Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

Trồng lúa ở miền Tây

 ĐỂ TRẢ LỜI VÀI BA CÂU HỎI

                                                                               Hai Trầu

 Thưa bạn,

 Có lần bạn đã hỏi tôi “lúa mùa” là lúa gì?

Ở các nơi làm ruộng thuộc tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc… hồi đời trước, cách nay có tới sáu bảy chục năm, hồi đó nông dân làm ruộng mỗi năm chỉ có một mùa; bắt đầu cày phá đất vào đầu tháng ba âm lịch, cuối tháng ba cày trở, đầu tháng tư âm lịch bắt đầu có mưa thì bừa đất cho nhuyễn và sạ lúa, đến tháng chạp lúa chín lác đác và tháng giêng cắt gặt… Sạ chứ hổng phải “xạ” như có người viết chữ “x”. Do vậy lúa mùa còn được gọi lúa sạ vì người ta gieo giống bằng cách sạ lúa.

Sạ lúa là cách người nông dân mang trước ngực những thúng lúa giống rồi dùng bàn tay hốt những nắm lúa giống vừa đi vừa quăng ra đều trên mặt ruộng. Nhưng muốn cho hạt giống được rải đều, trước khi sạ lúa người ta dùng lá dừa hoặc cây sậy cắm thành từng lối thẳng từ đầu ruộng tới cuối miếng ruộng, bề ngang vừa một sải tay, khoảng từ hai tới ba thước bề ngang, gọi là cắm rò; trong khi sạ, để cho chắc ăn người ta còn nhờ một người khác đi theo lối giữa hai hàng lá dừa ấy, đi rất chậm để cho người bưng thúng lúa giống vừa đi theo người này vừa hốt lúa đầy trong nắm tay rồi rải đều ra; và người dẫn đường cho người sạ lúa như vậy gọi là người lội rò.

Về lúa giống, người ta có thể dùng lúa giống khô sạ trực tiếp xuống ruộng hoặc ủ giống để giống lên mộng rồi mới mang lên đồng để sạ. Về phương pháp sạ thì có sạ khơisạ dập. Sạ khơi là sạ lúa xong rồi bỏ đó để hột giống hứng sương hoặc gặp mưa rồi hạt giống sẽ tự động nẩy mầm và mọc cây; sạ dập là khi sạ xong người ta sẽ dùng bò hoặc trâu bừa qua một tác để lấp hột giống lại. Sạ khơi có cái bất tiện là dễ bị chuột bọ ăn hột giống nên khi lúa lên cây lúa sẽ bị hao hớt; trái lại sạ dập dù tránh được nạn chuột bọ phá hại nhưng sạ cách này lúa cũng dễ bị đất đè lên và bị nghẹt, nhiều lúc ruộng cũng bị hao vì lúa lên hổng đều.

Cũng là lúa mùa nhưng có nơi làm lúa cấy. Các vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ, Mỹ Tho, Tân An người ta ưa dùng cách cấy lúa thay vì sạ như các vùng Long Xuyên, Châu Đốc. Làm lúa sạ có cái lợi là làm được nhiều, diện tích đất từ vài chục mẫu tới vài ba trăm mẫu; trái lại làm lúa cấy thì vì sức người có hạn nên diện tích canh tác cũng có giới hạn; tùy theo vùng đất nhiều hoặc đất ít và nhơn công cấy dễ mướn hoặc khó tìm thì số đất ruộng cấy được sẽ ít hoặc nhiều.

Trong ruộng cấy có mấy giai đoạn như sau: trước nhứt là rải mạ. Người ta dọn một miếng đất thật bằng phẳng rồi cày bừa cho nhuyễn và đem giống ra rải lên miếng đất ấy. Vì rải mạ nên người ta cần sạ giống cho dày, vừa để tránh hao hớt vừa để sau này khi mạ đầy tháng còn nhổ mạ và chiết ra để cấy lại đất ruộng đang chờ để cấy. Bởi vậy trong dân gian khi có ai làm việc gì mà bị đổ đầy trên mặt bàn hay trên mặt đất người ta gọi rải mạ. Sau khi rải mạ như vậy mưa xuống hột giống sẽ lên dày bịt và đúng một tháng hoặc trồi sụt chút đỉnh là bắt đầu nhổ mạ và đem đi cấy.

Nhổ mạ là nhổ nguyên một vạt đất như vậy và mỗi người nhổ mạ xong gom lại chừng hai nắm tay thì họ dùng dây lạt bó mạ lại ở phần gần ngọn cây mạ. Trước ngày cấy lúa trên đất đã cày bừa trục nhuyễn sẵn thì công việc kế tiếp là giang mạ. Giang mạ là người ta chở mạ hoặc gánh các bó mạ vừa mới nhổ xong bỏ đều trên miếng ruộng sắp cấy. Tùy theo muốn cấy dày hoặc cấy thưa mà mỗi công đất sẽ được phân phối số mạ nhiều hay ít. Trung bình người ta tính theo cây tầm đo đất, chiều dài 3 thước, gọi là tầm cấy hoặc tầm cắt. Mỗi tầm cấy như vậy cấy 12 bụi mạ, gọi là cấy dày; nếu cấy 10 bụi mạ, gọi là cấy vừa, còn cấy 6 hoặc 8 bụi mạ thì gọi là cấy thưa.

Thông thường người đi cấy lúa mướn thì ba người họ lãnh cấy chung nguyên một công đất, tức là mỗi người cấy một phần ba (1/3) công, còn gọi tắt là một góc ba. Do vậy tâm lý giữa chủ ruộng và công cấy có những suy nghĩ trái ngược nhau. Chủ thì lúc nào cũng muốn công cấy cấy dày; còn công cấy thì muốn cấy thưa cho mau xong công đất để mau về sớm. Ở nhà quê có câu thiệu: “Bắt nhẻ, cấy thưa, tầm đưa vô đít”, ý nói “bắt nhẻ” là bắt mạ rất ít, (có lẽ do chữ “nhỏ nhẻ” mà nói trại ra), thay vì vừa tay cho một bụi mạ thì công cấy tách mạ rất ít để cấy cho mau khỏi mất công cứ lấy mạ hoài lâu rồi công. “Bắt nhẻ” như vậy có cái hại là gặp trời nắng nước ruộng bị nóng và bụi mạ khó bén rễ, có khi mạ bị chết và miếng ruộng này khi lúa lớn lên sẽ hao hớt, thưa thớt.

Về động tác cấy có mấy động tác chính như tay mặt vừa cầm nắm mạ vừa cầm nọc cấy, ngón cái bàn tay mặt vừa đẩy một ít mạ tách rời nắm mạ gọi là ra mạ, nếu ra mạ mà ít quá gọi là bắt nhẻ. Thay vì một bụi mạ tối thiểu phải bốn hoặc năm cây mà mình chỉ ra mạ có ba cây gọi là nhẻ.

Cũng là ruộng cấy nhưng ở miệt Cái Côn (Cần Thơ) người ta dùng chày tỉa để tỉa mạ. Chày tỉa là một cái cây làm bằng cây tràm hoặc bất cứ cây gì mà săn chắc bào cho láng, một đầu chuốt nhọn như trái vụ để khi cầm chày tỉa cắm xuống đất khi lấy chày lên sẽ để lại một cái lỗ nhỏ vừa với một nhúm hột giống để gieo mạ. Công việc tỉa mạ có hai người cùng làm, một người dùng chày tỉa xắn lỗ và người kia bỏ hột giống và lấp đất lại. Sau vài ba ngày tùy theo giống khô hoặc giống ngâm mà mạ mau lên hoặc chậm lên. Cái này cũng có cái lợi và cái hại tùy theo thời tiết. Gặp trời nắng nóng thì giống khô ít hao, lúa giống nằm đó chờ mưa hoặc hơi sương ướt rồi từ từ mọc mộng và lên cây; trái lại gặp trời mưa thì giống ngâm mau lên cây hơn, mạ ít hao. Sau khi cấy mạ được một tháng, người ta bắt đầu dùng tay nhổ mạ.

Nhổ mạ như vậy rồi cũng dùng dây lạt để bó mạ nhưng chưa đem ra ruộng cấy liền, mà phải dọn sẵn một miếng đất khác để cấy số mạ này. Công đoạn cấy lần này gọi là cấy giâm. Cấy giâm có nghĩa là đem mạ còn non cấy lại một lần nữa cho cây mạ cứng cáp và nở thêm nhiều rồi mới bứng mạ một lần nữa và lúc bấy giờ mới giang mạ và cấy thiệt thọ trên miếng đất mà mình muốn trồng lúa.

Sở dĩ gọi bứng mạ vì giai đoạn này phải dùng dao để xắn bụi mạ lên chứ không phải nhổ mạ bằng tay như mấy lúc trước. Con dao bứng mạ cũng chỉ là con dao yếm là loại dao thông dụng trong nhà bếp mà dân quê thường dùng để xắt thịt, làm cá nhưng với dao yếm bứng mạ thì mũi dao bản bự hơn loại dao yếm thường, đặc biệt là được mài rất bén. Thông thường một bụi mạ người ta phải xắn ba góc mới lấy bụi mạ lên được an toàn không bị đứt rễ nhưng với dân bứng mạ chuyên nghiệp người ta chỉ bứng hai nhát dao là bụi mạ lấy lên được khỏi mặt đất và không bị đứt rễ. Cái hay của chuyên môn là ở cách bứng mạ ấy vì nhờ vậy mà công việc bứng mạ mau hơn và đỡ mất nhiều công sức.

Còn cấy giặm là cấy thêm những chỗ ruộng lúa bị hao hớt vì lúa chết hoặc cua kẹp. Dù làm lúa sạ hay lúa cấy gì khi lúa bị hao người ta hay mướn công cấy và chiết mạ từ những chỗ lúa dày để giặm vá vào những chỗ trống này.

Có bạn còn hỏi gom lúa là gì? Chất lúa thành cà lang là sao?

Để trả lời hai chữ dùng này cũng còn tùy. Nếu làm lúa mùa hồi đời trước có người làm năm ba chục mẫu ruộng, có người làm cả mấy trăm mẫu nữa nên ruộng đất nhiều, lúa tới mùa cũng nhiều, nên không thể ôm từng ôm, từng ôm lúa mang vô sân cùng lúc được do vậy phải dùng bò trâu kéo lúa vô sân, nên mới gọi là gom lúa. Nhưng trước khi gom lúa chủ ruộng kêu công cắt để cắt lúa; cắt lúa xong còn phải phơi lúa bông vài nắng nhằm mục đích cho bông lúa khô để khi trâu bò] đạp lúa mau rụng hột; phơi lúa bông như vậy gọi là dan lúa. Khi thấy lúa vừa ráo bông, chủ ruộng kêu công chồng mớ lúa. Khi cắt lúa các thợ cắt lúa bỏ lúa từng mớ, từng mớ theo lối cắt của họ, những mớ lúa này nằm rải đều trên diện tích miếng ruộng nên khi chồng mớ lúa, người ta lội theo từng lối lúa cắt như vậy và ôm những mớ lúa bông này chồng lên nhau thành một mớ lúa vừa với người ôm khi gom lúa. Thường thường mỗi một ôm lúa bông như vậy tùy theo lúa mớ nhiều hoặc ít mà người ta gom lại bốn hoặc năm mớ lúa chất thành một ôm; không chất ôm lúa lớn quá mà cũng không chất ôm lúa nhỏ quá vì nếu lớn quá khi mình gom lúa, lúa bông sẽ dễ bị rơi rớt; còn nếu ôm lúa nhỏ quá thì lại tốn nhiều công sức mà việc gom lúa lên cộ sẽ bị chậm chạp, mất nhiều thì giờ. Dụng cụ để gom lúa này được gọi là cái cộ. Cái cộ là vật dụng làm bằng tre. Người ta lựa hai gốc tre già làm thanh cộ. Sở dĩ dùng gốc tre già vì nó vừa chắc mà cũng vừa tiện trong việc thanh cộ kéo trên ruộng trơn láng dễ hơn là dùng cây săn chắc làm cộ thường bị đất bùn làm chất gỗ lún xuống đất sâu rất nặng cho trâu bò.


Tùy theo bạn dùng trâu hay bò để kéo cộ mà cái cộ dùng gom lúa có khác nhau. Nếu dùng bò thì phải dùng tới hai con bò vì bò sức yếu, nên gọng cộ là hai thanh cộ ở phần máng bò kéo cộ nhập lại làm một để mỗi bên máng một con; nếu bạn dùng trâu thì chỉ dùng một con trâu thôi, vì trâu mạnh hơn bò nên thanh cộ ở chỗ máng ách tách ra làm hai, và đặt trâu ngay vào giữa hai thanh cộ này, không nhập lại như cộ bò.

Trên sàn cộ người ta dùng vạt tre lót làm sàn cộ và để tránh lúa rụng rơi rớt dọc đường, người ta lót lên sàn cộ một tấm đệm bàng, loại đệm nhà quê hay mua để làm nóp ngủ hoặc dùng để phơi lúa. Xung quanh cộ có làm thêm những thanh tre đứng để giữ cho lúa khỏi bị đổ. Thành ra, gom lúa là mình chất lúa lên cộ và cho trâu bò kéo lúa về sân. Vì lúa hồi xưa làm nhiều nên phải chất thành đống lúa rất cao thành hình chóp gọi là cà lang lúa.

Khi gom lúa và chất thành cà lang cao xong là tới giai đoạn dùng trâu hoặc bò đạp lúa, lúc bấy giờ người chủ ruộng mới mướn nhơn công dùng mỏ xải (1) để vích lúa trải đều ra xung quanh chưn cà lang lúa nhắm chừng bề dày khoảng từ ba tấc tới năm tấc, gọi là ra bã lúa; rồi cho bò hoặc trâu kéo cái trục đi vòng quanh lên lớp lúa vừa trải ra này gọi là đạp lúa; sau khi trâu bò đạp lúa một đỗi chừng nửa giờ hay lâu hơn tùy theo bã lúa dày hay mỏng, người chủ ruộng thấy các bông lúa rụng hột hết rồi, lúc bấy giờ chỉ còn là những cọng rơm bong ra và người ta tháo ách thả trâu bò ra cho chúng nghỉ và nhân công bắt đầu lấy mỏ xải vích lớp rơm khô này tấp ra bên ngoài bìa sân lúa, công đoạn này ở nhà quê gọi là làm bã lúa. Sau đó lấy trang cào lớp lúa hột này gom lại một chỗ và bắt đầu ra bã lúa tiếp theo và cho trâu bò đạp lúa tiếp cho đến khi nào hết cà lang lúa thì coi như xong vụ đạp lúa bông ra lúa hột.

Thường thường lúa hột trâu bò đạp ra như vậy vẫn còn rơm hoặc lúa lép lẫn lộn, do vậy mà nông dân phải dùng bốn cây tre dựng thành cái giàn tương đối hơi cao, chắc chắn, có chỗ cho một người đứng vững vàng; ngay dưới chỗ người đứng này có tấm vạt bằng tre hoặc một tấm đăng mỏng được trải ra và rồi mọi người cùng nhau xúc lúa vô thúng rê và đội lên giàn, để cho người ở đó bưng thúng lúa trút xuống tấm vạt để rê lúa với mục đích là làm cho lớp lúa lép, rơm, bụi bay đi hết và chỉ còn lúa hột chắc còn lại thôi; nên giai đoạn này gọi là rê lúa.

Sau khi rê xong hết đống lúa vừa kể, tùy theo miếng ruộng lớn hay nhỏ, có khi đống lúa hột này nhiều tới năm ba trăm giạ lúa là thường (1 giạ lúa= 40 lít) là tới giai đoạn dùng xe trâu kéo lúa về nhà nếu nhà tương đối gần miếng ruộng; còn trường hợp nhà xa ruộng, người ta phải dùng xe trâu kéo lúa ra bờ kinh; rồi từ bờ kinh, chủ ruộng mới dùng ghe xuồng chở lúa về nhà; giai đoạn dùng trâu bò kéo lúa từ trong ruộng ra bờ kinh để dùng ghe chở lúa về nhà gọi là lòi lúa. Qua kinh nghiệm làm ruộng lâu ngày, chủ ruộng biết sức lực của trâu bò, nên khi họ làm cộ để cộ lúa hay dùng cây đóng thành xe trâu để chở lúa về nhà, mỗi xe trâu như vậy sức chở tối đa là 25 giạ lúa; không ai làm xe trâu chở nhiều hơn số 25 giạ ấy vì quá con số này trâu kéo xe rất mệt và trâu bò làm quá sức thì mau kiệt sức, không bền đó là trong nhiều trường hợp trâu bò bị đuối sức, không cày bừa nổi nữa, người nhà quê gọi là bò trâu bỏ mùa. Thúng rê dùng để rê lúa và cái táo đong lúa 20 litres, bằng nửa giạ 

Rồi bạn lại hỏi tôi về loài chim nhạn ở đồng ruộng mấy chục năm về trước lúc còn làm lúa mùa giống chim này có những đặc tính nào để mình dễ nhận ra loài chim ấy?

Xin thưa với bạn rằng, trước nhứt loại chim này nhỏ con với bộ lông màu trắng và ưa bay chung với nhau thành từng đàn, từng đàn mà rất hiền! Chúng có hai đặc tính mà ai ai từng làm ruộng lúa mùa ngày trước khoảng 1940-1960 hoặc lúa thần nông sau này những năm 1960-1990 đều biết là chúng biết chỗ nào có cá ở trong rong và chúng luôn bảo vệ cái ổ của chúng.

Trong đời sống thiên nhiên của chim nhạn trắng, hồi mấy năm tôi về quê làm ruộng, giăng lưới, giăng câu, buổi sáng sớm, tôi thường chống xuồng lên đồng nước ngập mênh mông, chỗ nào mà có bầy nhạn trắng bay vòng vòng trên bầu trời ngay trên đầu mình là tôi cắm xuồng dừng lại chỗ đó và bắt đầu dọn luồng bủa lưới, nhứt là lưới cá linh, thì sau khi bủa lưới một hồi, cỡ hút tàn điếu thuốc, rồi mình bắt đầu thăm lưới, bạn có biết sao hông? Cá dính lưới guộn viền luôn! Thành ra, theo kinh nghiệm người nhà quê tụi tôi là chỗ nào có nhạn bay vòng vòng trên trời là chỗ đó có cá linh nhiều lắm!

Còn nữa, vào tháng ba, tháng tư âm lịch, trên đồng đất khô nứt nẻ ở những cánh đồng lớn vùng Mặc Cần Dưng (Long Xuyên) hoặc sau này vùng đồng ruộng làng Tân Bình (Lấp Vò, Sa Đéc), chỗ nào mà nhạn bay vòng vòng hoài một chỗ là ngay mặt đất chỗ nhạn bay đó, mình đi tìm một hồi là có ổ nhạn đang đẻ trứng gần đó. Dân quê vùng ruộng dưới tôi ưa gọi loài nhạn này là "nhạn đất". Nhạn đất lấy rơm rạ làm ổ đẻ trên mặt đất, không lót ổ trên cây như các loài chim khác. Vui lắm! Tóm lại, so với các loài chim khác thì chim nhạn đất là loại chim rất hiền!

Thưa bạn,

Qua chuyện kể về nhạn đất vừa rồi, chỗ nào có chim nhạn bay là chỗ đó có nhiều cá, nhứt là cá linh; rồi bạn lại hỏi sao gọi loại cá nhỏ này là cá linh?

Về điểm này, đã khá lâu, tôi có nhắc qua vài đặc tính về loại cá linh này trong các cuốn Bến Bờ Còn Lại (2000), Mùa Màng Ngày Cũ (2011, 2015), nên nay xin nhắc vài nét chính của loại cá này thôi, kẻo mình cứ lặp đi lặp lại hoài một việc thấy cũng hơi kỳ kỳ!

Số là vào tháng Năm âm lịch, khi nước các sông rạch vùng miền Tây nước sông Cửu Long có màu ngầu đục và chảy xiết, dân quê vùng này gọi là mùa nước đổ. Nước vào mùa này có màu ngầu đục như vậy vì phù sa của con sông Cửu Long từ trên Biển Hồ bên Cao Miên chảy xuống trong đó có mang theo cá linh non trôi trong nước thành từng bầy từng bầy, nhiều vô số kể! Cá linh non là cá linh mới nở hoặc đã nở mấy ngày, nên cá còn rất nhỏ, cỡ đầu đũa ăn, rồi trôi theo nước và lớn dần; khi xuống tới Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cao Lãnh… cá linh theo các kinh rạch và tràn lên đồng vào mùa nước lên tháng Bảy âm lịch rồi theo các cánh đồng lúa mùa ở các vùng ấy và lớn dần, lớn dần, cá lớn nhứt cỡ bằng ngón chưn cái, lúc bấy giờ dân quê gọi cá linh lớn này là cá linh già; tuy gọi là như vậy nhưng ít có cá linh nào lớn bằng nửa cườm tay; do vậy mà dân quê mới sắm các dụng cụ để bắt cá linh như đăng đó, vó cất, vải chài, giăng lưới, đóng đáy, đặt dớn… là những dụng cụ có lỗ rất nhỏ, nếu lưới thì lưới một phân hoặc lưới thưa hơn chút có lưới một phân rưỡi.

Có hai loại cá linh là cá linh ốngcá linh rìa. Cá linh ống hình ống tròn, vảy màu trắng nhuyễn; cá linh rìa hình dẹp vảy nhuyễn pha vài chấm nhỏ màu sẫm dọc theo hai sống lưng. Các đặc tính của cá linh khi chúng ở trên đồng nước ngập hằng năm vào tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười âm lịch, chúng có chung những đặc tính sau đây:

Cá linh sống thành từng đàn, từng đàn; miệng cá rất nhỏ, chỉ ăn rong, và các phiêu sinh vật, nên ít ai sắm câu để câu cá linh, nên giăng lưới cá linh là chính.

Thường thường vào giác sáng sớm và vào lúc gần khoảng sau giờ chùa công phu chiều là giăng lưới dính cá linh nhiều vì vào hai khoảng thời gian ấy cá linh ưa đi ăn nên dễ mắc lưới.

Giác trưa nắng, trời đứng bóng, lưới không dính cá như hai giác sáng sớm và giác chiều vì vào buổi trưa cá linh tìm các đám rong vào nghỉ mát...

Ở đồng quê vào mùa nước lên thì ngày nào nước cũng dâng lên tùy theo nước lớn hoặc nước nhỏ mà mực nước dâng lên nhiều hoặc ít; nhưng đến đúng ngày 25 tháng Chín âm lịch thì mực nước trên đồng bắt đầu dừng lại, không lên tiếp như mấy ngày trước, lúc bấy giờ dân quê gọi là nước phân đồng. Nước phân đồng kéo dài khoảng vài ba ngày thì tới khoảng mùng 10 tháng Mười âm lịch nước khắp các cánh đồng bắt đầu chảy mạnh ra các kinh rạch, dân quê gọi mùa này là mùa nước giựt.

Cá linh khôn lắm, khi nước mênh mông trên đồng bắt đầu nhớm giựt thì cá linh ào ạt rủ nhau rút xuống các cựa gà, các ngã ba kinh rạch và xúm nhau trở về sông…

Lúc bấy giờ người nhà quê biết cá linh theo nước rút ra sông, người ta mới bủa lưới, kéo vó cất, đóng đáy, đặt dớn hoặc vải chài khắp các ngõ ngách, các bến sông để chận bắt cá linh ra. Mùa này cùng với cá linh, các loài cá trắng khác cũng bắt đầu ra sông còn gọi chung là mùa cá ra. Vào các năm còn làm lúa mùa thì mùa này nước trên đồng do có nhiều phèn và nước cỏ nên cá dễ bị đỏ mắt và nổi đầy bèo mặt nước, nên hồi đó mùa cá ra này còn gọi là mùa cá dại.

Cá linh rất khôn, khi trời nắng chúng cứ ào ào ra sông như vậy không cách gì cản chúng được nhưng tự nhiên thấy trên bầu trời có vài đám mây đen sắp kéo qua hoặc trời sắp chuyển mưa thì tự nhiên thấy cá linh dính lưới ít đi thì dân ruộng biết chắc là trời sắp mưa.

Do các đặc tính của loài cá trắng nhỏ con này chúng biết khi nào nước giựt, khi nào trời nắng và khi nào trời sắp mưa mà người nhà quê gọi loài cá trắng nhỏ con này là cá linh là vì vậy.

Đó là thực tế qua kinh nghiệm sống nơi nhà quê qua các nghề giăng lưới, kéo vó cất, vải chài, đóng đáy, đặt dớn, đăng đó … các thứ để bắt cá linh mà biết như vậy; còn theo sách vở của các bậc tiền bối kể về giai thoại chúa Nguyễn khi lưu lạc vô miền này bằng thuyền rồi lúc đang đi gặp loài cá này nhảy lên thuyền, chúa Nguyễn ra lệnh dừng đoàn tùy tùng lại không đi và nhờ vậy tránh được nạn nên chúa đặt tên cho loài cá trắng nhỏ còn vùng sông rạch miền Tây này là cá linh; thì đó là chuyện truyền thuyết, thực hư thế nào, kẻ hậu sinh như tôi thì hổng dám có ý kiến ý cò gì trong việc đặt tên cá linh này! Chỉ nhắc qua như vậy để bạn nghe chơi và tùy bạn liệu lượng!

Hai Trầu

Houston, ngày 04 tháng 7 năm 2021.


Chú thích:

1/ Mỏ xải dân quê đọc trại thành “mỏ sảy, mỏ sẩy” tức là dụng cụ bằng ngọn tầm vông dài cỡ hơn hai thước, vừa tay cầm, không dài quá, có tra ở đầu một thanh sắt tròn bằng ngón chưn cái chia làm hai mũi nhọn dùng để xốc lúa bông lên; hoặc có thể dùng ngọn tràm có chiều cong và uốn thành mũi nhọn cũng được.

Nguồn: thatsonchaudoc.com