Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

Giáo dục Pháp: Sau phổ thông, đủ đi làm


Mục đích của giáo dục là đào tạo ra các công dân tốt và hữu ích cho quốc gia dân tộc. Theo triết gia Pháp Régis Debray, tại Pháp mỗi đơn vị hành chính đều có hai trung tâm đầu não: thứ nhất là tòa thị chính, thứ hai là trường học.
 
Người Pháp coi mục đích của giáo dục là đào tạo ra các công dân tốt và hữu ích cho quốc gia dân tộc nhưng cũng rất bình đẳng và tự chủ, phi tôn giáo và chính trị. “Lý tưởng” này được người Pháp thực thi bằng các giải pháp, chính sách giáo dục cụ thể, thiết thực.
 
Mỗi học viên ứng với một vị trí trong xã hội
 
Đây là một trong những điểm sáng nhất của nền giáo dục Pháp. Giống như nhiều nước, trẻ em pháp từ sáu tuổi đến 16 tuổi phải đến trường theo học chương trình phổ thông. Nhiều nước xác định giáo dục phổ thông là giáo dục căn bản, còn để làm việc thì phải chờ hậu đại học, cao đẳng hoặc trường nghề. Còn tại Pháp, ngay từ thời phổ thông người học đã biết mình có thể làm việc gì sau khi tốt nghiệp. Thế nên tại đây, việc dạy bao quát (rộng) diễn ra từ sớm (cấp I, cấp II). Khi bắt đầu lên cấp III, Pháp có nhiều loại bằng tốt nghiệp THPT Baccalauréat (BAC) hơn so với nhiều nước khác - vốn chỉ có chung một bằng tốt nghiệp phổ thông.
 
Cụ thể, Pháp có đến ba loại bằng tốt nghiệp phổ thông khác nhau với những “địa chỉ ứng dụng” khác nhau. Đầu tiên là BAC Général. Hệ này dành cho những học sinh có học lực khá giỏi hoặc những em thực sự muốn theo đuổi chương trình đại học hay cao học trong tương lai. Theo đó, các em có thể chọn học khối ngành tự nhiên (BAC Science), khối ngành kinh tế xã hội (BAC Economie Social) hoặc khối ngành văn học (BAC Littérature).
 
Chính vì phân ngành nên học sinh chỉ học những môn chuyên ngành là chính ở cấp III (trừ một số môn bắt buộc trong đào tạo kỹ năng cơ bản, nhân cách, đạo đức… được dạy từ cấp I, cấp II). Thế nên chương trình học được giảm thiểu tối đa để các em không phải bị nhồi nhét kiến thức không cần thiết. Tất nhiên, đề thi tốt nghiệp tương ứng cho từng khối ngành cũng khác nhau.
 
Các em học lực yếu hơn nhưng vẫn mong muốn theo đuổi việc học thì có thể chọn hệ BAC Tech. Chương trình đào tạo hệ này tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học các trường cao đẳng, trở thành những kỹ thuật viên, chuyên viên cao cấp.
 
Cuối cùng, những học sinh không hứng thú với chữ nghĩa hoặc hoàn cảnh gia đình, sở thích hoặc nguyện vọng… muốn vừa tốt nghiệp phổ thông là có thể đi làm những công việc chân tay, làm thợ chứ chưa phải làm thầy thì theo đuổi hệ BAC Pro. Hệ này cung cấp các nghề cụ thể và các em học sinh được định hướng, chọn lựa và trong suốt hai năm cuối phổ thông có thể rèn luyện để đi làm ngay khi vừa ra trường với tay nghề vững.
 

 
 Giáo dục Pháp định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ rất sớm. (Ảnh minh họa: childandteenconsumption)
 
Hệ thống giáo dục chặt chẽ lấy học sinh làm trung tâm
 
Dù sự phân cấp tốt nhưng điều quan trọng là hệ thống hành chính - giám sát giáo dục tại Pháp cũng rất khắt khe để đảm bảo chất lượng.
 
Sống ở quê hương của phong trào Khai sáng và cuộc Cách mạng năm 1789, người Pháp vô cùng trân trọng tính tự chủ, bình đẳng của dân tộc mình. Hiến pháp năm 1958 khẳng định Pháp là “nước cộng hòa thống nhất, phi tôn giáo, dân chủ và xã hội. Mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật không phân biệt nguồn gốc xuất thân, sắc tộc, tôn giáo”. Những tính từ trong tuyên bố trên cũng có thể được dùng để mô tả phương châm giáo dục của Pháp.
 
Mọi người học, từ trẻ nhỏ đến người già đều bình đẳng, không phân biệt chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng. Để bảo đảm nguyên tắc trên, người Pháp xây dựng một hệ thống tập trung và thống nhất. Trường công lập chiếm số lượng lớn nhằm tạo môi trường bình quyền cho học sinh. Các trường tư thục được tự do hoạt động nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của nhà nước nhằm hạn chế tình trạng trường chèn ép, tạo thiệt thòi cho học sinh so với trường công.
 
Các giám đốc sở giáo dục đều do tổng thống bổ nhiệm và giáo viên cũng do nhà nước tuyển dụng thông qua các hình thức kiểm tra, thi cử minh bạch và khắt khe. Kết quả của cách cấu trúc trên là một hệ thống trường học có độ đồng nhất cao, triệt để giữ gìn các giá trị tốt đẹp của quốc gia, dân tộc. Chương trình học gần như giống hệt nhau ở mọi trường học nhằm đảm bảo sự đồng nhất trong chuẩn đầu ra.
 
 

 Giáo dục Pháp định hướng nghề nghiệp cho trẻ từ rất sớm. (Ảnh minh họa: childandteenconsumption)
 
Kích thích tư duy phản biện và khả năng sáng tạo
 
Giáo dục Pháp cũng chú trọng việc rèn giũa tư duy cho các công dân tương lai theo hướng tự do và tự chủ. Pháp là một trong rất ít nước áp dụng môn triết học cho học sinh cuối bậc phổ thông. Triết học ở đây không chỉ là lịch sử các lý thuyết mà là cách suy nghĩ, cách đặt vấn đề.
 
Học sinh cần nghiền ngẫm các quan điểm kinh điển của các nhân vật lỗi lạc như Plato, Kant, Hegel hay Sartre để có nguồn cảm hứng về giá trị của việc học. Việc thảo luận các vấn đề như vật chất và ý thức, luật pháp, xã hội, hạnh phúc... thông qua những câu chuyện thường nhật trong gia đình, giữa bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm… không phải là chuyện lạ với các em.
 
Thanh tra giáo dục quốc gia Mark Sherringham cho biết môn học trên nhằm phát triển năng lực tư duy phản biện và tìm tòi cái mới của học sinh. Theo ông, kết quả của việc dạy triết rất đáng ghi nhận: Nhiều người Pháp có được sự đam mê đối với trí tuệ để theo đuổi học tập suốt đời.
 
Một điểm đặc trưng khác của giáo dục Pháp là tính phi tôn giáo. Bằng cách tách tôn giáo ra khỏi giáo dục, người Pháp mong muốn tạo ra một môi trường học thuật dựa trên khoa học hơn là niềm tin riêng của cá nhân.
 
Thoát khỏi sự áp đặt của các quan điểm tôn giáo, các em có cơ hội xem xét mọi việc bằng quan điểm của mình chứ không phải dựa dẫm vào bất kỳ thần linh nào hộ mệnh. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Giáo dục Vincent Peillon, điều lệ đó cũng nhằm mục đích thúc đẩy tôn trọng tự do tín ngưỡng, không trọng không khinh bất kỳ tôn giáo nào. Điều này giúp học sinh cảm nhận được sự công bằng, tự chủ, chất khoa học của nền giáo dục nước nhà.
 
Thành công trong cải cách giáo dục “định hướng thị trường”
 
Giáo dục trên bậc phổ thông bao gồm hai hệ thống song song nhau là các đại học và các Grandes Ecoles (trường lớn). Nếu như đại học tập trung vào các môn lý thuyết thì Grandes Ecoles nhắm thẳng vào đào tạo nguồn nhân lực cạnh tranh. Nếu muốn vào Grandes Ecoles, học sinh phải có thành tích xuất sắc ở bậc trung học và thường mất từ một đến hai năm ôn luyện cho kỳ thi đầu vào. Một khi đã vào trường, áp lực học tập cũng rất lớn: Sinh viên thường bị gọi đùa là “chuột chũi” vì học đến đầu tắt mặt tối. Tuy nhiên, chính từ môi trường gắt gao này, nước Pháp đào tạo ra được những chuyên viên quản lý, kinh doanh và khoa học tinh túy. Sinh viên tốt nghiệp từ Grandes Ecoles thường không gặp khó khăn khi kiếm việc làm ở những cơ quan, tổ chức lớn.
 
Hệ thống Grandes Ecoles tinh hoa bắt nguồn từ hạn chế của hệ thống đại học đã có từ mấy thế kỷ trước. Giới lãnh đạo Pháp bấy giờ không hài lòng với việc học để biết mà đòi hỏi một hình thức đào tạo chuyên môn, thực dụng hơn. Năm 1747, Ecole des Ponts et Chaussees (trường về cầu và xa lộ) được mở dưới triều Louis XV; tiếp theo đó là Ecole du Genie Militaire (Trường Kỹ sư quân đội) và Ecole des Constructeurs de Vaisseaux (Trường Đóng tàu hoàng gia). Sang đến thế kỷ 19, Grandes Ecoles đầu tiên về quản lý được thành lập.
 
Hệ thống hiệp hội nhà nghề
 
Việc tốt nghiệp đại học tại Pháp sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu học viên chưa trải nghiệm qua hiệp hội nhà nghề. Tùy vào mỗi ngành nghề mà có những hiệp hội riêng được nhà nước vận động thành lập nhằm liên kết với trường đại học để “hậu kiểm” công tác giáo dục. Người tốt nghiệp được đến hội nhà nghề - nơi tập trung những người đã và đang đi làm với chuyên môn, kỹ năng cao - để thực tập, trải nghiệm và được đánh giá. Nhờ vậy trường có thể nắm rõ chất lượng đầu ra, từ đó điều chỉnh chương trình đào tạo dựa trên góp ý từ phía học viên và hội nhà nghề.
 
Theo Pháp luật TPHCM

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Tuổi thơ...




Chắc tuổi tác đã đến ngưởng "chớm già" rồi nên lúc này tôi lại thường nhớ lại những kỷ niệm tuổi thơ thật da diết... đến nỗi đêm cũng nằm mơ lại tuổi lên năm, lên mười...những hình ảnh thân quen như ngôi nhà cũ, những khuôn mặt thân thuộc của ông bà, cậu dì, những đứa bạn hàng xóm, những trò chơi trên góc phố... như cuốn phim quay chậm lần lượt hiện về trong tâm trí, trong giấc mơ...của tôi. Chắc có lẽ đó là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mình... tuổi thơ, ôi tuổi thơ !!!....Có người nói "Hãy sống với hiện tại, vì tương lai nằm sẵn trong hiện tại, đừng tiếc nuối quá khứ..." cũng rất đúng, nhưng cũng có lúc nên hồi tưởng lại quá khứ, vì tuổi mình cũng đã già quá khứ(*) rồi, phải không bạn ? 

...Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên
...

(*) Dân quê Cà Mau của tôi còn dùng từ "quá khứ" để chỉ một hiện tượng, sự vật nào quá nhiều, quá lớn chẵng hạn : "zui quá khứ rồi" (vui quá) hay "cái này sao bự quá khứ zậy" (lớn quá vậy).

Tuổi thơ (Lê Thương)

Trời xanh xanh mát
Hương thơm thơm ngát
Cùng nhau ta múa điệu ca
Cùng nhau ta hát đời ta

Nhụy hoa thanh khiết
Men hoa ngây ngất
Hát cho tâm hồn được khuây
Cũng như cánh đẹp được bay

Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên

Cười vui ca hát
Tươi thắm đôi môi ướt
Bàn tay năm ngón cùng xinh
Màu da trong trắng mượt tinh

Chìm trong đôi mắt bao ước mơ trong vắt
Sướng thay cho đời trẻ thơ
Mỗi trang sách là một bài thơ


Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên

Trẻ con theo tánh ưa trái cây ưa bánh
Hàm răng hay sún vì chua
Mà ai cho bánh thì ưa

Dầm mưa dang nắng
Chơi cát dơ mẹ mắng
Sống vui trong bầu trời thơ
Sướng thay cho đời trẻ thơ

Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa


Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên

Sớm bắt bướm hái hoa kêu la nô đùa
Chiều lại ra dạo chơi vườn hoa
Tối quyến luyến má ba vui ca bên đèn
Bảy giờ đêm nằm ngủ mơ thấy tiên

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

Bố Già Ngọc Thứ Lang 

                                                                              Hoàng Hải Thủy  

Năm 1951 tôi rời Hà Nội vào Sài Gòn. Sáng mùa xuân, phi trường Gia Lâm trắng mưa xuân — mưa bụi, loại mưa đặc biệt chỉ mùa xuân ở Bắc Việt mới có. Hạt mưa thật nhỏ, chỉ những thiếu nữ Hà Nội mặc áo nhung mới có làn mưa trăng trắng bám trên hai cánh tay áo. Áo nhung, chỉ áo nhung mới có làn mưa bụi trắng ấy, những loại hàng khác thấm nước mưa nên không có làn mưa trắng mỏng này. 

Tôi xa Hà Nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu. Năm ấy tôi mang theo cây đàn lên phi cơ nhưng số tôi không khá về mặt đàn địch — “không khá” không đúng, phải nói là “Dzêrô Ghi-ta” — ba lần tôi học đàn nhưng rồi tôi cũng bỏ cuộc, không chơi nổi được lấy một bài tủ cho ra hồn, như bài La Vie en Rose tôi rất thích. Năm 1950 tôi học đàn thầy Tạ Tấn ở Hà Nội, năm 1951 tôi học đàn thầy Vĩnh Lợi ở Sài Gòn, năm 1959 tôi học đàn thầy Lâm Tuyền ở Sài Gòn. Ba lần học, thầy dậy đàng hoàng, tôi vẫn không đàn được. Quá tam ba bận. Không được là không được. 

Năm 1952 tôi làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, tòa soạn ở đường Bonard, gần tiệm ăn Kim Hoa cạnh rạp xi-nê-ma Casino de Saigon. Những năm 1970 nhà này là Tiệm Kem Kim Ðiệp. Thời ấy — một nửa thế kỷ trôi qua – Sài Gòn an tĩnh, đời sống ở Sài Gòn tương đối thanh bình, chiến tranh Việt Pháp diễn ra dữ dội ở miền Bắc, miền Trung, những tờ nhật báo Sài Gòn không có nhiều tin giựt gân — kể cả những tin không giật gân, tin xe cán chó — để đăng. Một hôm có chiếc xe buýt chạy đường Phú Nhuận—Sài Gòn lạc tay lái đâm vào cổng Dinh Gia Long, vài người bị thương nhẹ — Năm ấy Cao Ủy Pháp ở trong tòa nhà về sau ta gọi là Dinh Ðộc Lập, chính phủ ta, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, ở Dinh Gia Long. Tôi đến nơi xẩy ra tai nạn lấy tin. Ðang đứng láng cháng hỏi và ghi chép tôi nghe tiếng người hỏi: 
– Báo nào thế? 

Người hỏi là Nguyễn Ngọc Tú, tức Ngọc Thứ Lang, người những năm 1965, 1970 là dịch giả tiểu thuyết Bố Già dịch từ The Godfather của Mario Puzo. Lúc tôi đến đấy, tình cờ Tú cũng đến đấy. Ðấy là lần đầu tiên tôi gập Tú. Tú trạc tuổi tôi, công tử Bắc kỳ — những năm đầu thập niên 1950 chúng tôi mới hai mươi tuổi. Tôi vào Sài Gòn đã sớm, Tú còn vào Sài Gòn sớm hơn tôi. Chắc vì là con thứ nên Tú lấy bút hiệu là Ngọc Thứ Lang. Gập nhau chúng tôi thân nhau ngay. Tú nói anh từng là nhân viên tòa báo của ông Hiền Sĩ. Dường như là tờ Phục Hưng. Ðây là tờ nhật báo Việt đầu tiên ra đời ở Sài Gòn sau khi người Pháp trở lại Ðông Dương năm 1945. Nghe nói Phục Hưng là tờ nhật báo do Sở Thông Tin Pháp tài trợ để tuyên truyền cho Pháp. Do đó Phục Hưng bị coi là “báo Việt Gian”. Báo có mặt ở Sài Gòn chừng hai, ba năm thì Sở Thông Tin Pháp cho đình bản. Trong tòa soạn báo Phục Hưng có anh Trường Sơn Nguyễn Huy Thái, một ký giả có tài của làng báo Sài Gòn trước năm 1954. Một bút hiệu khác của anh Thái là Huy Thanh. Anh qua đời khoảng năm 1990 ở Sài Gòn. Năm 1952 khi tôi gập Tú và thân với Tú tờ báo của ông Hiền Sĩ đã đóng cửa từ lâu, ông Hiền Sĩ đã về Chợ Gạo, Mỹ Tho làm Cai Tổng. Có lần tôi thấy ông đến tòa soạn báo Sàigònmới thăm ông bà Bút Trà. Lên Sài Gòn ông Hiền Sĩ vẫn ăn bận đúng kiểu Cai Tổng Nam kỳ lục tỉnh: đội mũ nỉ, miệng ngậm ông vố, tay cầm ba-toong, mặc bộ đồ sá xẩu, chân đi giép, răng vàng, nói cười rổn rảng. 

Về chuyện Tú là nhân viên tờ báo của ông Hiền Sĩ tôi phải viết thêm: đấy là chuyện Tú kể với tôi. Mới đây khi nhắc đến Tú, một ông bạn nói Tú du học ở Paris đến năm 1954 mới về nước. Tôi hỏi ai nói, ông bạn nói Tú nói. Tôi biết Tú không có đi Tây, đi Tầu chi hết, kể cả Tây Ninh Tú cũng chưa bao giờ đi. Thành ra chuyện Tú nói với tôi anh từng là nhân viên nhật báo Phục Hưng của ông Hiền Sĩ tôi sợ cũng chỉ là chuyện Tú nói.  

Tú bằng tuổi tôi, học hành lem nhem như tôi, chúng tôi cùng bỏ học sớm, cùng biết tí đỉnh Pháp văn, Anh văn. Tú thông minh hơn tôi, Tú sắc xảo nước đời hơn tôi, ít tuổi nhưng hay chơi trội: mới hai mươi tuổi đã vào Nhà Cercle Sòng Bạc Kim Chung đánh roulette, hút thuốc phiện. Năm 1955 Tú kiếm được nhiều tiền. Anh in và bán quyển “Tại sao tôi di cư ?” cho Bộ Thông Tin Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa — thời Bộ trưởng Cao Ðài Phạm Xuân Thái. Nghe nói ông Bàng Bá Lân là tác giả quyển sách nhỏ ấy. Sách ra đúng thời điểm, đúng nhu cầu. Ông Bàng Bá Lân viết sách, Tú mang sách vào bán cho Bộ Thông Tin. Không bán bản quyền mà tác giả in sách, sách tuyên truyền, chừng 100 trang, Bộ Thông Tin mua cả chục ngàn quyển. Nhờ việc chia tiền lời với ông Bàng Bá Lân, Tú có cả trăm ngàn đồng, số tiền thật lớn thời đó. Anh ăn diện: sơ-mi Valisère hàng nylon mới từ Paris sang bán ở tiệm đồ đàn ông mode nhất, đắt nhất thời đó trên đường Tự Do, dùng đồng hồ vuông mặt đen, mũ Mossant, cặp da nâu bệ vệ như cặp của Bộ trưởng Phạm Xuân Thái, máy chữ portatif, quạt máy Marelli, hút thuốc lá Mỹ Phillip Morris Vàng Kingsize, bật lửa Dupont, ăn cơm Tây, rượu chát vv.. 

Và Tú gập tình yêu. Nàng là cô giáo người Bắc, nhà ở gần ngay nhà Tú — đường Genibrel, từ sau 1956 là đường Huyền Quang, Tân Ðịnh — cô giáo có chồng. Chồng nàng ra bưng kháng chiến. Nàng ở Sài Gòn dậy học, sống với đứa con nhỏ và bà mẹ, chờ đợi chồng trở về. Cô giáo trung thành với chồng. Chiến tranh chấm dứt, đất nước chia đôi, tháng 12 năm 1954 chồng nàng từ Ðồng Tháp Mười tập kết lên tầu Ba Lan ra Bắc. Thấy chồng không chịu trở về, cô giáo thất vọng. Nàng trao trái tim nàng cho Tú. Cuộc tình của họ gập trắc trở. Dường như bà mẹ của cô giáo không bằng lòng. Cô giáo tự tử chết, bỏ lại mẹ già, con thơ. Thật tội. Ðời Tú, từ cái chết bi thảm của cô giáo, bắt đầu xuống dốc không phanh. Anh nằm luôn trong một nhà bán thuốc phiện ở hẻm Monceaux, Tân Ðịnh, sau 1956 là đường Huỳnh Tịnh Của nối dài. Anh ăn, hút, ngủ trong nhà đó luôn, bán dần đồng hồ, máy chữ, cặp da trả tiền hút. Tú ra khỏi nhà đó hai tay không với bệnh nghiện hút nặng. 

Từ sau năm 1954 đất nước chia đôi nguồn cung cấp á phiện cho miền Nam Việt Nam, nay là Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, không đến từ Bắc Việt nữa mà đến từ vùng Xiêng Khoảng nước bạn Ai lao, hoặc vùng gọi là Tam Giác Vàng. Hàng – á phiện – từ Lào về Sài Gòn bằng đường hàng không. Năm 1960, 1961 Ai Lao có nạn binh biến, đảo chính xẩy ra chí chạt: Ðại úy Nhẩy Dù Lèo Khong Le làm đảo chính, đuổi Thủ Tướng, rồi hai ông Hoàng Lèo Phoumi, Phouma tranh quyền Thủ Tướng đánh nhau liên miên. Trong một lần hai ông Hoàng Lèo tranh quyền, Vientiane bị giới nghiêm, phi trường Vientiane đóng cửa nhiều ngày. Phi cơ không bay, á phiện Lèo không về được Sài Gòn. Tình hình giới HítTôPhê Việt Nam Cộng Hòa thập phần nguy kịch. Ðệ tử của Cô Ba Phù Dung có thể nhịn ăn nhiều ngày nhưng khônng thể nhịn hút dù chỉ là nửa ngày. Ðệ tử Cô Ba Phù Dung có thể thiếu cơm — thực ra là mấy ổng Tiên Ông Phi Yến Thu Lâm săng phú cơm, săng phú luôn cả thịt cá, rau dưa — nhưng mấy ổng không thể nửa ngày không có thoóc. Thời ấy trong giới Hít Tốp có câu nói: 
– Phu Mi, Phu Ma đánh nhau, PhuMơ chết! 

PhuMơ: fumeur, tiếng gọi khác là phum, dân phum, tức dân hút thuốc phiện. Mà PhuMơ Mít chết thật. Hàng không về, thuốc tăng giá. Những nhà còn thuốc giữ lại không bán ra. Gần như có tiền và chịu giá đắt mấy cũng không mua được thuốc. Mà lính của Cô Ba thì tuyệt đại đa số là đọi, tức tiên khồng. Chít mất. Chít là cái chắc! Nô thoóc! Không có thoóc! Làm sao bi giờ? Trong cơn nguy cấp ấy không biết ông Con Trai Bà Cả Ðọi Hít Tô Phơ thông minh nào có óc khoa học vật lý hóa kiêm bào chế sư nẩy ra sáng kiến thần sầu cứu nguy cho thân mình và đồng bạn bằng cách: lấy sái thuốc phiện nấu lên với nước, lọc đại khái cho nước thuốc không có cặn, rút vào ống chích, chích thẳng vào gân máu. Sáng kiến này dựa trên sự phân tích khoa học: hút khói thuốc phiện vào phổi, phổi đưa chất thuốc vào máu. Tiến trình này mất thì giờ và tốn thuốc, mười phần thuốc được dùng thì chất vào máu chỉ được hai, ba phần. Tại sao không nấu cho sái tan ra nước — thuốc phiện chưa hút cháy thành sái lại không dùng được trong trò chích choác này — lấy nước sái chích thẳng vào mạch máu? Chích như vậy là thuốc vào máu đủ chăm phần chăm, ép-phê liền tù tì tút suỵt, chưa rút mũi kim chích ra thuốc đã vào đến tim, lại không bị tiêu hao, phí phạm môt ly ông cụ nào. 

Thế là từ đó thế giới Ma Túy Việt Nam Cộng Hòa có thêm trò chích choác. Rồi màn kịch vô duyên mấy trự Gà Lèo không bôi mặt cũng đá nhau sặc mắm ngóe rồi cũng phải ngừng, á phiện lại từ Lèo bay về Sài Gòn đều đều, nhưng dân nghiện Sài Gòn đã có thêm trò chích choác. Dân nghiện ma túy Âu Mỹ chích cocaine, heroine, gọi chung là bạch phiến, chất trắng, là tinh chất của á phiện. Dân nghiền Việt chích bằng nước sái thuốc phiện, chất nước mầu nâu sẫm hay vàng nhạt, đậm hay đặc, tùy theo số sái và số nước nhiều hay ít. Người đã choác khó có thể bỏ choác để trở lại hít, tức hút. Vì choác quá nặng. Ðang hút 100 đồng người nghiện chỉ cần choác 10 đồng là phê khủng khiếp, choác phê hơn hít nhiều. Và Choác tàn phá con người nặng, mạnh và nhanh hơn Hít rất nhiều. Cai thuốc phiện khó hơn lên trời, nhưng người nghiện hút may ra còn có thể cai được — Cai: bỏ hút — còn Choác thì vô phương. Choác một năm cơ thể bị tàn phá bằng Hít mười năm. 

Tú Lé — Tú bị lé một mắt nên chúng tôi gọi anh là Tú Lé — từ Hít sang Choác. Những năm 1965 Tú chuyên mặc sơ-mi dài tay. Những gân máu trên hai cánh tay anh bị chích nhiều quá thành chai cứng, đen sì, trũng xuống như lòng máng nước. Tú viết cho Tuần San Thứ Tư của Nguyễn Ðức Nhuận và lai rai cho nhiều báo khác, anh lấy bút hiệu Ngọc Thứ Lang. Nhuận đưa The Godfather cho Tú dịch. Tú chọn tên Bố Già và bản dịch Bố Già của Ngọc Thứ Lang là một bestseller của tiểu thuyết Sài Gòn những năm 1968, 1972. 

Năm 1976 Tú và tôi đến dự cái gọi là Khoá Bồi Dưỡng Chính Trị cho văn nghệ sĩ Sài Gòn do Hội Văn Nghệ Giải Phóng Thành Phố Hồ chí Minh tổ chức. Cùng dự khóa này với chúng tôi có Phan Nghị, Nguyễn Đình Toàn, An Khê, Lê Minh Ngọc, Cao nguyên Lang, Nguyễn Ước, Phan Kim Thịnh, Nguyễn Mộng Giác..vv. Hai mươi mốt ngày “học tập,” học viên được Thành Ủy cấp mỗi ngày một đồng tiền công tác phí. Ngày học viên được mua nhu yếu phẩm, được phát đúng hơn, tiền mua số nhu yếu phẩm này lấy từ trong số 21 đồng tiền công tác phí: hai hộp sữa, hai gói thuốc điếu Vàm Cỏ, một ký đường, hai gói mì, một cây kem đánh răng, nửa ký bột giặt, hai trăm gam bột ngọt vv.. Lãnh nhu yếu phẩm xong học viên Nguyễn Ngọc Tú, tức Ngọc Thứ Lang, tác giả Bố Già, biến mất liền trong hai ngày không đến lớp. Chúng tôi nói với nhau: “…Ngọc Thứ Lang mang nhu yếu phẩm đi hưởng bồi dưỡng rồi.”

 Anh đổi số nhu yếu phẩm ấy lấy thuốc chích. Cuối năm 1976 ký giả Hồ Ông — hiện ở Sydney, Úc, làm báo — cho tôi hay: “Anh Tú bị bắt đi phục hồi nhân phẩm trên Bình Triệu. Anh ấy nhắn về bảo anh lên thăm”. Một sáng Hồ Ông và tôi trên hai xế đạp lên Bình Triệu thăm Tú. Trung Tâm cai ma túy của thành phố được đặt trong tòa nhà Tu Viện Fatima. Tu viện vừa xây cất xong, chưa khai trương thì bị chiếm. Phòng ốc rộng rãi, mát mẻ, sạch sẽ, thênh thang, thừa tiện nghi, bể xi-măng chưá nước máy lớn ở vườn sau, tha hồ tắm. Mỗi phòng dự định dành cho một tu sĩ nay có ba, bốn anh nghiện ở, phòng không có đồ đạc, bàn ghế gì cả, chỉ có mấy cái chiếu trải trên sàn. Ða số là dân choác, bị công an hốt đi từ những động choác. Rất ít người được gia đình tiếp tế. Anh em vào đây chỉ với một bộ quần áo đang mặc trên người. 

Khi tôi đến gập Tú anh đã khoẻ, đi lại, ăn uống được. Những vết chích trên da thịt anh bị lở loét nhưng không sao, rồi sẽ lành. Nhiều người cai choác bị lở như vậy. Tú dẫn tôi đến xem tờ bích báo của Trung Tâm Phục Hồi Nhân Phẩm. Báo có 7 bài, một mình Tú viết 5 bài. Nghề của chàng. Tú kể chuyện có nữ ký giả ngoại quốc đến thăm Trung Tâm, Tú nói được tiếng Pháp, tiếng Anh nên ban quản đốc đưa anh ra nói chuyện với khách. Nữ ký giả ngạc nhiên khi nghe nói Tú là dịch giả The Godfather của Mario Puzo. Chắc cô nghĩ, theo những tiêu chuẩn kinh tế thị trường Âu Mỹ, đã là dịch giả The Godfather thì đâu có thể thân tàn, ma dại quá đến như Ngọc Thứ Lang. Cô nhà báo không tin. Tú được phép của trại về Sài Gòn lấy quyển Bố Già đem lên Trung Tâm cho nữ ký giả thấy là thật. 

Tú nói sau thời gian cai nghiện ở Trung Tâm Bình Triệu đệ tử của Cô Ba sẽ phải đi nông trường cải tạo ít nhất là hai năm, nhưng vì Tú có khả năng ban quản đốc sẽ giữ Tú lại làm việc ở Trung Tâm. Tốt thôi. Ðấy là lần cuối cùng tôi gập Tú. Từ lần chúng tôi gập nhau đầu tiên năm 1952 đến lần gập nhau lần cuối năm 1976, 24 mùa lá rụng đã qua cuộc đời chúng tôi. 

Năm 1979 trở về mái nhà xưa tôi được tin Tú đã chết ở Trại Cải Tạo Phú Khánh. Trại này nằm giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tôi nhớ Tú nói anh sẽ được giữ lại Trung Tâm Bình Triệu, tại sao anh lại phải đi Trại Phú Khánh? Tôi hỏi và được biết nguyên nhân như sau: một hôm Trung Tâm cần in một số tài liệu. In ronéo. Vì Tú từng làm báo, biết về việc in và nhà in, nên ban quản đốc giao tiền cho Tú, và hai chú phục hồi đã khoẻ mạnh, mang tài liệu về Sài Gòn in. Ðến nhà in Tú đặt in, để hai chú bạn ngồi lại, đem tiền in đi luôn. Tú đi choác. Hai chú bạn ngồi va-ly đói dài, tiền ăn cơm trưa không có, tiền lấy đồ in cũng không luôn. Tú biến mất vài ngày rồi cũng trở lại Trung Tâm. Ban quản đốc thấy không thể giữ Tú lại nên cho Tú đi trại. Nghe nói một sáng trời lạnh ở Trại Tù Khổ Sai Phú Khánh, Tú rít điếu thuốc lào, đứng tim, ngã ra chết. 

Năm 1986, tiểu thuyết Bố Già do Ngọc Thứ Lang dịch được in lại. Hai nhà xuất bản tranh nhau in Bố Già: Nhà Xuất Bản Trẻ  và Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông tin Hà Nội. 


Mario Puzo, tác giả The Godfather, tiểu thuyết bestseller từng bán đến 21 triệu cuốn, qua đời ở nhà riêng trong thành phố Bay Shore, bang NewYork, ngày Một Tháng Bẩy năm 1999, thọ 78 tuổi, có năm con, chín cháu. 

Ngọc Thứ Lang, tác giả Bố Già, qua đời ở Trại Lao Cải Phú Khánh năm 1979, chưa đầy 50 tuổi, không vợ, không con.