Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Lượm lặt : Cảm nhận âm nhạc : Còn tuổi nào cho em




Ca từ của nhạc Trịnh rắc rối hơn bất cứ văn bản nào đã có. Viết "chân phương" như các nhà thơ cổ điển mà đã có ai dám bảo là hiểu hết ý tưởng. Ngay 2 câu "Đêm thu gió lọt song đào, Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời" của Truyện Kiều, các nhà bình luận cũng đã tốn bao nhiêu giấy mực để tranh luận.


Ca từ ấy rắc rối ở chỗ có lẽ hình tượng cụ thể hay trừu tượng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cảm nhận được rất phong phú, tinh tế, khó diễn tả bằng ngôn từ bình thường. Do vậy chỉ với cách nói, cách viết đôi lúc có vẻ "ngược đời" mới giúp cho nhạc sĩ truyền đạt và thể hiện ý tưởng của mình, cho dù các ý tưởng ấy cũng khá mơ hồ. Cách thể hiện ngôn từ đó không phù hợp với logic ngôn ngữ hằng ngày nhưng chắc không phải là mớ bòng bong rối rắm hoặc thứ ngôn ngữ giả tạo cố tình tạo ra, bằng chứng nhiều người nghe nhạc Trịnh dù không hiểu vẫn thấy thích, vẫn thuộc và hát đúng ca từ (nói thêm rằng, nhạc Trịnh được thích, được hát từ rất lâu chứ không phải nổi lên như phong trào sau khi ông mất).



Chính xác hơn, ông tạo ra ngôn ngữ của ca từ bằng "cảm tính" chứ không phải "lý tính", vì vậy nếu dùng "lý tính" để phân tích thì có thể khó lý giải nhưng nghe thì vẫn "cảm" được đó thôi. Cũng đoán rằng, chưa chắc Trịnh đã mô tả rõ ràng được những gì ông đã cảm, đã viết ra. Đối với một bức tranh thuộc trường phái trừu tượng hay lập thể, những con người hay cảnh vật thường có vẻ kỳ dị; những hình khối méo mó khác thường nhưng nhờ thế mở chở nổi những tư tưởng tác giả muốn thể hiện. Ví dụ khẳc, chẳng hạn chuyện uống rượu, mình có thể cảm được cái hương, cái vị, cái ngon của chai Chivas 21 năm tuổi nhưng khó diễn tả cho người khác chỉ quen uống vodka, cũng cảm được như mình!


Ca từ của ông có nhiều lúc như "nói ngược" hoặc nói sai. Người ta hay trích câu nói ngược của ông "Một trăm năm đô hộ giặc tây" (?) Tây đô hộ ta chứ! để phê bình. Thế nhưng, câu cửa miệng "Tôi đi khám bác sĩ" dù ngược ngạo nhưng vẫn được mọi người dùng thường xuyên đó chứ! "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao", "Cụm rừng nào lá xác xơ cây",... của ông cũng là kiểu như vậy.



—–



Bài "Còn tuổi nào cho em" mình biết thì từ rất sớm, chỉ nghe một vài lần gì đó do KL hát trước 75. Sau này cố công đi tìm nhưng không gặp; các tape mang về nước, các đĩa KL được sao chép cũng không thấy bài này. Phần lớn là gặp Trịnh Vĩnh Trinh, Thu Hà,... hát khiến mình có cảm giác như ăn món ngon nhưng nấu chưa tới. Cho đến khoảng 7, 8 năm trở lại đây, nhờ internet mình mới tìm được các file mp3 do KL hát, lúc đó mới thấy thật sự hài lòng. Đây cũng là bài mình thường "ngâm ngợi" từ thuở đôi mươi cho đến lúc tóc đã 2 màu, không hiểu sao khi nghe mình cảm thấy có chút gì đó man mác, phấn chấn, chút gì đó cảm hoài,... Nay thử nêu vài cảm nhận riêng mình xem sao (cũng nói thêm là trên mạng dường như chưa thấy ai viết cảm nhận cho bài này)


Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may


Trạng thái này từ một bạn trẻ đang mơ mộng hay một người bước vào tuổi xế bóng đều có thể gặp. Một thoáng ngơ ngác khi gió heo may về, mỗi người có những cảm xúc với cung bậc khác nhau. Con người là một tạo vật của thiên nhiên ắt phải có các phản ứng khi thiên nhiên thay đổi: lá vàng úa, mây bay, gió heo may,... Có những giây phút nào đó, con người nhạy cảm, đã ngồi mơ mòng dõi mắt trông theo,...

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài


Như một cô/cậu học trò, một nàng/chàng sinh viên, một người nghệ sĩ trẻ lang thang một mình qua phố phường. Là tuổi mới lớn, chiều cao phát triển nhanh hơn chiều ngang nên một thoáng nhìn sẽ thấy đôi vai gầy, đôi tay lỏng khỏng (muốt dài). Vai gầy thể hiện nỗi buồn mong manh. Cho dẫu tương lai chưa định hình, cho niềm cô đơn đang tạm thời ngự trị trong tâm khảm nhưng đó là cái trạng thái tự nhiên của giai đoạn sắp bước vào tuổi trưởng thành.

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa


Đây là một cảm giác mênh mông! Nghi ngại và tin tưởng; bồng bột và u sầu. Nhiều lúc không biết mình thích chóng trưởng thành như một người lớn thực thụ hay trở về niềm hoan lạc tuổi thơ (!)

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây xe thêm mầu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ...


Đến đây đúng là tuổi về chiều, ngả bóng. Tất cả còn lại chỉ là những hoài niệm, tiếc nuối, an ủi,...
Dù tuổi cao nhưng có ai cấm nỗi việc người ta còn mơ mộng. Lúc này thường không mong gặp những điều mới lạ, những phiêu lưu trong cuộc đời mà chỉ còn mong gặp "cố nhân". Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất nhưng người xưa vẫn là "bước chân mềm trong màu áo lụa", những ảo ảnh, hình tượng quý giá hiện ra trong làn sương ký ức.
Vì thế, người ta vẫn mong chờ để nói lên một điều gì đó, để bày tỏ một nỗi niềm với ai đó mà trong quá khứ đã lỡ hẹn hoặc lỡ cơ hội nên luôn hối tiếc ...
(ST)