhạn này là "nhạn đất". Nhạn đất lấy rơm rạ làm ổ đẻ trên mặt đất, không lót ổ trên cây như các loài chim khác. Vui lắm! Tóm lại, so với các loài chim khác thì chim nhạn đất là loại chim rất hiền!

Thưa bạn,

Qua chuyện kể về nhạn đất vừa rồi, chỗ nào có chim nhạn bay là chỗ đó có nhiều cá, nhứt là cá linh; rồi bạn lại hỏi sao gọi loại cá nhỏ này là cá linh?

Về điểm này, đã khá lâu, tôi có nhắc qua vài đặc tính về loại cá linh này trong các cuốn Bến Bờ Còn Lại (2000), Mùa Màng Ngày Cũ (2011, 2015), nên nay xin nhắc vài nét chính của loại cá này thôi, kẻo mình cứ lặp đi lặp lại hoài một việc thấy cũng hơi kỳ kỳ!

Số là vào tháng Năm âm lịch, khi nước các sông rạch vùng miền Tây nước sông Cửu Long có màu ngầu đục và chảy xiết, dân quê vùng này gọi là mùa nước đổ. Nước vào mùa này có màu ngầu đục như vậy vì phù sa của con sông Cửu Long từ trên Biển Hồ bên Cao Miên chảy xuống trong đó có mang theo cá linh non trôi trong nước thành từng bầy từng bầy, nhiều vô số kể! Cá linh non là cá linh mới nở hoặc đã nở mấy ngày, nên cá còn rất nhỏ, cỡ đầu đũa ăn, rồi trôi theo nước và lớn dần; khi xuống tới Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cao Lãnh… cá linh theo các kinh rạch và tràn lên đồng vào mùa nước lên tháng Bảy âm lịch rồi theo các cánh đồng lúa mùa ở các vùng ấy và lớn dần, lớn dần, cá lớn nhứt cỡ bằng ngón chưn cái, lúc bấy giờ dân quê gọi cá linh lớn này là cá linh già; tuy gọi là như vậy nhưng ít có cá linh nào lớn bằng nửa cườm tay; do vậy mà dân quê mới sắm các dụng cụ để bắt cá linh như đăng đó, vó cất, vải chài, giăng lưới, đóng đáy, đặt dớn… là những dụng cụ có lỗ rất nhỏ, nếu lưới thì lưới một phân hoặc lưới thưa hơn chút có lưới một phân rưỡi.

Có hai loại cá linh là cá linh ốngcá linh rìa. Cá linh ống hình ống tròn, vảy màu trắng nhuyễn; cá linh rìa hình dẹp vảy nhuyễn pha vài chấm nhỏ màu sẫm dọc theo hai sống lưng. Các đặc tính của cá linh khi chúng ở trên đồng nước ngập hằng năm vào tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười âm lịch, chúng có chung những đặc tính sau đây:

Cá linh sống thành từng đàn, từng đàn; miệng cá rất nhỏ, chỉ ăn rong, và các phiêu sinh vật, nên ít ai sắm câu để câu cá linh, nên giăng lưới cá linh là chính.

Thường thường vào giác sáng sớm và vào lúc gần khoảng sau giờ chùa công phu chiều là giăng lưới dính cá linh nhiều vì vào hai khoảng thời gian ấy cá linh ưa đi ăn nên dễ mắc lưới.

Giác trưa nắng, trời đứng bóng, lưới không dính cá như hai giác sáng sớm và giác chiều vì vào buổi trưa cá linh tìm các đám rong vào nghỉ mát...

Ở đồng quê vào mùa nước lên thì ngày nào nước cũng dâng lên tùy theo nước lớn hoặc nước nhỏ mà mực nước dâng lên nhiều hoặc ít; nhưng đến đúng ngày 25 tháng Chín âm lịch thì mực nước trên đồng bắt đầu dừng lại, không lên tiếp như mấy ngày trước, lúc bấy giờ dân quê gọi là nước phân đồng. Nước phân đồng kéo dài khoảng vài ba ngày thì tới khoảng mùng 10 tháng Mười âm lịch nước khắp các cánh đồng bắt đầu chảy mạnh ra các kinh rạch, dân quê gọi mùa này là mùa nước giựt.

Cá linh khôn lắm, khi nước mênh mông trên đồng bắt đầu nhớm giựt thì cá linh ào ạt rủ nhau rút xuống các cựa gà, các ngã ba kinh rạch và xúm nhau trở về sông…

Lúc bấy giờ người nhà quê biết cá linh theo nước rút ra sông, người ta mới bủa lưới, kéo vó cất, đóng đáy, đặt dớn hoặc vải chài khắp các ngõ ngách, các bến sông để chận bắt cá linh ra. Mùa này cùng với cá linh, các loài cá trắng khác cũng bắt đầu ra sông còn gọi chung là mùa cá ra. Vào các năm còn làm lúa mùa thì mùa này nước trên đồng do có nhiều phèn và nước cỏ nên cá dễ bị đỏ mắt và nổi đầy bèo mặt nước, nên hồi đó mùa cá ra này còn gọi là mùa cá dại.

Cá linh rất khôn, khi trời nắng chúng cứ ào ào ra sông như vậy không cách gì cản chúng được nhưng tự nhiên thấy trên bầu trời có vài đám mây đen sắp kéo qua hoặc trời sắp chuyển mưa thì tự nhiên thấy cá linh dính lưới ít đi thì dân ruộng biết chắc là trời sắp mưa.

Do các đặc tính của loài cá trắng nhỏ con này chúng biết khi nào nước giựt, khi nào trời nắng và khi nào trời sắp mưa mà người nhà quê gọi loài cá trắng nhỏ con này là cá linh là vì vậy.

Đó là thực tế qua kinh nghiệm sống nơi nhà quê qua các nghề giăng lưới, kéo vó cất, vải chài, đóng đáy, đặt dớn, đăng đó … các thứ để bắt cá linh mà biết như vậy; còn theo sách vở của các bậc tiền bối kể về giai thoại chúa Nguyễn khi lưu lạc vô miền này bằng thuyền rồi lúc đang đi gặp loài cá này nhảy lên thuyền, chúa Nguyễn ra lệnh dừng đoàn tùy tùng lại không đi và nhờ vậy tránh được nạn nên chúa đặt tên cho loài cá trắng nhỏ còn vùng sông rạch miền Tây này là cá linh; thì đó là chuyện truyền thuyết, thực hư thế nào, kẻ hậu sinh như tôi thì hổng dám có ý kiến ý cò gì trong việc đặt tên cá linh này! Chỉ nhắc qua như vậy để bạn nghe chơi và tùy bạn liệu lượng!

Hai Trầu

Houston, ngày 04 tháng 7 năm 2021.


Chú thích:

1/ Mỏ xải dân quê đọc trại thành “mỏ sảy, mỏ sẩy” tức là dụng cụ bằng ngọn tầm vông dài cỡ hơn hai thước, vừa tay cầm, không dài quá, có tra ở đầu một thanh sắt tròn bằng ngón chưn cái chia làm hai mũi nhọn dùng để xốc lúa bông lên; hoặc có thể dùng ngọn tràm có chiều cong và uốn thành mũi nhọn cũng được.

Nguồn: thatsonchaudoc.com 

Thứ Năm, 24 tháng 6, 2021

Có hai "một mình"

Có hai "một mình" ... và cả hai bài đều hay!


Một mình  - Nhạc sĩ Thanh Tùng

Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên
Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên
Bao đêm tôi đã một mình nhớ em
Đêm nay tôi lại một mình.

Nhớ em vội vàng trong nắng trưa

Áo phơi trời đổ cơn mưa
Bâng khuâng khi con đang con nhỏ
Tan ca bố có đón đưa.

Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai

Gió sương mòn cả hai vai
Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ
Nghiêng nghiêng bóng em gầy.

Vắng em còn lại tôi với tôi

Lá khô mùa này lại rơi
Thương em mênh mông chân trời lạ
Bơ vơ chốn xa xôi.

Vắng em đời còn ai với ai
Ngất ngây men rượu say
Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ
Cô đơn cùng với tôi về.

...Sự lãng mạn thành thị trong nhạc Thanh Tùng nằm ở các khu vườn, giọt nắng, lá hoa rơi, bậc thềm, góc phố nhỏ, đường phố biển, nắng gió, mưa ngâu, tà áo dài, sáng mùa thu mát lành, đêm mùa hè nóng bỏng, lối phố cô liêu...

Những cảm xúc ấy dù có lúc nhẹ nhàng có lúc sôi nổi, nhưng đều chung nhau ở điểm thanh thoát và thanh thản, sự thanh thản của một người từng trải. Có thể hình dung như một hồ nước trải qua nhiều sóng gió, nhưng không ngầu đục mà vẫn xanh trong đến mức có thể nhìn thấy đáy.


"Một mình" cũng mang những sắc thái trên, nhưng có lẽ nó là ca khúc hay nhất và cũng là duy nhất của Thanh Tùng, mà người nghe có thể cảm nhận được rằng đằng sau đấy là một nỗi buồn không thể sẻ chia. Ông viết ca khúc này dành tặng người vợ quá cố.


Với bản nhạc Một mình, nhiều người phụ nữ đã coi Thanh Tùng là thần tượng bởi sự chung tình của nhạc sĩ với người vợ đã khuất. Rung cảm chân thành trong từng lời ca, từ giọt mồ hôi tóc mai cho đến buổi tan ca đón con về. Nó thật đến mức không ai hồ nghi về tính cô đơn nghệ sĩ thường đưa ra như một thứ men sáng tạo đơn thuần…

Một mình  - NS Lam Phương

Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình, đã có người nghe

Nắng xuyên qua lá, hạt sương lìa cành
Ðời mong manh quá, kể chi chuyện mình
Nắng buồn cuộc tình, bỗng tắt bình minh

Ðường xưa quen lối, tình dối người mang
Tình duyên trăm mối, một kiếp đa đoan
Cố tìm tình chồng chất ngổn ngang

Còn bao lâu nữa khi ta bạc đầu
Tình cờ gặp nhau, ngỡ ngàng nhìn nhau
Ðể rồi còn gì nữa cho nhau

Sáng trưa khuya tối, nhìn quanh một mình
Ðường quen không tới, tìm nhau ngại ngùng
Chỉ vì đời mình, chưa có bình minh

... các nhạc phẩm của Lam Phương được đón nhận một cách nồng nhiệt có thể được coi là một loại nhạc phổ thông tiêu biểu của Việt Nam, với những lời lẽ mộc mạc và những âm điệu giản dị trong sáng, gần gũi với quần chúng. Chính nhờ những điểm đặc biệt không cầu kỳ đó, nhạc của ông đã in sâu vào tâm hồn người thưởng ngoạn một cách rất dễ dàng để trở thành một hình thức văn chương truyền khẩu đầy nhạc tính. Tính chất phổ thông đó nơi nét nhạc Lam Phương đã khiến tên tuổi ông càng gần gũi với tâm tình và cảm nghĩ của những người mến mộ tài ông...

...“Một Mình” của Nhạc Sỹ Lam Phương là một trong những ca khúc luôn mang đến cho tôi thật nhiều cảm xúc, bởi những câu hỏi cứ xa vắng, và chẳng thể nào có được câu trả lời. Đâu đó là đôi mắt ai thăm thẳm xa xăm về một thời đã qua, đã để mất nhau rồi, ngại ngần tìm về dù chỉ trong tiềm thức. Cái mông lung,nhưng lại cô quạnh như bao trùm tất cả, để con người cứ lạc lối trong chính trái tim mình. Tôi đã nghe, và đã cảm nhận bằng chính trái tim, những nhịp đập tuần tự theo từng giai đoạn biến chuyển của mối tình chỉ dừng lại ở điểm nhớ về nhau. Hay đó cũng chỉ là một thoáng mơ hồ cho nỗi nhớ mông lung từ sâu thẳm trái tim một con người.
Tôi như thấy mình đâu đó trong từng ca từ. Cái khoảng trống bao quanh mỗi buổi sớm khi tỉnh giấc ánh nắng khẽ xuyên qua kẻ lá. Bình minh hồi sinh mọi vật sau đêm dài ngủ yên. Vẫn nhìn quanh, vẫn một mình và trống trãi. Rồi mãi vẫn là câu hỏi liệu người có nghe trái tim tôi nói?

“Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình
Ngoài hiên nắng lóe, đàn chim giật mình
Biết lời tỏ tình đã có người nghe?”

Còn đó sự mong chờ, còn đó chút hy vọng mong manh trong ánh nắng nhẹ nhàng buổi bình minh...

 



 

“Một cõi đi về” – Một phút suy tư, một chút ngẫm nghĩ về đời của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Khi nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mọi người sẽ nghĩ ngay đến điều gì? Chính là một người nhạc sĩ tài hoa, một người nghệ sĩ đa tài của nền âm nhạc Việt Nam thời đương đại. Trong suốt cuộc đời sự nghiệp của mình, Trịnh Công Sơn đã để lại cho kho tàng âm nhạc những di sản lớn lao bằng những ca khúc sâu sắc, có chiều sâu tâm hồn, tinh tế và giàu triết lý nhân sinh trong từng câu hát. Hiếm có người nghệ sĩ, nhạc sĩ nào đã mất vào năm 2001, mà đến tận bây giờ vẫn còn rất nhiều người cảm thán nhưng nhiều hơn là tiếc nuối về sự ra đi của ông. Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhạc sĩ đi theo một trường phái âm nhạc riêng, nhạc của ông ảnh hưởng đến khắp năm châu, được cả thế giới công nhận và yêu thích.

Một trong những nhạc sĩ hâm mộ Trịnh Công Sơn – Nhạc sĩ Phạm Duy từng ca thán đàn anh của mình rằng: “Tình yêu trong nhạc của anh là những cảm xúc dữ dội như trái phá con tim mù lòa, như là nỗi cнếт cơn đau thật dài, như vết thương mở rộng…….Con người là cát bụi mệt nhoài, bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi…….”.

Đối với Trịnh Công Sơn, âm nhạc cнíɴн lẽ sống, là ánh mặt trời trong cuộc đời ông, còn người nghe, người hiểu được nhạc Trịnh cнíɴн là những người cứu rỗi cuộc đời mình. Nhạc của Trịnh Công Sơn không đơn thuần là để nghe, để lắc lư theo giai điệu nhạc, mà mỗi bài hát cнíɴн là cuộc đời của ông, ông đặt bản thân vào trong từng ca từ, để người nghe thấm hơn về đời, về một kiếp nhân sinh. Một trong những bài hát hay nhất về đời của cố nhạc sĩ – “MỘT CÕI ĐI VỀ”.

“MỘT CÕI ĐI VỀ” mang một triết lý nhân sinh sâu sắc, thể hiện phần nào thế giới tâm linh trong con người ông, cũng cнíɴн vì lý do này mà bài hát được đánh giá là có chiều sâu và nó ở cái tầm nhận thức khá cao trong tư tưởng của nhạc Trịnh. Với mỗi người khác nhau sẽ có một nhận định ý nghĩa khác nhau trong bài hát này, với nhiều người “Cõi đi về” cнíɴн là “Cõi cнếт” nhưng cũng sẽ có nhiều người suy nghĩ về “kiếp nhân sinh” – kiếp làm người trên cõi đời này.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.

 “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi” – Đi đâu? Còn là đi ở đâu? Phải chăиg Trịnh Công Sơn đang tự hỏi bản thân hay là hỏi tất cả mọi người, đến tuổi cần ra đi rồi, có nên buông bỏ mọi thứ chấp niệm để mà về cõi vĩnh hằng. Vì theo Phật giáo, nơi trần gian chỉ là một bến đỗ, nó không phải là điểm dừng chân cuối cùng, nó còn rất nhiều chặng đường mà đời người bắt buộc phải đi qua, đừng tiếc nuối chi bụi trần.


Trong kiếp luân hồi, dù bản thân có muốn tránh né thì người đến lúc cần cũng phải ra đi, trở về với cнíɴн bản thể của mình. Trên cõi trần này, có bao lâu đâu, quanh đi quẩn lại cũng phải “ra đi” để trở về cùng cát bụi. Chết có hề đáng sợ, cнếт có phải cнíɴн là hết, hay cнíɴн là sự giải thoát cho cả tâm hồn và thể xác. “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” – Bận rộn để làm gì, bộn bề để làm chi, bản thân lạc lối trong cõi hồng trần cứ loanh quanh chẳng thể thoát ra, càng đi càng mệt, càng đi càng tạo thêm nghiệp cho bản thân. Nên biết đâu là điểm dừng, đâu mới là bến đỗ bình yên của ta.

Đúng như Trịnh Công Sơn đã nói – “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt” – Mỗi người sinh ra, dù là lúc nhỏ bé hay đến lúc trưởng thành, trên vai mỗi người đều có gánh nặng, càng trưởng thành, gánh nặng trên đôi vai càng lớn, nó sẽ chỉ thật sự nhẹ nhàng khi bản thân buông bỏ mọi thứ, để “Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.”. Đoạn nhạc nhỏ nhưng thấm đẫm cái hồn trong từng ca từ câu hát, nặng trĩu ưu tư và sự bức bối của một tâm hồn đẹp. Trịnh Công Sơn mong muốn bứt phá khỏi sự lẫn quẩn của nhân sinh. Đoạn nhạc buồn da diết như nói lên nỗi lòng trăи trở suy tư bằng một cái nhìn tĩnh lặng.

Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ
Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa

Tâm của nhạc sĩ họ Trịnh phải tĩnh như thế nào mới có thể nghe được tiếng của cây, của cỏ, âm thanh của mọi thứ xung quanh. Ông say, say để quên đi đời mệt nhọc, say để trôi qua ngày dài nhẹ nhàng hơn.

Có thể nói thời gian cнíɴн là một cỗ máy, mà cỗ máy thì không bao giờ có trái tim, có sự cảm thông cho bất kỳ ai. “Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ” – Xuân cứ qua rồi hạ lại về, thời gian tuần hoàn trôi, không có dấu hiệu ngừng, trôi nhanh không báo trước. Chỉ lâu lâu sẽ nghe thấy tiếng ngựa chốn xa, như báo hiệu một điều gì đó trong tương lai.

Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

Hình ảnh “Mây che trên đầu” và “Nắng trên vai” cнíɴн là 2 hình ảnh ẩn dụ có chiều sâu nhất trong cả bài hát này. Như nói lên sự tuần hoàn của tạo hóa, mà con người thì thật nhỏ bé biết bao. Mây đen phải chăиg cнíɴн là những góc tối trong cuộc đời của mỗi người, che khuất trên đỉnh đầu, vậy lúc nắng chiếu sáng trên vai có mấy ai nhìn thấy. Chỉ đến khi trái tim yêu thương lên tiếng thì mới làm thức tỉnh được phần người trong mỗi chúng ta.

Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà
Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy
Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa
Từng lời tà dương là lời một địa
Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe

Chốn nhân gian này được Trịnh Công Sơn ví von như một bờ cỏ non nhưng lại vô cùng mộng mị. Giấc mộng làm cho người ta cứ mơ hồ, cứ hoang mang để rồi “trăm năm vô biên” như chưa bao giờ hội ngộ và cũng không biết đâu mới là nhà, là bến bờ bình yên của sinh mệnh, như những kẻ lang thang không có nơi ổn định.

Trong khi ta về lại nhớ ta đi
Đi lên non cao đi về biển rộng
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…..


Con người thật khó hiểu, luôn cố chấp trong mọi thứ, điều gì cũng mong muốn có được, dù lạc lối, dù không tìm được lối ra, vẫn bất chấp và mù quáng tin theo. Nhưng đến cuối cùng, cũng cнíɴн bản thân mới nhận ra rằng cuộc đời từ lúc sinh ra đến lúc gần đất xa trời mới biết rằng chốn trần gian này khắc nghiệt, cнíɴн là một chốn lưu đày, một nơi địa ngục.

“MỘT CÕI ĐI VỀ” luôn khiến người nghe cảm thấy day dứt, luôn có một khoảng lặng trong tim, mỗi người mỗi cảm nhận khác nhau. Nhưng dẫu cho mọi người có cảm nhận thế nào đi chăиg nữa, cũng không thể phủ nhận rằng đây là một nhạc phẩm xuất sắc, không đơn thuần chỉ là một bài hát, nghe để vui tai mà hơn hết nó chứa đựng biết bao triết lý thâm sâu, những thông điệp, những chiêm nghiệm về cuộc đời. Nó khiến cho người nghe không thể vội vã, phải từ từ cảm nhận, chậm chậm mà thấu hiểu. Giai điệu trầm buồn nhưng da diết, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng trong tận trái tim người nghe. Bài hát như nói lên nỗi lòng trầm buồn với những trăи trở của tác giả về cuộc đời, về cách làm người.

Nguồn: gocxua.net

  

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Ngoại tôi...


Những dịp đám giỗ của bà ngoại,  tôi và gia đình thường về thăm phần mộ của ông bà ngoại ở vàm Cái Ngang (Cà Mau)... Bà ngoại mất năm 1981, đến nay đã 40 năm nhưng những kỷ niệm của bà đối với đám cháu chúng tôi chắc không bao giờ quên được... Thời gian qua nhanh, dì cậu tôi năm nay tuổi đã tht thập trở lên, mẹ tôi năm nay cũng đã gần ngưỡng 90 nhưng may mắn còn đủ, đương nhiên cũng đã yếu đi rất nhiều... đúng là thời gian không chừa một ai... 




Thanh minh tại mộ ngoại năm 2019

Ngoại và tôi (Ảnh chụp năm 1970)




Mẹ và cậu dì chụp tại mộ ngoại Thanh minh 2020 






















Xin mượn bài viết của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nói lên cảm xúc của mình...

Mẹ và tôi
Không có bài hát nào nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người.
Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thủy tuyệt đối. Khi mẹ mất rồi thì bạn hãy tin chắc rằng không thể ở nơi nào có một lòng chung thủy tương tự như vậy nữa, bởi vì đối với mẹ, bạn là mục đích đầu tiên và sau cùng.                           
Khi một người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có thêm mùi vị của cay đắng. Tình yêu của mẹ là không vụ lợi. Ở trái tim người mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa.

Nếu thân xác đi mà linh hồn vẫn còn lại thì bạn hãy tin rằng ,mẹ sẽ là người đau khổ nhất chứ không phải là bạn. Ở nơi linh hồn đó, mẹ biết rằng từ nay không còn ai đủ tình yêu để chăm sóc và an ủi bạn trong những phiền muộn chập chùng của cuộc đời.
Một người năm mươi tuổi mất mẹ, thì đau khổ hơn trẻ lên năm, bởi vì người ấy không còn hy vọng gì ở tương lai nữa. Mất mẹ là mất một phần lớn của cuộc vui muốn được đền đáp, chia sẻ.
Trịnh Công Sơn.

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Lượm lặt: SÀI GÒN, LA DE VÀI HỘT… (Vũ Thế Thành)

… Ghé vào quán nhậu gần nghiã trang quân đội, ông bắt gặp người lính đang ngồi uống bia một mình, trên bàn đặt hai ly bia. Anh lính vừa đi đưa đám bạn mình. Nâng ly, rồi cụng ly, rồi uống… Cứ thế, người lính uống với cái bóng của bạn mình, cho tới khi gục xuống bàn. Nhà điêu khắc lặng lẽ quan sát. Ông bắt được cái “thần sắc” nỗi buồn trên khuôn mặt, trên đôi mắt của người say nhớ bạn…

 "Thâu đêm ròng rã kêu ai đó
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ" (Tiếng cuốc kêu – Nguyễn Khuyến) 

Lần đầu tiên nếm mùi bia 33 là hồi tôi mới đậu Tú tài. Thằng bạn và tôi rủ nhau đi Vũng Tàu, uống cà phê ở Bãi Trước, ngắm biển và ngắm… người (nữ). Chưa biết nhậu nhẹt, nên chỉ có thế cho bõ công đèn sách. Trên đường về lại Sài Gòn, thằng bạn rủ ghé ông anh nó đang đóng quân đâu đó ở Biên Hòa. Đàn anh chơi đẹp, dẫn hai thằng đệ “tân khoa tú tài” đi nhậu lề đường. 

Sài Gòn đổi tên, con cọp mất tích, chẳng ai còn nhắc đến la de con cọp một thời, nhưng nhãn hiệu bia 33 thì còn. Ông chủ mới chỉ thêm một con số 3 nữa, thành bia 333. 
Gọi bia 33, ba anh em nâng ly, nốc một nhát cạn ly. Nửa ngọt, nửa cay, hương thơm, vị đắng. Bia mát lạnh, ngoài mặt nhăn nhó, nhưng trong bụng sảng khoái vô cùng. Hồi lâu, ông anh ngập ngừng “Uống chút băm ba cho biết mùi đời. Giữa tháng, anh hết “đạn” rồi, hai chú chịu khó làm tiếp “nước mắt quê hương” cho… chóng lớn!”. Nước mắt quê hương mà ổng nói là rượu đế. 
Tình dang dở khó quên. Sảng khoái dang dở cũng không ngoại lệ, huống chi đó lại là ấn tượng sảng khoái bia bọt thuở ban đầu. Sau này đám bạn đi lính về phép, lại kéo nhau ra quán nhậu bù khú. Ít tiền thì la de con cọp, nhiều tiền thì bia 33. 
Bia 33 là loại bia sang nhất hồi đó do hãng BGI sản xuất, và đây cũng là hãng bia duy nhất của miền Nam. Hãng chỉ sản xuất chỉ có hai loại bia: chai lớn dung tích 66 phân khối và chai nhỏ, 33 phân khối. 
Ngôn ngữ thường được sáng tạo nơi bàn nhậu, mà bàn nhậu đã sáng tạo thì không thể thay đổi. Chai nhỏ, dân nhậu gọi là bia băm- ba, chẳng ai buồn gọi cho đúng “phép tắc” là ba-mươi-ba. Còn bia chai lớn, gọi là la de con cọp. Gọi thế là vì nhãn chai có in hình đầu con cọp lớn. Còn chữ lade, thì có người giải thích là do chữ Larue, tên của người sáng lập hãng, đọc nhanh thành ra la de. Giải thích thế thì biết thế, nhưng nghe hơi gượng ép.



Bia 33 tuy nhỏ, nhưng có độ cồn cao hơn, hương đậm và vị đắng hơn la de con cọp chai lớn. Tôi nhớ, giá bán hai loại bia này cũng sàn sàn như nhau. Như nhau, nhưng thiệt ra đắt hơn, vì dung tích chai bia 33 chỉ bằng một nửa so với chai bia lớn. Hồi đó, lính Mỹ thích bia 33 hơn bia Mỹ cũng vì hương vị đậm đà này.

Cách nay vài năm ra nước ngoài chơi, ghé vào hiệu sách, tôi thấy có quyển hồi ký của một trung úy Mỹ, đã từng có mặt ở Việt Nam. Lướt thử vài trang, thấy chú GI này cũng nói đến bia 33, mà lính Mỹ rất ưa chuộng.
Cái bóng đầu cọp in trên cổ chai là logo của BGI, chai lớn chai nhỏ đều có. Dù chỉ là cái bóng, nhưng cũng đủ cho các chú GI khoái chí gọi bia 33 theo tiếng lóng là “nước đái cọp” (tiger piss). Anh lính viết hồi ký này còn bốc lên rằng, bia 33 được làm từ gạo. Làm bia từ gạo chỉ đúng một phần thôi. Về nguyên tắc thì ngũ cốc nào cũng đem làm bia được, nhưng trước khi lên men, phải malt hóa chúng, nghĩa là ngâm nước để ngũ cốc nảy mầm. Ngũ cốc nảy mầm mới tạo ra nhiều enzyme để cắt tinh bột thành đường. Từ đường mới lên men thành bia (rượu) được. Trong các loại ngũ cốc, thì lúa mạch (barley) tạo ra nhiều enzyme nhất. Làm bia không thể thiếu lúa mạch. Vì lúa mạch đắt, nên người ta phải “độn” thêm các loại ngũ cốc khác sẵn có ở địa phương như lúa mì, gạo, bắp… để giảm giá thành. Có thể hồi đó hãng BGI đã “độn” thêm gạo để làm bia, nhưng chủ yếu vẫn phải là lúa mạch. Những năm sau 75, hãng BGI rút về nước, làm gì có đủ lúa mạch để làm bia. Phải độn thêm, rồi độn thêm nhiều ngũ cốc hơn nữa. Nhưng ngũ cốc loại gì? Cơm gạo cho người ăn còn không đủ, thì gạo đâu mà dành cho bia, không chừng còn độn bo bo, khoai bắp cũng nên. Bia Sài Gòn hồi đó uống có vị ngai ngái. Ngai ngái nhưng thuộc hàng quý hiếm trong những năm tháng đó. Dân Sài Gòn nhâm nhi ly bia ngoài quán hay vỉa hè cũng ít khi ồn ào, chỉ xù xì nói chuyện, nhìn phố người qua kẻ lại, chứ không nâng ly cụng chén “dzô dzô”. Mồi đơn giản thường là đậu phộng, hột vịt lộn, khô bò, khô mực… Nhậu “dữ ” hơn thì xài tới rượu đế, với các món chiên xào bếp núc. Hạng cao cấp, sang trọng thì vô nhà hàng với Chivas, “Ông già chống gậy”… Hạng này, miễn bàn. Còn thứ sinh viên như bọn tôi, dạy kèm rủng rỉnh chút tiền, ra quán vỉa hè làm vài chai la de con cọp, sang hơn thì gọi bia 33 cho ra cái vẻ… sành điệu vậy thôi. Chỉ có những thằng bạn đi lính, thứ gì cũng uống, thức nào cũng ăn, già dặn trưởng thành sau những lần về phép thấy rõ. Mà có tiền nhâm nhi ly bia đã là khá bảnh rồi, chứ của đâu mà uống cho tới xỉn. 

Nhưng có câu chuyện (thiệt) về cái “thần” của người uống bia tới xỉn mà tôi đọc được, kể ra đây nghe chơi: Đôi mắt của người say nhớ bạn. Chiến tranh đau thương mất mát buồn lắm. Trải qua mới thấm. Một điêu khắc gia được yêu cầu tạc một bức tượng để đặt ở nghĩa trang. Ông nghĩ hoài không biết tạc cái gì, nên đi vào nghĩa trang quân đội (Sài Gòn) ở Hạnh Thông Tây để quan sát tìm cảm hứng. Ghé vào quán nhậu gần đó, ông bắt gặp người lính đang ngồi uống bia một mình, trên bàn đặt hai ly bia. Anh lính vừa đi đưa đám tang bạn mình. Nâng ly, rồi cụng ly, rồi uống… Cứ thế, người lính uống với cái bóng của bạn mình, cho tới khi gục xuống bàn. Nhà điêu khắc lặng lẽ quan sát. Ông bắt được cái “thần sắc” nỗi buồn trên khuôn mặt, trên đôi mắt của người say nhớ bạn. Bức tượng hoàn thành, được đặt ở nghĩa trang Biên Hòa. Hồi đó, người ta đồn, đêm đêm bức tượng đến nhà dân quanh đó, gõ cửa xin nước uống… Sau năm 75, bức tượng không còn nữa. Chiến tranh, đau thương mất mát buồn lắm. Trải qua mới thấm. 

Ngoài la de con cọp và bia 33 một mình một chợ, tôi không thấy nhãn hiệu bia nào khác trên thị trường nữa. Bia BGI một thời tung hoành, và nghe nói còn xuất cảng đi những đâu nữa đấy. Trên nhãn bia 33, tôi còn nhớ ghi “Export”. Sau năm 75, Sài Gòn đổi tên, con cọp mất tích, chẳng ai còn nhắc đến la de con cọp một thời, nhưng nhãn hiệu bia 33 thì còn. Ông chủ mới chỉ thêm một con số 3 nữa, thành bia 333. Thương hiệu nhái “333” còn cho đến bây giờ, nhưng dân Sài Gòn vẫn gọi đó là bia “băm ba”. Chỉ có 3 âm “Ba- mươi- ba” dân nhậu còn chả gọi, huống gì tới 5 âm “ba -trăm ba- mươi- ba”.. Thay chủ, thay tên thì chất lượng bia cũng khác, nhưng chẳng ai phàn nàn. Bia bọt là hàng xa xí phẩm lúc đó. Chạy chọt tem phiếu, chen lấn để mua được ly bia hơi thì cũng… tàn hơi. Có khi cửa hàng còn bắt chẹt, phải mua kèm mồi. Uống rượu đế thì cay xè, vào nửa ly xây chừng là bốc hỏa lên rồi. Nhưng sau 75, thì chẳng còn phân biệt gì nữa. Bia hơi là deluxe, là premium quality. Thường nhật chỉ còn rượu đế, rượu Cây lý, rượu Gò Đen… Bia thì là loại bia lên cơn, lên men từ vỏ thơm, cùi khóm ruồi nhặng bu đầy… Uống chỉ để uống, uống để quên đời. Uống tạp như thế, không hiểu sao giờ này vẫn còn sống để… viết. 

Những đầu thập niên 90, tôi làm công việc dịch tài liệu, và điểm báo cho một cơ quan xúc tiến ngoại thương, chung với anh Phan Tường Vân. Làm từ trưa tới chập tối là xong, nhưng hai anh em thường nán lại, bù khú với nhau, chỉ một, hai chai bia Sài Gòn xanh với hột vịt lộn, kéo dài có khi đến khuya mới về. Anh Vân chuyên về kinh tế, trước 75 làm việc trong chính quyền Sài Gòn, nên bao chuyện thâm cung bí sử cứ rù rì tuôn ra. Bia Sài Gòn nhạt, nhưng ký ức cứ chảy ngược, dòng đời vẫn chảy xuôi. Anh Phan Tường Vân mất cũng hơn mười năm rồi… Đời cọp thăng trầm từ sau 75, sống kiếp lưu vong, cũng bị buôn qua bán lại nhiều đời chủ. Rồi đâu đó cũng cỡ đầu những năm 90, cọp quay lại Việt Nam, cũng là tên hãng BGI, nhưng đã bán cho chủ hãng bia khác, lớn hơn. Sài Gòn lạnh nhạt, cọp về nương náu ở Mỹ Tho. Cọp tái xuất giang hồ, nhưng dân Sài Gòn chỉ gọi là bia con cọp. Dĩ vãng đã giữ chặt hai chữ La de mất rồi. Bia Con cọp và La de có gì khác nhau? Cũng chai nâu lớn, cũng đầu cọp, cũng Larue BGI, nhưng dân nhậu đồn rằng bia con cọp uống vào nhức đầu. Nhức đầu là do nguồn nước ở Mỹ Tho không thích hợp để làm bia? Tôi không biết nguồn nước có phải là nguyên nhân, và bia có thực sự làm nhức đầu hay không. Nhưng với trò chơi thương trường thì điều gì cũng có thể. Các hãng mua lại BGI cũng đều là hãng bia “đồng nghiệp” với nhau cả. Họ mua, đâu chỉ là mua nhà máy, mà mua cả thương hiệu, kênh phân phối, phân khúc khách hàng… Vẫn là con cọp, nhưng ruột cọp thế nào, chủ mới dư sức biến hóa công thức. Hồi đó, miền Nam chỉ có duy nhất một hãng bia là BGI, và BGI cũng chỉ có một nơi duy nhất để sản xuất bia nằm ở đường Trần Hoàng Quân (nay là Nguyễn Chí Thanh, quận 5). Bây giờ thì nhiều hãng bia với cả vài chục nhà máy sản xuất, rót hơn bốn tỉ lít bia cho non một trăm triệu dân, tính luôn đàn bà và trẻ em… Cọp hồi hương làm khách nhức đầu thì cọp cũng nhức đầu. BGI đổi chủ, rồi lại đổi chủ nữa, nhưng đầu cọp thì vẫn còn, thương hiệu 33 vẫn còn, thế nhưng văn hóa nhâm nhi ly bia liệu có còn? “Con cọp” lạc lõng giữa văn hóa tiếp thị, chân dài chân ngắn trong những quán nhậu đông người. 

Bia ngon bia dở khó luận, nhưng chắc trong bia có phần ký ức. Ừ, thì đôi lúc cũng phải la de vài hột, rồi như khách giang hồ lục tìm trong ký ức, mới thấy đời người còn biết bao điều dở dang, nuối tiếc. Có khác gì tiếng cuốc đêm hè đâu, phải thế không? 

Nguồn: https://saigonthapcam.wordpress.com/