Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Em Hiền Như Ma Soeur - Elvis Phương





Em hiền như Ma soeur …


Bài hát “Em hiền như Ma soeur” là một bài hát rất quen thuộc gắn với tuổi hoa niên của những người cùng trang lứa với tôi, từ lâu lắm. Lời ca và giai điệu phảng phất nét tôn giáo khiến tôi đinh ninh rằng đây là một bài hát nước ngoài được Việt hóa, như nhiều bài hát khác tôi từng biết. Cho đến gần đây,  tôi mới biết thì ra đây là một bài hát Việt, bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã quá nổi tiếng, ai cũng biêt. Còn nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên thì chắc không phải ai cũng biết.
Nguyễn Tất Nhiên, tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa và mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tạo California.
Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ “Nàng thơ trong mắt” năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.

Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có một tình cảm nhẹ nhàng với cô nhưng không thành công, vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô cũng là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ như Khúc tình buồn, hay các bài Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Linh mục, Em hiền như ma sơ…
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc ông còn rất trẻ. Đầu óc ông được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Tương truyền, có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời.
Dường như mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ của ông.
Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy: “hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên…”
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công: thơ ông in ronéo tặng không cho các nữ sinh đều bị quăng vào thùng rác, còn những tập thơ gửi bán trong các tiệm sách đầu chợ Biên Hòa thì để lâu đến nỗi giấy đổi màu vàng vẫn chưa bán được.
Cho đến khi thơ ông được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo của Mai Thảo, rồi sau đó nhờ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang nhìn thấy mà phổ nhạc thì ông mới bắt đầu nổi tiếng.
Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ bị Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung Tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn. Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước vài năm, sau đó sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam.
Sau ông lấy vợ có tên là Minh Thủy, có 2 đứa con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.
Đây là bài thơ của ông, sau này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
Masoeur
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa ?
Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai
Xa nhau mà không hay
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng !
Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur
Có dịu dàng ánh mắt
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
Cuộc đời tên vô đạo
Vết thương hành liệt tim!
Ðưa em về dưới mưa
Xe lăn đều lên dốc
Chở tình nhau mệt nhọc!
Ðưa em về dưới mưa
Áo dài sầu hai vạt
Khi chấm bùn lưa thưa
Ðưa em về dưới mưa
Hỡi em còn nít nhỏ
Chuyện tình nào không xưa ?
Vai em tròn dưới mưa
Ướt bao nhiêu cũng vừa
Cũng chưa hơn tình rụng
Thấm linh hồn ma soeur
(1971)

Và đây là lời bài hát “Em hiền như Masoeur” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha..
Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng..
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa…
Em hiền như ma-soeur, vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta bệnh hoạn, ma-soeur này ma-soeur
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo, ma-soeur này em ma-soeur
Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?
Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn ma-soeur…


Cũng không hiểu tại sao khi biết lời bài hát này được viết bởi nhà thơ Biên hòa, mặc dù có người bạn ở Biên hòa cho biết con dốc già mà bài thơ nhắc đến thường được gọi là dốc Ngô Quyền (vì chạy qua cổng trường Ngô Quyền xưa), nằm ở trung tâm thành phố Biên hòa, nhưng tôi vẫn nghĩ cái dốc ấy là con dốc ở tận cửa ngõ từ phía bắc vào thành phố Biên hòa. Một con dốc thoải, dài suốt mấy cây số, chạy qua Tân biên, Hố nai xuống đến tận Trảng dài, hai bên có rất nhiều nhà thờ. Và trong những chiều mưa, mỗi khi đi qua con dốc này, giữa chen chúc huyên náo người xe, tôi vẫn thấy dường như ở đâu đó hình bóng nhà thơ Biên hòa đang gò lưng đạp xe, phía sau là tà áo dài ướt mưa, lướt thướt chấm bùn của cô Bắc kỳ nho nhỏ …

Chút tàn phai (Bảo Chấn) - Ca sĩ : Lê Hiếu





Có bài hát được “đóng đinh” vào tên tuổi người ca sỹ hát thành công nhất, được công chúng đón nhận và dành cho nhiều tình cảm nhất, cũng có những bài hát được “đóng đinh” vào một cung bậc tâm trạng nào đó của mỗi người nghe.

Với riêng tôi, Chút tàn phai của Bảo Chấn là một trong những ca khúc đặc biệt như thế, cho tôi tìm đến trong những lúc nản lòng và mệt mỏi giữa nhịp sống hối hả và đua chen chốn Hà thành sôi động, để sống và ngấm cùng nỗi buồn đau của nhân vật trữ tình trong ca khúc mà quên đi thực tại mệt mỏi, để sống tốt hơn và trân trọng những điều bình dị nhưng lại mang nhiều ý nghĩa mình đang có.
Chút tàn phai là ca khúc được viết cho bộ phim truyền hình Hàn Mặc Tử của đạo diễn Trần Mỹ Hà, và ca khúc đã nhanh chóng thoát ra khỏi cái khung làm nhạc nền cho phim để có một đời sống riêng, một sự yêu mến riêng trong lòng công chúng yêu nhạc với giọng nam trầm ấm của ca sỹ trẻ Lê Hiếu.
Có thể thấy Tình (những mối tình lãng mạn cả ngoài đời và trong mộng tưởng) và Đời (sự đau đớn và tuyệt vọng cùng căn bệnh phong) đã dồn nén lại trong những vần thơ, làm nên khúc ca bi tráng ám ảnh và lay động về người nghệ sĩ tài hoa mà bạc mệnh Hàn Mặc Tử.
Chút tàn phai giúp ta thấy được phần nào bức tranh đó – một bức tranh lãng đãng suy tư, bàng bạc bi kịch của nỗi đau giữa đôi bờ tình – thơ:
Khi mùa mưa về giăng phố cũ chập chùng Nghe vọng từ nơi ấy bài hát tình nồng Em về gọi chiều hôm câu hát còn thơm Chút hương tàn úa chút đêm tàn phai trăng đầu non
Thấp thoáng trong ca từ là không gian của vùng biển Phan Thiết khi Hàn Mặc Tử lặn lội từ Sài Gòn về tìm gặp Mộng Cầm - không gian bàng bạc hoài niệm mùa yêu: có “mùa mưa về giăng phố cũ”, “vọng” lên đâu đó “bài hát tình nồng”; có những đêm “trăng đầu non” thấp thoáng nơi lầu ông Hoàng của hai tâm hồn đẹp đầy mộng mơ cùng ngâm thơ thưởng nguyệt…
Theo lời kể của tác giả Nguyễn Viết Lãm (Tuyển tập Hàn Mặc Tử), “đây là mối tình sâu sắc nhất của Hàn Mặc Tử, cho nên khi Mộng Cầm phụ bạc vì thấy anh mắc bệnh hiểm nghèo, anh rơi vào một nỗi tuyệt vọng thê thảm: “Họ đã đi rồi không níu lại / Lòng thương chưa đã, mến chưa bao / Người đi, một nửa hồn tôi mất / Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”.
Và trong Chút tàn phai - sự tuyệt vọng ấy được thể hiện và ám ảnh qua các hình tượng: “vầng trăng”. ‘khung cửa” cùng những lời van lơn, cầu khẩn âm thầm tự đáy lòng thi nhân:
Im lặng chờ vầng trăng chia sớt một lời Khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời Thơ ngập ngừng thương nhớ cơn bão ngoài khơi Vẫn van xin đời vẫn van xin người đừng phụ tôi.
Giữa bi kịch của cô đơn tột cùng của những mối tình không thành và sự đớn đau của bệnh tật, người thi sĩ họ Hàn chỉ còn có vầng trăng, chỉ biết tìm đến trăng để thổ lộ, trút bầu tâm sự, thậm chí là thét gào, huyễn hoặc cùng trăng. Trăng thành nhân tình, trăng thành giấc mộng đưa thi nhân bay lên, thoát ra khỏi thực tại để rồi trăng ngập tràn và trở đi trở lại trong suốt những vần thơ của Hàn Mặc Tử như một biểu tượng của sự khao khát và chênh vênh giữa mộng và thực. “Ôi trời ơi là Phan Thiết! Phan Thiết / Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi / Ta đến nơi nường ấy vắng lâu rồi / Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ / Trăng vàng ngọc trăng ân tình chưa phỉ / Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng...” (Phan Thiết).
Tôi cứ có ấn tượng và ám ảnh mãi với “khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời” cùng lời thiết tha tự sâu đáy hồn “Vẫn van xin đời, vẫn van xin người đừng phụ tôi”. Khung cửa ấy, lời khẩn cầu xót xa và đầy tha thiết ấy vẽ lên một bức tranh tâm trạng của sự chơ vơ, lạc lõng, cô đơn tột cùng khi sự sống gần kề với cái chết và sự tuyệt vọng trong tình yêu. Bởi cô đơn, bởi tuyệt vọng nên mới “van xin” – xin đời và xin người “đừng phụ tôi”. “Đời” – là cuộc đời này, là cả thế giới bên ngoài “khung cửa bình yên ” kia. Vậy còn “người” – “người” là những ai?
Theo các nhà nghiên cứu văn học thì có tất cả 5 người con gái từng xuất hiện trong thơ Hàn Mặc Tử là Mộng Cầm, Thu Cúc, Mai Đình, Ngọc Sương và Thương Thương – 5 chén nhỏ để thi nhân rót ra những gì chứa chan từ chiếc bình tràn đầy tình của đời mình. Những mối tình ấy - cả thực và mơ đều mang lại cho thi nhân cả những khao khát, thi hứng và những bi kịch trong tâm hồn, đi từ Hương thơm cho đến Mật đắng để rồi Máu cuồng và Hồn điên (tên 3 phần của tập Thơ điên - Hàn Mặc Tử) – rồi say – rồi đau đớn và tuyệt vọng trong những vần thơ lạ khiến ta đôi lúc phải rùng mình và ớn lạnh: “Tôi vẫn còn đây hay ở đâu / Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu / Sao bông phượng nở trong màu huyết / Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu” (Những giọt lệ)
Thấp thoáng hiện về giữa những hiện thực cô đơn giam mình sau một “khung cửa” như thế, ký ức lại tràn về trong thẳm sâu niềm ngác ngơ và ngậm ngùi tiếc nuối:
Ngày vui khi nắng hồng lên khe khẽ gọi tên, Ngày mưa giông gió ngàn khơi ngơ ngác tìm em. Tìm lại đóa vô thường ,tìm giọng hát thiên đường Một đời tôi đi mãi theo vầng trăng khuya…
Đan cài giữa những niềm hạnh phúc trong “ngày vui” với không gian rạng rỡ của bình minh, giữa “nắng hồng” gọi tên người tình là sự bàng hoàng và “ngơ ngác tìm em” khi những “ngày mưa giông gió ngàn khơi” kéo đến, tan đi mộng lòng… Và cứ như thế, mãi lang thang, mãi cô đơn đi “tìm lại đóa vô thường, tìm giọng hát thiên đường” theo “vầng trăng khuya” lẻ loi cô quạnh giữa trời…
Hàn Mặc Tử sinh giữa mùa trăng, lại mắc phải căn bệnh mà ánh trăng có tác động mãnh liệt lên cơ thể, tâm trí (những đêm trăng sáng không khí ở Quy Nhơn lạnh hơn và Hàn Mặc Tử phải chịu nỗi đau đớn về thể xác do căn bệnh hành hạ nhiều hơn) nên trăng với Hàn Mặc Tử là thơ, là cuộc sống. Trăng là máu, là hồn! Và vì thế, nghe Lê Hiếu hát “Một đời tôi đi mãi theo vầng trăng khuya” mà lòng cứ thấy nghèn nghẹn, nhói đau – đau cùng bi kịch của sự cô đơn và khát khao hòa nhập với tình, với đời của người thi sĩ trẻ tài hoa.
Có ai đó đã nói rằng, những mối tình của Hàn Mặc Tử trong cuộc đời khổ đau của ông vừa thực vừa hư, thực đến não nùng tuyệt vọng như đối với Mộng Cầm, hư như sương khói mơ hồ như đối với Ngọc Sương và Thương Thương, và nhiều người lầm tưởng Hàn Mặc Tử cô đơn và tuyệt vọng vì những giấc mộng tình đổ vỡ không thành ấy. Tuy nhiên, xét trên thực tế, nỗi đau đớn và tuyệt vọng lớn nhất của Hàn Mặc Tử lại là sự xác nhận trước cái chết của mình như một thực tế tất yếu và sự khao khát được sống, được sáng tạo mạnh mẽ trong con người ông.
Ở trại phong Tuy Hòa, sự săn sóc tận tình của các bà sơ trong trại cùng những người khác thực sự là một sự nâng đỡ đối với Hàn Mặc Tử. Chính cảm thức tôn giáo đó là ngọn nguồn, đã thổi bùng lên ngọn lửa khao khát và đam mê sáng tạo trong tâm hồn thi nhân…
Với Chút tàn phai – nhạc sỹ Bảo Chấn đã góp phần khơi gợi và mang đến cho người nghe những xúc cảm của sự đồng điệu với nỗi đau và sự cô đơn trong cuộc đời của Hàn Mặc Tử.
Im lặng chờ vầng trăng chia sớt một lời Khung cửa nào bình yên tôi nhốt một đời Thơ ngập ngừng thương nhớ cơn bão ngoài khơi Vẫn van xin đời vẫn van xin người đừng phụ tôi.


Lương Đình Khoa

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2016

Lượm lặt : Cảm nhận âm nhạc : Còn tuổi nào cho em




Ca từ của nhạc Trịnh rắc rối hơn bất cứ văn bản nào đã có. Viết "chân phương" như các nhà thơ cổ điển mà đã có ai dám bảo là hiểu hết ý tưởng. Ngay 2 câu "Đêm thu gió lọt song đào, Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời" của Truyện Kiều, các nhà bình luận cũng đã tốn bao nhiêu giấy mực để tranh luận.


Ca từ ấy rắc rối ở chỗ có lẽ hình tượng cụ thể hay trừu tượng mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cảm nhận được rất phong phú, tinh tế, khó diễn tả bằng ngôn từ bình thường. Do vậy chỉ với cách nói, cách viết đôi lúc có vẻ "ngược đời" mới giúp cho nhạc sĩ truyền đạt và thể hiện ý tưởng của mình, cho dù các ý tưởng ấy cũng khá mơ hồ. Cách thể hiện ngôn từ đó không phù hợp với logic ngôn ngữ hằng ngày nhưng chắc không phải là mớ bòng bong rối rắm hoặc thứ ngôn ngữ giả tạo cố tình tạo ra, bằng chứng nhiều người nghe nhạc Trịnh dù không hiểu vẫn thấy thích, vẫn thuộc và hát đúng ca từ (nói thêm rằng, nhạc Trịnh được thích, được hát từ rất lâu chứ không phải nổi lên như phong trào sau khi ông mất).



Chính xác hơn, ông tạo ra ngôn ngữ của ca từ bằng "cảm tính" chứ không phải "lý tính", vì vậy nếu dùng "lý tính" để phân tích thì có thể khó lý giải nhưng nghe thì vẫn "cảm" được đó thôi. Cũng đoán rằng, chưa chắc Trịnh đã mô tả rõ ràng được những gì ông đã cảm, đã viết ra. Đối với một bức tranh thuộc trường phái trừu tượng hay lập thể, những con người hay cảnh vật thường có vẻ kỳ dị; những hình khối méo mó khác thường nhưng nhờ thế mở chở nổi những tư tưởng tác giả muốn thể hiện. Ví dụ khẳc, chẳng hạn chuyện uống rượu, mình có thể cảm được cái hương, cái vị, cái ngon của chai Chivas 21 năm tuổi nhưng khó diễn tả cho người khác chỉ quen uống vodka, cũng cảm được như mình!


Ca từ của ông có nhiều lúc như "nói ngược" hoặc nói sai. Người ta hay trích câu nói ngược của ông "Một trăm năm đô hộ giặc tây" (?) Tây đô hộ ta chứ! để phê bình. Thế nhưng, câu cửa miệng "Tôi đi khám bác sĩ" dù ngược ngạo nhưng vẫn được mọi người dùng thường xuyên đó chứ! "Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao", "Cụm rừng nào lá xác xơ cây",... của ông cũng là kiểu như vậy.



—–



Bài "Còn tuổi nào cho em" mình biết thì từ rất sớm, chỉ nghe một vài lần gì đó do KL hát trước 75. Sau này cố công đi tìm nhưng không gặp; các tape mang về nước, các đĩa KL được sao chép cũng không thấy bài này. Phần lớn là gặp Trịnh Vĩnh Trinh, Thu Hà,... hát khiến mình có cảm giác như ăn món ngon nhưng nấu chưa tới. Cho đến khoảng 7, 8 năm trở lại đây, nhờ internet mình mới tìm được các file mp3 do KL hát, lúc đó mới thấy thật sự hài lòng. Đây cũng là bài mình thường "ngâm ngợi" từ thuở đôi mươi cho đến lúc tóc đã 2 màu, không hiểu sao khi nghe mình cảm thấy có chút gì đó man mác, phấn chấn, chút gì đó cảm hoài,... Nay thử nêu vài cảm nhận riêng mình xem sao (cũng nói thêm là trên mạng dường như chưa thấy ai viết cảm nhận cho bài này)


Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may


Trạng thái này từ một bạn trẻ đang mơ mộng hay một người bước vào tuổi xế bóng đều có thể gặp. Một thoáng ngơ ngác khi gió heo may về, mỗi người có những cảm xúc với cung bậc khác nhau. Con người là một tạo vật của thiên nhiên ắt phải có các phản ứng khi thiên nhiên thay đổi: lá vàng úa, mây bay, gió heo may,... Có những giây phút nào đó, con người nhạy cảm, đã ngồi mơ mòng dõi mắt trông theo,...

Tuổi nào vừa thoáng buồn áo gầy vai
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời
Xin cho tay em còn muốt dài
Xin cho cô đơn vào tuổi này
Tuổi nào lang thang thành phố tóc mây cài


Như một cô/cậu học trò, một nàng/chàng sinh viên, một người nghệ sĩ trẻ lang thang một mình qua phố phường. Là tuổi mới lớn, chiều cao phát triển nhanh hơn chiều ngang nên một thoáng nhìn sẽ thấy đôi vai gầy, đôi tay lỏng khỏng (muốt dài). Vai gầy thể hiện nỗi buồn mong manh. Cho dẫu tương lai chưa định hình, cho niềm cô đơn đang tạm thời ngự trị trong tâm khảm nhưng đó là cái trạng thái tự nhiên của giai đoạn sắp bước vào tuổi trưởng thành.

Em xin tuổi nào còn tuổi nào cho nhau
Trời xanh trong mắt em sâu
Mây xuống vây quanh giọt sầu
Em xin tuổi nào
Còn tuổi trời hư vô
Bàn tay che dấu lệ nhòa


Đây là một cảm giác mênh mông! Nghi ngại và tin tưởng; bồng bột và u sầu. Nhiều lúc không biết mình thích chóng trưởng thành như một người lớn thực thụ hay trở về niềm hoan lạc tuổi thơ (!)

Tuổi nào ngồi khóc tình đã nghìn thu
Tuổi nào mơ kết mây trong sương mù
Xin chân em qua từng phiến ngà
Xin mây xe thêm mầu áo lụa
Tuổi nào thôi hết từng tháng năm mong chờ...


Đến đây đúng là tuổi về chiều, ngả bóng. Tất cả còn lại chỉ là những hoài niệm, tiếc nuối, an ủi,...
Dù tuổi cao nhưng có ai cấm nỗi việc người ta còn mơ mộng. Lúc này thường không mong gặp những điều mới lạ, những phiêu lưu trong cuộc đời mà chỉ còn mong gặp "cố nhân". Năm tháng đi qua, tuổi đời chồng chất nhưng người xưa vẫn là "bước chân mềm trong màu áo lụa", những ảo ảnh, hình tượng quý giá hiện ra trong làn sương ký ức.
Vì thế, người ta vẫn mong chờ để nói lên một điều gì đó, để bày tỏ một nỗi niềm với ai đó mà trong quá khứ đã lỡ hẹn hoặc lỡ cơ hội nên luôn hối tiếc ...
(ST)



Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Nhạc sĩ Y Vân: Thuở dừng chân trên bến Sài Gòn











Trong những nhạc sĩ quá cố mỗi ngày vẫn khơi dậy thương yêu cho chúng ta từ các ca khúc của họ, Y Vân là một trường hợp khiến tôi chú ý. Khi đời sống văn hóa cởi mở hơn, đủ để sự vùi lấp được lấp lánh lại và đủ để sự thiệt thòi được an ủi lại, thì nhạc sĩ Y Vân không còn trên đời mà nói về bao nhiêu góc khuất riêng tư.



1. Đôi lần tôi định phác thảo chân dung ông bằng chút chữ nghĩa khiêm tốn của mình, nhưng cứ day dứt suy nghĩ: cái lý lịch đáng tin cậy nhất và bền vững nhất của nhạc sĩ chính là những giai điệu thăng hoa từ tâm hồn, chứ không phải bất kỳ một lời hoa mỹ nào. Không thể nói khác hơn, giá trị ca khúc sẽ trực tiếp chứng minh nhạc sĩ ấy đã đến, đã trân trọng và đã ngoảnh lại tiếc nhớ cuộc sống này ra sao.

Thế nhưng, đến một ngày gặp gỡ những người thân của nhạc sĩ Y Vân và được ngồi trong căn nhà nhỏ mà ông đã lặng lẽ sáng tạo đến giây phút cuối cùng trên cõi nhân gian, tôi quyết định viết về ông, dẫu dài dẫu ngắn hoặc dẫu sớm dẫu muộn cũng tỏ bày dăm ba niềm mến mộ của khán giả hôm nay dành cho tác giả nhiều ca khúc nức danh như "Lòng mẹ", "Sài Gòn", "60 năm cuộc đời"…
2. Xin nhắc lại, với di sản âm nhạc của nhạc sĩ Y Vân, ông không cần ai bênh vực cho mình trước sự bôi xóa nghiệt ngã của thời gian. Và cái lý lịch của Y Vân không chỉ đơn giản rằng: tên thật Trần Tấn Hậu, sinh năm 1933 tại Hà Nội, mất năm 1992 tại TP HCM. Lý lịch của Y Vân cần được hình dung bằng những tác phẩm của Y Vân.
Tôi đến tư gia của ông không phải để dò hỏi tin tức mà để cảm nhận không gian đã chở che và nâng đỡ nhiều ca khúc ký tên Y Vân xuất hiện. Trên bức tường ngay phòng khách trang trọng treo bức tranh chân dung Y Vân do người con trai trưởng của ông vẽ bằng chất liệu sơn dầu. Đó là một bức tranh chân dung chứa đựng nhiều rung động thẩm mỹ.
Nhìn vào đấy có thể thấy một Y Vân tóc gợn sóng phiêu lãng, vầng trán gồ nghị lực, và đặc biệt là đôi mắt sắc u uẩn buồn. Dù người vẽ thêm vào nhiều nốt nhạc quanh khuôn mặt khắc khổ của ông, thậm chí khói thuốc bay vòng lên từ vành môi ông cũng biến thành khóa sol, vẫn không thể nào khỏa lấp được nét buồn cứ thăm thẳm trào ra đôi mắt. Cứ như cả tuổi thơ khốn khó của một cậu bé mồ côi cha, xuôi ngược cùng mẹ nuôi hai em trong một ngõ nhỏ ở phố Khâm Thiên - Hà Nội, đều dồn vào đôi mắt ấy.

Cứ như cả chuỗi ngày mê mải cùng các ban nhạc vất vả ở các phòng trà kiếm tiền cơm vợ áo con đều dồn vào đôi mắt ấy. Cứ như cả chuỗi khuya khoắt lầm lũi ôm cây đàn guitare ký xướng từng nốt nhạc lên trang bản thảo nhọc nhằn, đều dồn vào đôi mắt ấy. Lạc trong đôi mắt Y Vân, tôi bỗng mường tượng bài hát "Buồn" xa vắng tri âm của ông: "Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn. Buồn như ly rượu cạn, không còn rượu để say".
3. Bà Trần Thị Minh Lâm, người gắn bó với quãng đời sau của nhạc sĩ Y Vân, lần giở những bản nhạc của ông được gìn giữ cẩn thận bằng vẻ mặt hồi tưởng rưng rưng. Từ khi ông khuất bóng, bà sống dưới ngôi nhà này giữa ngổn ngang kỷ niệm. Gần 20 năm đã trôi qua, nhưng ngôi nhà vẫn bày biện như thời ông còn tại thế. Với bà, hình ảnh ông không hề xa xôi hay cách biệt, có thể ông vừa ra ngõ mua một bao thuốc lá, có thể ông vừa đến phòng thu để hòa âm một ca khúc mới, và cũng có thể ông vừa đi thực tế sáng tác ở đâu đó.
Bà Trần Thị Minh Lâm chính thức đến với nhạc sĩ Y Vân do… vợ trước của nhạc sĩ Y Vân trực tiếp đi hỏi cưới. Bên chiếc máy may nhỏ, mỗi ngày bà tận tụy từng mũi kim đường chỉ để làm điểm tựa cho ca khúc của Y Vân tiếp tục bay cùng năm tháng. Bà rạch tòi: "Y Vân viết khoảng 200 ca khúc, tui đã đi đăng ký bản quyền 136 bài. Mong ước lớn nhứt của tui là có thể in một tuyển tập ca khúc Y Vân thật đầy đủ!".
Trong ký ức của bà vẫn còn nguyên tấm lưng gầy gò của nhạc sĩ Y Vân bên ngọn đèn đêm âm thầm viết nhạc. Hơn ai hết, bà hiểu ông viết ca khúc và viết nhạc phim giữa cái xóm lao động nghèo trên đường Trần Huy Liệu, quận 3, TP HCM không chỉ bằng đam mê mà còn bằng trách nhiệm của một người chồng, người cha. Bà sinh cho nhạc sĩ Y Vân bốn người con, và đối xử thân tình với bốn người con của vợ trước một cách êm ấm.
Cả bà và người vợ trước đều xác định rất rõ, họ đứng sau một người đàn ông tài hoa và lận đận. Họ cảm thông sâu sắc rằng, đôi mắt buồn của Y Vân những thời khắc lủi thủi cùng bóng tối có thể giúp người yêu nhạc ngày mai được rộn ràng theo giai điệu "Đêm đô thị", được đắm đuối theo tiết tấu "Những bước chân âm thầm", được xao xuyến theo khúc thức "Ảo ảnh"…
Và họ cũng mở lòng chấp nhận cả những phút giây trái tim liêu xiêu của ông lúc thoáng gặp mỹ nhân nào đó lướt qua, vì khoảnh khắc ấy được chuyển thành sáng tạo run rẩy, dẫu là "Thúy đã đi rồi" hoài niệm hay dẫu là "Kim" nơi nào ngậm ngùi: "Cớ sao buồn vậy Kim? Cớ sao sầu vậy Kim? Ai thương em hơn anh mà tìm?".
4. Ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân vẫy chào cõi người khi vừa bước vào tuổi 60, đúng như ông tiên liệu "Em ơi, có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời". Tác phẩm cuối cùng của ông là ca khúc "Từ xa nghìn trùng" viết cho bộ phim "Người về từ nghìn trùng" của đạo diễn Lưu Bạch Đàn.
"Từ xa nghìn trùng" viết theo điệu show, tất nhiên Y Vân không thể theo dõi sức lan tỏa của ca khúc ấy, nhưng ca sĩ Phương Thảo thể hiện và những diễn viên tham gia bộ phim "Người về từ nghìn trùng" như Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Y Phụng, Nguyễn Huỳnh đều lấy tâm trạng gửi gắm trong lời hát "sao anh quay đi để em lạnh lùng" để làm cột mốc nhớ thương ông!
Ngày tiễn Y Vân về một chốn mơ màng khác, tôi không biết có bao nhiêu nước mắt bẽ bàng. Tuy nhiên, tôi dám chắc, không có những giọt nước mắt nào xót xa bằng nước mắt "lá vàng khóc lá xanh" ở người mẹ ruột của nhạc sĩ Y Vân. Người mẹ ấy chính là nguồn cảm hứng dạt dào để nhạc sĩ Y Vân tuổi đôi mươi đã viết nên ca khúc "Lòng mẹ" ngọt ngào đến tận hôm nay và mai sau: "Lòng mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa. Lòng mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe".
Có nhiều giai thoại khác nhau về sự ra đời của ca khúc "Lòng mẹ", nhưng chỉ có một điều mà ai cũng có thể nhận ra mỗi lần lời hát vang lên, đó là sự hiếu thảo của nhạc sĩ Y Vân. Sau khi để tang cho con trai được 10 tháng, người mẹ ruột của Y Vân chia biệt dương gian trong nỗi niềm thắm thiết: "Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ. Nắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát trẻ thơ".
5. Bên cạnh "Sáu mươi năm cuộc đời" và "Lòng mẹ", một ca khúc nữa của nhạc sĩ Y Vân được trình diễn với tần số dày đặc là "Sài Gòn". Theo tài liệu mà tôi có được, bản nhạc "Sài Gòn" được in lần đầu tiên vào tháng 8/1965. Với điệu chachacha, ca khúc "Sài Gòn" phô diễn sức sống của một thành phố phương Nam nhộn nhịp và hào phóng: "Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay".
Nhiều lần nghe ca sĩ trong nước cũng như nhiều ban nhạc nước ngoài hát lại "Sài Gòn", tôi luôn từ sự trầm trồ chuyển sang sự ngạc nhiên. Phong cách âm nhạc của Y Vân thật khó nắm bắt, vì nơi ông cộng hưởng nhiều thẩm mỹ không gần nhau, đối lập nhau. Y Vân có thể thành công với điệu bolero, rumba nhưng cũng có thể thành công với điệu twist, rock.
Vì vậy, nếu tổ chức một đêm nhạc Y Vân, hoàn toàn có thể dàn dựng hàng chục bài hát mang màu sắc khác nhau lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối! Và tôi tin, cũng đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ hân hạnh công bố những ca khúc mà nhạc sĩ Y Vân đã sáng tác với tên thật Trần Tấn Hậu vào thập niên 80 của thế kỷ trước như: "Người con gái Việt Nam" phổ thơ Tố Hữu, "Người em sầu mộng" phổ thơ Lưu Trọng Lư, "Thề non nước" phổ thơ Tản Đà, "Một lần cuối" phổ thơ Nguyễn Bính…
(ST)