Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2017

Ly rượu mừng - Đệ nhất xuân ca

Bìa bản nhạc Ly rượu mừng
Sau hơn 40 năm, bài Ly rượu mừng của Hoài Bắc (Phạm Đình Chương) đã được phép hát trở lại vào đầu năm 2016.
Bài hát được xem là kinh điển dành cho những ngày xuân về, tết đến tại miền Nam trước 1975 giờ đây tiếp tục vang lên như một thông điệp, một lời chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi trong xã hội.

Ban hợp ca thăng long là tên một quán phở
Ly rượu mừng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác và ban hợp ca Thăng Long trình diễn vào năm 1952. Nhiều người tưởng rằng ban hợp ca Thăng Long thành lập tại Hà Nội. Nhưng thực ra ban Thăng Long được thành lập năm 1951 tại Sài Gòn sau khi tất cả gia đình họ Phạm vào định cư tại đây. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương, linh hồn của ban Thăng Long, từng cho biết ông chọn lại hai chữ “Thăng Long” theo tên quán phở của gia đình mở tại Chợ Ðại, vùng Việt Bắc, nơi lưu lại dấu chân của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến vào khoảng năm 1949.
Thoạt đầu ban hợp ca Thăng Long gồm Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và Thái Thanh. Sau này có thêm giọng ca Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương). Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì khi hát ca khúc này tại Đài Pháp - Á, ban Thăng Long đã thành công ngay. “So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề. Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh khi hát những bài đó”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương trả lời báo giới thời đó.
Ban nhạc Thăng Long với Hoài Bắc-Thái Thanh-
Thái Trung - Thái Hằng 
Với thành công từ Đài Pháp - Á, ban Thăng Long được các hãng đĩa trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Một bài viết của nhà thơ Du Tử Lê có ghi lại: “Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, một “quái kiệt” của miền Nam, người từng có thời gian đi hát chung với ban hợp ca Thăng Long từ nam ra bắc thì khi ra đời tại Sài Gòn, ban này như một cơn lốc lớn rung chuyển tận gốc nhiều sân khấu miền Nam. Mỗi khi ban Thăng Long xuất hiện là một “cơn nóng sốt” đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ dùng... như một điều gì vừa gợi óc tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại vừa thân thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được...”.

Bài hát chúc tết
Trước khi Ly rượu mừng xuất hiện trên làn sóng điện vào dịp tết đầu những năm 1950 thì lúc đó chưa hề có một bản nhạc nào viết về xuân xuất hiện. Và nếu nghe kỹ lời nhạc thì bài Ly rượu mừng chính là một lời chúc tết. Trong cả bài hát chỉ có một chữ xuân mở đầu như là dịp để bài hát chúc tết bằng ly rượu: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi”. Người nghe có cảm giác thích thú vì mình được ban Thăng Long chúc tết bằng âm nhạc. Sáng mùng 1, mở radio, sau này là đĩa nhựa hay băng Akai người ta có cảm tưởng thần tài đã đến trước cửa một cách tưng bừng, rộn rã của nhịp valse cung Fa trưởng tươi sáng. Lời bài hát bình dị, phù hợp với mọi người, dễ lọt lỗ tai và cũng hết sức dễ hát. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để người nghe nhớ đến bài hát.
Người được Phạm Đình Chương chúc tết là những ai? Trước hết là bác nông dân: “Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi”. Tôi không hiểu sao Phạm Đình Chương là một nghệ sĩ nhà nòi nhưng lúc nào ông cũng có những cái nhìn hết sức trân trọng về những người cần lao như trong bài Tiếng dân chài, Hội Trùng Dương và đến người nông dân trong bài ca chúc tết. Nếu chúng ta có dịp nghe lại những bài hát xuân khác xuất hiện sau này thì hiếm có bài nào nhắc đến hai chữ “nông dân” và “công nhân” hết sức ngọt, không hề gượng gạo: Người công nhân ấm no/Thoát ly đời gian lao nghèo khó. Phạm Đình Chương đã khiến người nghe là giới cần lao sung sướng là mình đã được nhạc sĩ tài danh chúc cho “thoát đời gian lao nghèo khó”. Đó chính là ước mơ đầu xuân của những người có thu nhập kém trong xã hội.
Năm 1952, đất nước vẫn còn chìm trong khói lửa. Những người con lên đường bảo vệ quê hương, nhạc sĩ đã mong mỏi: Kìa nơi xa xa có bà mẹ già/Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa/Chúc bà một sớm quê hương/Bước con về hòa nỗi yêu thương. Và sau cùng, như ước vọng của mọi người, Phạm Đình Chương cũng tự chúc cho mình và gia đình được sống trong cảnh đất nước thanh bình: Bạn hỡi, vang lên/Lời ước thiêng liêng/Chúc non sông hòa bình, hòa bình.
Phạm Đình Chương
Lời ca hay đầy hy vọng và phấn khởi của một bài hát chúc xuân lại được thể hiện qua 5 giọng ca quý của một ban hợp ca gia đình thuộc loại siêu đẳng Thăng Long là Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc và Khánh Ngọc. Một ký giả thời đó đã nhận xét: “Ba giọng nữ Thái Thanh, Thái Hằng và Khánh Ngọc quyện nhau như một. Giọng cao nam của Hoài Trung vững vàng dũng mãnh hòa với giọng Hoài Bắc giữ bè ba rất điêu luyện”.
Thường khi kết thúc một cái tết, hoặc một buổi gặp mặt người ta thường được nghe bài Auld Lang Syne, được Pháp hóa thành Ce n’est qu’un au revoir mà con nít tụi tôi thường hát: “Ò e, cây me đánh đu, tạc dăng nhảy dù, rô be bắn súng...”. Nhưng người Sài Gòn xưa thích nghe bài Ly rượu mừng vì đây là bài hát chúc tết cho mọi người được sống an vui trong một đất nước thanh bình, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười. Giới mộ điệu nghệ thuật đều cho rằng đây là bài đệ nhất xuân ca của VN thời đó.

Phạm Đình Chương sinh ngày 14.11.1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, là con dòng hai của ông Phạm Đình Phụng. Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh. Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Phạm Đình Chương cùng các anh em Phạm Đình Viêm (con của người vợ đầu ông Phụng), Phạm Thị Quang Thái, Phạm Thị Băng Thanh gia nhập Ban văn nghệ Quân đội ở Liên khu 4.

Bài hát đầu tay ông sáng tác năm 18 tuổi là Ra đi khi trời vừa sáng. Ông lập gia đình với ca sĩ Khánh Ngọc năm 1953. Những bản nhạc mà khi nhắc đến tên người ta đều nghĩ ngay đến ban Thăng Long là Tiếng dân chài, Hội Trùng Dương, Ly rượu mừng... Nhạc sĩ Phạm Đình Chương mất năm 1991 tại Mỹ.
(Nguồn : Báo Thanh niên)


Tiết lộ vì sao ca khúc "Ly rượu mừng" bị cấm hát 40 năm.

Chỉ vì chữ "đời lính"

....Ca khúc được chọn kết thúc chương trình giai điệu tự hào tối 31.12.2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Một trong những lý do để ly rượu đó gây xúc động đến thế chính là nó đã từng bị cấm hát trong suốt 40 năm. Trong khi, trước lệnh cấm, theo nhà báo Nguyên Minh, đó là bài hát cực kỳ phổ biến ở miền Nam. Ca khúc phổ biến đến mức, cứ có xuân là phải có Ly rượu mừng. “Bài hát có những câu như bài vè. Nó nhắc và quy tụ hầu hết tầng lớp dân cư. Có anh nông phu lúa thơm hơi, người thương gia lợi tích, người công nhân ấm no, người binh sĩ lên đàng”, nhà báo chuyên mảng âm nhạc này nói.
Cũng theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc nhắc tới người lính, tới từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm. “Chính yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính nào?”, ông chia sẻ.
Ông Nguyên Minh cũng cho biết, sau này khi Phương Nam phim muốn ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. “Đó là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”, ông Minh nói.

....

Huyền Chi - Tác giả bí ẩn của ca từ Thuyền Viễn Xứ

Huyền Chi và chồng
Huyền Chi là ai? Ít thông tin trên mạng cho biết cô là một cô gái phụ mẹ bán vải ở chợ Bến Thành. Cơ duyên nào khiến bài thơ của cô được nhạc sĩ danh tiếng Phạm Duy phổ nhạc?
Đầu năm 2016, tôi xem được những tấm ảnh của Huyền Chi và biết thêm nhiều thông tin về cô. Trong ảnh, Huyền Chi là một cô gái có nét đẹp của một diễn viên điện ảnh với dáng cao, cân đối và trắng trẻo. Cô gái ấy sinh ra ở vùng Tân Định, Sài Gòn, có lúc ra định cư tại Phan Thiết rồi quay về sống ở thành phố này tới nay.

Cô học tiếng Anh từ trước năm 1954 khi tiếng Pháp là ngoại ngữ phổ biến, đang được học hằng ngày ở các trường Tây tại Sài Gòn. Cô làm thơ khi còn rất trẻ, ra tập thơ duy nhất năm 18 tuổi rồi để thất lạc. Cô có một bài thơ được phổ thành ca khúc Thuyền viễn xứ của nhạc sĩ Phạm Duy dù chỉ gặp ông lần duy nhất trong đời.

Bài thơ buồn của cô gái trẻ
Tôi gặp bà Hồ Thị Ngọc Bút tại quận 2, trước giờ bà dạy tiếng Anh tại nhà. Không thể nghĩ rằng bà đã 82 tuổi. Trước mặt tôi là một phụ nữ trắng trẻo, vóc dáng cao, khỏe mạnh.
Bà Ngọc Bút chính là nhà thơ Huyền Chi của những năm đầu thập niên 1950.
Đầu thập niên 1930 có một kỹ sư Hỏa xa (Ingénieur technique adjoint) tên là Hồ Văn Ánh, từng được đào tạo tại Pháp trong những khóa đầu tiên cho thuộc địa.
Năm 1940, ông làm giám đốc Hỏa xa các tỉnh Phan Thiết, Phan Rang và Nha Trang, có ngôi nhà riêng hai tầng khang trang ở Phan Thiết, một “wagon” riêng trên tàu hỏa đặc biệt cho gia đình tùy nghi sử dụng miễn phí.
Công việc của ông là tổ chức, đào tạo, kiểm soát và duy trì hệ thống Hỏa xa toàn quốc. Vì công việc, ông di chuyển và ở lại nhiều thành phố nên vợ ông lần lượt sinh sáu người con ở các nơi trên đường công tác.
Huyền Chi năm 1967 - Ảnh tư liệu gia đình
Con gái út Ngọc Bút được sinh ra tại Sài Gòn khi ông làm việc tại đây. Khi ông đến Phan Thiết, Ngọc Bút được đi học tại Trường nữ tiểu học Phan Thiết.
Cuộc sống đang êm đềm thì biến cố xảy ra, bà nội của cô ở quê nhà Bắc Ninh bệnh nặng. Đáng lẽ cả gia đình đều phải về, nhưng trong nhà có một người con cũng đang bị bệnh nên chỉ có ba cô và hai anh chị cô về Bắc trước.
Dự tính khi con bớt bệnh, mẹ cô sẽ dẫn tất cả về luôn. Không ngờ đó là lần cuối cùng cô gặp cha, rồi do bom đạn, loạn lạc, tản cư và cuối cùng là cuộc chia đôi đất nước khiến gia đình cô phân cách vĩnh viễn.
Mẹ cô mở sạp bán vải tại cửa Nam chợ Bến Thành để sinh sống. Cô ở với mẹ, vừa đi làm vừa đi học, vừa dọn hàng giúp mẹ.
Trong thời gian hai miền Bắc - Nam được tự do thông thương năm 1954, mẹ đã trở về Bắc với cha cô, nhưng bốn người con vẫn ở lại miền Nam vì lúc ấy ai cũng đã có công ăn việc làm và cô cũng sắp kết hôn.
Những năm tuổi nhỏ được theo cha mẹ về thăm quê mỗi năm và đi đây đi đó, Ngọc Bút có nhiều cảm xúc về quê hương xứ Bắc. Hơn nữa, sự phân ly, chia cắt gia đình quá sớm khi còn bé đã để lại một ấn tượng sâu trong lòng cô.
Vì vậy cô đã tưởng tượng ra một cuộc chia ly trên quê hương trước khi nó biến thành sự thật. Đó là lý do ra đời của bài thơ Thuyền viễn xứ.
Nhiều người hỏi: “Vì sao cô còn trẻ mà làm thơ buồn thế?”, cô trả lời: “Tôi tưởng tượng thôi mà!”. Nhưng thật ra nỗi đau âm ỉ trong lòng cô trong nhiều năm đã tạo nên những vần thơ ấy.
Huyền Chi, cô ở đâu?
Năm 1952, Ngọc Bút đến nhà in báo Sống Chung trên đường Trần Hưng Đạo, quận Nhứt xem tập thơ vừa in xong của mình. Tập thơ mang tên Cởi mở, gom lại 22 bài thơ do cô viết từ năm 16 tuổi.
Lúc đó tuy mới 18, cô đã tham gia biên tập thơ cho báo Phụ Nữ của bà Nguyễn Thị Lan Phương và gia nhập nhóm thơ - văn - nhạc lấy tên là Chim Việt. Những bài thơ trong tập đã được đăng rải rác trên một số báo, cô dùng bút danh Khánh Ngọc, rồi sau đó là Huyền Chi.
Buổi đó, nhạc sĩ Phạm Duy vừa đến và được bà Đào, chủ nhà in, giới thiệu về cô. Phạm Duy khi ấy còn trẻ, mới 32 tuổi nhưng đã nổi tiếng.
Huyền Chi năm 16 tuổi - Ảnh tư liệu gia đình
Ông vừa đưa gia đình vào Nam và đang thu xếp cuộc sống ổn định ở quê hương mới cho gia đình. Biết cô vừa in xong tập thơ, ông mượn xem và xin cô một tập để nếu có bài nào hay thì xin được phổ thành ca khúc.
Một thời gian sau, cô nghe được ca khúc Thuyền viễn xứ do nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ bài thơ lục bát của cô trên sóng phát thanh và thấy ca khúc này được in thành tờ nhạc khổ lớn rất thịnh hành lúc đó của hai nhà xuất bản Tinh Hoa và Á Châu. Trên bìa hai ấn phẩm này ghi rõ: Nhạc: Phạm Duy, ý thơ: Huyền Chi.
Đó là khoảng thời gian cô vừa lập gia đình với ông Trần Phụng Tường, giáo sư trung học. Cô rời khỏi công việc biên tập thơ, theo chồng về Phan Thiết. Cô hầu như không tiếp tục làm thơ, lo toan làm ăn, mở hiệu sách, dạy tiếng Anh và chăm sóc tới bảy người con. Có lần trong tờ giấy in ca khúc Thuyền viễn xứ, cô thấy lời nhắn của nhạc sĩ Phạm Duy: “Huyền Chi, cô ở đâu?”.
Thỉnh thoảng, cô vẫn nghe trên sóng phát thanh giọng hát Lệ Thu. Cô nhận thấy nhạc sĩ Phạm Duy rất tài tình, dùng ý bài thơ lục bát với nhịp điệu chậm rãi, đều đặn của cô viết thành một ca khúc đầy cảm xúc. Ông chắt lọc ngôn ngữ trong thơ, thêm thắt và tạo nên một tác phẩm âm nhạc hoàn hảo.
Năm 1975, bà Ngọc Bút cùng gia đình về lại Sài Gòn, nơi chôn nhau cắt rốn của bà và sống ở đây đến nay. Phu quân của bà đã tạ thế năm 2010 sau mười năm nằm một chỗ vì bệnh.
Trong khoảng thời gian này, bà được tin nhắn mong có cuộc gặp của nhạc sĩ Phạm Duy sau khi ông hồi hương về Việt Nam, nhưng bà xin từ chối vì bận chăm sóc chồng. Sau đó, bà có nhận được khoản tiền tác quyền từ lời của ca khúc Thuyền viễn xứ từ nơi sở hữu tác quyền ca khúc này.

(Nguồn : Báo Tuổi trẻ ngày 08/01/2017)