Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Cung đàn xưa, ngân buồn xa vắng...

Một mình dưới trời khuya vắng bóng trăng sao, lắng nghe từng khoảnh khắc mùa xuân trôi đi, lòng tôi chợt nao nao câu hát: “Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm. Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn”

Lâu nay tôi vẫn rất mê Cung đàn xưa của cố nhạc sĩ Văn Cao, càng nghe càng "thấm" vì ý tứ, hình ảnh trong lời hát đẹp và buồn quá!

Chắc rằng ai đã từng yêu và rồi phải chia tay một mối tình thật đẹp và lãng mạn mới có thể cảm nhận được sự tinh tế, huyễn hoặc, lộng lẫy và buồn bã của Cung đàn xưa. Hình ảnh người thiếu nữ trong ca khúc quá đỗi hoàn mỹ và thánh thiện.


Có lẽ là tiếng đàn tranh thánh thót... những âm thanh tê tái buồn thương...


Người thiếu nữ ấy được nhắc đến bằng những ngôn từ trau chuốt, huyền ảo, không phải bởi cô là một nàng tiên đẹp đến mông mị, ảo ảnh, mà là bởi tấm tình của người nhạc sĩ rất trân trọng khi hoài vọng, nhớ thương và xưng tụng người tình.

Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi

Cây đàn năm xưa như vẫn còn gói ghém giữ lại chút dư hương và hình bóng của một mùa xuân đã tàn tạ. Từ độ xa người, tiếng đàn hóa buồn bã vì chỉ còn nỗi bi thương cho một giấc mộng đã tàn.

Cung thương là tiếng đàn
Cung nam là tiếng người
Ai oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi

Cung và thương là hai bậc đầu trong năm bậc âm giai của nhạc Trung Quốc (gọi là ngũ âm hay ngũ cung): cung, thương, dốc, vũ, chủy. Do vậy cung thương trở thành từ để chỉ âm nhạc theo phép hoán dụ. Có điều, khi nhắc đến cung thương để chỉ âm điệu cao thấp của tiếng đàn, không rõ Văn Cao muốn nhắc đến một loại nhạc cụ dân tộc nào: đàn tỳ bà, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn bầu... Câu hỏi này sẽ ám ảnh mãi mãi bởi không thể có lời giải đáp...

Thanh thoát, ý vị và đầy diễm lệ.... Những cảm xúc của Cung đàn xưa
Nguồn: neocha.com


Riêng tôi, lại cứ nghĩ tiếng đàn xưa buồn thê thiết mà Văn Cao động vọng là tiếng đàn tranh, có lẽ do câu “Cung nam là tiếng người / Ai oán khúc ca cầm châu rơi / Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm / Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn ” nhắc đến khúc Nam ai sầu thảm, ai oán làm người nghe thấy lòng tê tái không sao cầm được nước mắt.

Chỉ có tiếng đàn tranh, đàn bầu, hoặc vĩ cầm mới tạo được một hiệu ứng âm thanh như vậy, mà trong số đó, đàn tranh có vẻ phù hợp nhất cho sự xuất hiện của một dáng ngọc rất thanh thoát và diễm lệ:

Chiều năm xưa gót hài khai hoa
Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương

Đó là một giai nhân mà hoa nở theo từng bước chân đi, mùa xuân long lanh trong ánh mắt, hương thơm toả ngát trên thân thể. Tôi vẫn ngẩn ngơ mỗi lần hát câu “Chiều năm xưa gót hài khai hoa” - một hình ảnh đẹp đẽ và thoát tục đến thế!.

Câu hát mượn điển tích về chuyện nàng Phan Phi được Hậu chúa nhà Trần (Trung Quốc thời ngũ đại) sủng ái nên cho đúc những đoá hoa sen bằng vàng, lát xuống nền cung điện để dưới mỗi bước chân nàng qua như nở ra một đoá sen vàng. Thi hào Nguyễn Du cũng đã mượn điển tích này trong câu thơ “Sen vàng lãng đãng như gần như xa”.

Trong tác phẩm Khái quát về tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã có một nhận xét thật tinh ý: “Những cô hái mơ, cô bán hoa, cô hàng nước, cô lái đò, cô láng giềng mà ta thấy xuất hiện trong các bản nhạc tình thuở đó, làm sao mà có được gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương... như trong bản Cung đàn xưa của Văn Cao? Chỉ cần 12 chữ và dù chỉ để xưng tụng một người tình tưởng tượng mà thôi, Văn Cao đã đưa nhạc tình 1943-1944 vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm”.

Tôi thích hình ảnh người thiếu nữ trong Cung đàn xưa không phải vì vẻ sang trọng, đài các, mà vì đó là một hình ảnh quá đỗi thánh thiện về một người tình đã xa, về một thiên đường đã mất. Dù thật buồn nhưng cũng thật hạnh phúc khi người ta mất nhau mà vẫn còn trân trọng giữ được trong mắt, trong tim và trong tâm tưởng cái nhìn còn mãi đẹp về nhau.

Ca khúc: CUNG ĐÀN XƯA
Sáng tác: Văn Cao
Thể hiện: Ánh Tuyết

Huỳnh Thanh Luân (Vietnamnet)