Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

Happy New Year !!!


Thời gian đang được đếm ngược từng giờ để thế giới lại được cùng nhau hân hoan trong niềm vui đón chào năm mới cùng với giai điệu bài hát đã trở thành huyền thoại của cả thế giới HAPPY NEW YEAR! (Chúc mừng năm mới!)

Happy New Year là một siêu phẩm thành công nhất không chỉ của ban nhạc ABBA mà còn của cả thế giới âm nhạc. Đây là bài hát được nghe nhiều nhất mỗi dịp Giáng sinh và giao thừa chuyển giao từ năm cũ sang năm mới. Mỗi khi những câu hát "Happy New Year! Happy New Year!..." đó vang lên, từ kẻ giàu sang đến người cùng khổ, từ người già cho đến người trẻ, gái trai, Âu, Á đều có thể cảm nhận được không khí ngày Tết đang tràn ngập khắp nơi nơi.

Nhưng mỗi khi giai điệu bài hát này vang lên ít ai chú ý đến nội dung ca từ của nó bởi nền nhạc của bài hát đã quá hay, quá hấp dẫn lòng người. Bài hát có giai điệu nghe hân hoan nhưng ca từ của nó không nói lên sự vui tươi và niềm hy vọng mà một số không ít người hiểu lầm. Ca khúc thể hiện nỗi buồn chán của một ngày mai dưới cặp mắt không ít bi quan của một đôi trai gái sau buổi tiệc rượu champagne cuối năm. Phần lời của bài hát là một thông điệp buồn, sâu lắng và cồn cào lay động cảm xúc con người, nhất là vào những ngày cuối của một năm. Giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của bài hát hướng mọi người về với gia đình, về với quê hương, kéo con người đến gần với nhau hơn, đến với những nơi có đoàn tụ, nơi có tình yêu thương, có mùa xuân ấm áp… Có lẽ vì vậy mà đã hơn 30 năm trôi qua, bài hát Happy New Year vẫn sống bất tử trong lòng nhân loại, cả thế giới vẫn không thể tìm được bài hát nào có ca từ và nhạc phẩm tuyệt vời hơn Happy New Year!
Mặc dù nhiều quốc gia đã tìm cách chuyển thể lời bài hát Happy New Year sang ngôn ngữ của nước mình nhưng lời và nhạc phẩm của bài hát theo nguyên tác tiếng Anh vẫn được xem là sâu lắng và có sức lay động cảm xúc lòng người lớn nhất.

Ở Việt Nam có một số ban nhạc trình bày ca khúc này, nhưng phần lời dịch khác rất xa với lời gốc (tiếng Anh). Trong tất cả những lời dịch tôi được nghe, tôi thấy có một bản dịch khá hay, khá sát với nguyên tác tiếng Anh, xin giới thiệu để mọi người cùng thưởng thức:

Sâm banh đã cạn/ Và pháo hoa đã tàn/ Còn lại anh với em/ Bơ vơ, buồn bã/ Bữa tiệc vui đã hết/ Và buổi sáng sao mà ảm đạm/ Sao khác hẳn hôm qua/ Nhưng đã đến lúc phải nói với nhau…

Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người bóng dáng xa xôi/ Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn/ Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ/ Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh/ Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…

Đôi khi em thấy/ Tân thế giới dũng cảm đang đến gần/ Đang sinh sôi nảy nở/ Trên tro tàn của cuộc đời ta/ Ôi, con người là một gã khờ/ Nhưng hắn cứ tưởng rằng mình vẫn ổn/ Lê đôi chân đất sét/ Hắn lang thang lang thang/ Mà chẳng biết mình đang lạc lối…

Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người bóng dáng xa xôi/ Một thế giới nơi láng giềng đều là bè bạn/ Chúc mừng năm mới/ Chúc mừng năm mới/ Cầu cho mọi người hy vọng và ước mơ/ Để tìm kiếm, hay nếu không, em và anh/ Chúng mình cũng có thể ngả mình và chết…


Nếu bạn chưa một lần nào lắng mình để nghe thật rõ những lời ca của bài hát HAPPY NEW YEAR thì ngay bây giờ bạn hãy mở ra để nghe lại, để có thể cảm nhận được sự bất tử của nhạc phẩm và của những người đã tạo ra nó- ban nhạc ABBA. 

nguồn : quanghy360plus.com

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Ca sĩ Duy Quang - Người nghệ sĩ tài hoa...



Ca sĩ Duy Quang mới qua đời hôm 19/12 tại Hoa Kỳ, sau khi chống chọi với căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối, ông hưởng thọ 62 tuổi.

 

 

 

Người nghệ sĩ tài hoa...

Duy Quang sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc với cha mẹ là nhạc sĩ Phạm Duy, ca sĩ Thái Hằng, dì là ca sĩ Thái Thanh và cậu là nhạc sĩ Phạm Đình Chương, hẳn nhiên gen âm nhạc bộc lộ rất sớm trong ông là điều không quá lạ.
Duy Quang chính thức khởi nghiệp ca hát năm 17 tuổi, nhưng thực sự dòng máu nghệ thuật đã đến với ông từ khi mới lên 5; 10 tuổi ông đã rành rẽ nhạc lý, ông có thể chơi nhiều nhạc cụ từ mandolin, trống, guitar cho tới cả dương cầm.
Cùng với các em, đầu những thập niên 70 của thế kỷ trước, người anh cả Duy Quang thành lập ban nhạc gia đình The Dreamers, với Duy Minh chơi trống, Duy Hùng chơi guitar, Duy Cường chơi organ, hai cô em gái là Thái Hiền và Thái Thảo trong vai trò ca sĩ.
Mặc dù ông lớn lên trong thời chiến, vậy nhưng âm nhạc ông hát lại chịu sự ảnh hưởng của dòng nhạc nước ngoài, từ những chất nhạc dễ nghe, êm tai như pop, ballad cho tới rock and roll, có lẽ vì thế mà các bản nhạc mà The Dreamers chọn trình diễn thường là của The Rolling Stones, Carpenter, The Beatles hay The Shadows. The Dreamers trở thành một trong những ban nhạc tiên phong chơi các ca khúc quốc tế thịnh hành hồi đó.
Ngoài khả năng hát và chơi nhạc nước ngoài, Duy Quang còn được cha là nhạc sĩ Phạm Duy dành “độc quyền” cho nhiều bài hát tiếng Việt do ông sáng tác, cho đến giờ những ca khúc như Còn Một Chút Gì Để Nhớ, Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng, Chỉ Chừng Đó Thôi, Em Hiền Như Masoeur hay Thà Như Giọt Mưa…vẫn là những đỉnh cao mà khó ca sĩ nào vượt qua được giọng hát Duy Quang.
Nghiệp hát của Duy Quang êm ả, ông chọn cho mình dòng nhạc trữ tình sang trọng, không bị cuốn vào trào lưu hát nhạc lính thời đó. Ông được người nghe yêu mến bởi chất giọng truyền cảm, trong và ấm, với hơn 400 ca khúc kể từ khi còn trong nước cho đến khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1979.
Người nghe nhạc Việt Nam hẳn vẫn nhớ những phút giây thăng hoa của Duy Quang và Julie trên sân khấu, khi 2 người trong ban nhạc The Dreamers, họ là cặp đôi đẹp dưới cả ánh đèn màu và cả dưới ánh mắt của những người hâm mộ tiếng hát họ.
Sự nghiệp cầm ca êm đềm bao nhiêu thì con đường tình cảm của ông lại chông gai bấy nhiêu. Ông trời chẳng cho ai sự trọn vẹn!

... nhưng bạc mệnh

Được xem là cặp song ca đẹp nhất một thời, nhưng Duy Quang và Julie cuối cùng mỗi người mỗi ngả, ông từng tâm sự rằng mối tình đầu đó mau tan vì khi đó ông còn quá trẻ, chẳng có kinh nghiệm trong đời.

Ông lập gia đình lần đầu tiên năm 1984 với cô Mỹ Hà, vốn là Hoa khôi người Việt tại thủ đô Washington, Duy Quang sau đó, có 2 người con gái. Cuộc hôn nhân kéo dài 18 năm, nhưng lại đong đầy phiền muộn, có lần khi nói với báo chí trong nước, ông từng chia sẻ “lấy nhau không phải vì tiền mà lại xa nhau vì đồng tiền đỏ đen.” Trong mười năm trời ông đã từng phải bán ba căn nhà để trả nợ cho vợ, nhiều lúc muốn buông xuôi vì hôn nhân đổ vỡ.
Hai năm sau, năm 2004, ông quyết định về lại Việt Nam sinh sống. Trên mảnh đất quê nhà, niềm vui trong âm nhạc đã trở lại với ông, ông mở phòng trà, ra album và đi hát nhiều show lớn. Năm 2007, ông bước tiếp lần nữa với ca sĩ Yến Xuân, thế nhưng, đường tình duyên vẫn lận đận, ông chia tay 2 năm sau đó.
Duy Quang được biết đến hầu như với vai trò là ca sĩ, thế nhưng ông cũng có viết một số bài nhạc, mà trong đó Kiếp Đam Mê là tác phẩm được công chúng biết đến hơn cả. Nhân vật trong Kiếp Đam Mê của Duy Quang chưa bao giờ được tiết lộ, nhưng ông từng nói rằng cô ấy rất đẹp và cô cũng xuất hiện trong một ca khúc khác của ông là Vì Yêu Em.
… Nếm trải vị ngọt đắng ở đời, tôi biết mỗi ngày đang qua là mỗi ngày đáng sống…Mỗi ngày sắp đến là một ngày vui của tôi. Có lẽ trong mỗi giai đoạn, con người có những ý thích khác nhau. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn cuộc sống thanh thản, hạnh phúc…
Lời tâm sự ấy của ông khi một thời trẻ đã qua đi, những ham muốn vật chất không còn ý nghĩa, ông chỉ cầu mong sự bình yên của một chốn đi về sau những đêm diễn.
Khi cuộc sống trở lại phẳng lặng, ông sống độc thân khép kín, thì cũng là lúc căn bệnh ung thư gan ác tính ập đến. Sau nhiều ngày chống chọi, ông trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay bè bạn và gia đình vào lúc 11h30 trưa ngày 19/12 tại California.

Vũ Khánh

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Nghe lại nhạc xưa : Đêm Đông



Tôi yêu mùa đông. Tình yêu từ thuở tâm hồn còn trứng nước với những suy nghĩ ngây thơ: mùa đông được mặc chiếc áo ấm đẹp. Nhưng rồi, càng lớn, càng đi ra ngòai vòng tay của mẹ, của thị trấn nhỏ, tôi càng gặp nhiều người yêu mùa đông.


Ca khúc: Đêm đông
Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Thương
Ca sĩ: Bạch Yến

-----

Những người ở thành phố hối hả này yêu mùa đông. Vì sao vậy? Rồi, tôi cũng lớn dần, đủ trưởng thành để tìm được câu trả lời. Câu trả lời có từ rất nhiều điểm chung của những người tôi gặp, của thế giới xung quanh tôi, và của cả nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Đêm đông.

Trong cuộc đua chen hối hả của thành phố này, đa phần thời gian người ta vội vã cuốn theo nhịp của công việc, phải như thế để tồn tại, phải như thế để khẳng định mình, phải như thế để cống hiến được tuổi trẻ của mình cho đời, nhưng cũng phải như thế để cảm nhận những giây phút sâu lắng của tâm hồn mình. Người ta hay trở về với chính mình vào những đêm mùa đông.


Mùa đông, thời gian dường như trôi chậm hơn. Bởi cái lạnh đánh thức da thịt khiến người ta không thể hoàn toàn chìm đắm vào công việc mà buộc phải cảm nhận và hướng mình ra thế giới bên ngoài nhiều hơn. Để biết rằng thời gian đang trôi, chiều chưa đi nhưng đêm cũng đang xuống dần.

Đâu đó tiếng chuông chùa vẳng lại. Cái tiếng chuông chùa giữa phố thị như là thanh âm của sự tĩnh lặng, nhưng cũng là thanh âm của sự nhắc nhớ, của thời gian ngày xưa và một không gian nào đó xa lắm nơi người ta thực sự thuộc về. Có cánh chim nào cũng đang rã rời mỏi mệt tìm về chốn nghỉ. Có làn mây xám nào cũng đang chầm chậm trôi ngang lưng trời.
Đều là những sự vận động, nhưng là những vận động trong mệt mỏi, đó là cái vận động của cuối ngày, vận động để đi dần về phía tĩnh lặng.
Thi nhân cũng dần đi vào chính lòng mình. Cái tĩnh lặng mỏi mệt của không gian khiến thời gian trong tâm hồn thi nhân, dường như cũng dừng lại và tê tái. Cái tê tái đến đây đã là cái lạnh của lòng, của chiều sâu. Và cái tê tái đó càng tái tê hơn khi lữ khách trở về với thế giới mặt đất gần hơn xung quanh mình: cây trút lá, mưa giăng mắc, sương thướt tha, và tất cả cứ tiêu điều, đìu hiu quá.
Và lúc này, lữ khách bắt đầu dành cho tâm hồn mình một sự lắng nghe để biết mình khát khao điều gì trong cái chiều-đêm mùa đông ấy:

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bong

Không nói trực tiếp tiếng lòng mình, nhưng lữ khách nghe trong đêm đông tiếng lòng chinh phu buồn xa quê, tiếng lòng chinh phụ dựa song ngóng chồng, tiếng thi nhân buồn tương tư, tiếng ca nhi soi gương và ôm nỗi sầu riêng chỉ một mình mình hiểu. Chinh phu-chinh phụ, thi nhân-ca nhi, chinh phu khát chinh phụ, ca nhi khát thi nhân, những cặp đôi tình nhân vốn luôn khát khao gần gặn, nhưng cũng luôn gặp cảnh cách xa.
Nỗi day dứt vì cách xa chẳng phải đêm đông mới có, nhưng lại cứ cồn lên vào mỗi đêm mùa đông lạnh lẽo. Mùa đông, người ta cần nhau, cần chia sẻ, cần sự gần gũi bằng xương thịt để cảm nhận cái ấm nồng về tâm hồn. Nhưng mùa đông lạnh chỉ nhắc rằng nỗi khát khao đó là không thể. Khát khao càng mạnh thì nỗi sầu lạnh chỉ càng lớn dần thôi.

Gió nghiêng, chiều say
Gió lay ngàn cây,
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên

Thế nên, tất cả như nhòa đi trong lòng lữ khách. Và lúc này, lữ khách chỉ còn cảm nhận thấy trong không gian tiếng bước chân của gió, con gió vĩnh cửu. Đến đây, tiếng hát Lê Dung cùng với tiếng nhạc dồn lên vừa khát vọng, vừa xa xót. Và cuối cùng thì con gió ấy cũng say hơn, nghiêng hơn, sầu hơn và tiếng than thở của gió cũng triền miên như nỗi sầu triền miên của kiếp người.
Đi qua những triền miên của kiếp người, rồi lòng lữ khách cũng trở về với cảnh ngộ của chính mình với nỗi cô đơn khắc khoải:

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung
Đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà?

Lúc này, đêm đông, đó là nỗi nhớ nhung, đêm đông, đó là giấc mơ gia đình, giấc mơ một tình yêu, giấc mơ về hơi ấm tình người. Nhưng đêm đông, đó lại cũng là hiện thực, hiện thực với đường về còn xa lắm, với bước chân phong trần còn lê trên đường đời dù mỏi mệt, là hiện thực với cái tê lạnh của tâm hồn một kẻ cô lữ không nhà.
Bài hát kết thúc bằng một câu hỏi. Câu hỏi chầm chậm cất lên: “Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà?”. Vậy là, trong đêm đông bây giờ, không có một ngôi nhà, không có một người tri kỷ, chỉ có một lữ khách, một lạnh lẽo và một nỗi cô đơn.
Nhưng vẫn còn may mắn lắm, vì đó là một câu hỏi! Câu hỏi dù không cần câu trả lời, nhưng đó vẫn cứ là một câu hỏi, một sự tìm kiếm, và một nỗi khát khao. Không phải là một sự chấm hết.
Chấm hết thì cô đơn quá! Cuộc đời này, giữa phồn hoa phố thị này, dù người ta có cảm thấy cô đơn thế nào, thì hãy đừng ngưng kiếm tìm một hơi ấm tình người…Để đêm đông bớt lạnh.
(Nguổn : TuanVietNam)

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2012

Donna Donna - Khát vọng tự do



Donna Donna Donna Donna... Donna Donna Donna Don...
Có lẽ những ca từ trên đã không còn xa lạ gì với những người yêu thích âm nhạc. Ắt hẳn ai trong chúng ta, dù yêu thích những ca khúc xưa cũ của thế kỷ XX hay không, thì đều đã từng một lần nghe qua những giai điệu nhẹ nhàng mà như thở than, như trách móc của ca khúc nổi tiếng Donna Donna - một ca khúc dù đã nghe đi nghe lại ca khúc này hàng trăm lần, nhưng những cảm xúc vẫn nguyên vẹn như mới lần đầu biết đến.
Donna Donna nguyên gốc là một ca khúc có tên gọi Dana Dana cho một vở nhạc kịch được sáng tác vào khoảng năm 1940-1941. Ngày nay, ca khúc được biết đến rộng rãi với nhiều phiên bản cùng mang tên Donna Donna bằng nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Nga... và cả tiếng Việt. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp.
Bản tiếng Anh có lẽ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc hơn bản tiếng Pháp, và cũng dễ tiếp cận hơn. Rất nhiều ca sĩ đã thể hiện Donna Donna, và hầu như mỗi người đều thành công trong nỗ lực đưa tình cảm của ca khúc đến với người nghe.
Donna Donna có một giai điệu rất đơn giản ở gam Sol thứ, bất cứ ai cũng có thể hát theo dễ dàng. Mở đầu bài hát tả một bức tranh ít nhiều tạo cho ta một cảm giác lạ:

On a wagon bound for market
There's a calf with a mournful eye
High above him there's a swallow
Winging swiftly through the sky

"Trên một chiếc xe đẩy hàng ra phiên chợ, có một chú bê bị trói mang đôi mắt thê lương. Cao rất cao phía trên chú có một con chim nhạn lướt nhanh qua bầu trời".
Một cảnh tượng đầy đối lập khiến ta thoáng buồn: chim nhạn trên cao còn bê ở dưới, chim nhạn bay được còn bê thì không, chim nhạn thật tự do trên bầu trời còn bê không có được tự do ấy. Điệu nhạc lúc trầm lúc bổng phải được kết hợp với giọng hát não nề thể hiện cảm giác buồn thảm. Và rồi đoạn điệp khúc cất cao như lời trách móc của chú bê tội nghiệp:
How the winds are laughing
They laugh with all their might
Laugh and laugh the whole day through
And half the summer's night
"Những cơn gió đang cười vui làm sao! Chúng cười với tất cả sức lực của mình, suốt cả ngày và đến tận nửa đêm mùa hạ".
Những cơn gió là những kẻ vô tâm, chúng tận hưởng sự phóng đãng của chính mình mà không để ý đến hoàn cảnh tù túng của kẻ đang mất đi tự do. Thế rồi những tiếng Donna nhẹ như than van cất lên: "Donna Donna Donna Donna... Donna Donna Donna Don..." dài tưởng như bất tận. Nhưng rồi tiếng than đó bị cắt ngang bởi giọng nói của người nông dân:
"Stop complaining", said the farmer
"Who told you a calf to be?
Why don't you have wings to fly away
Like the swallow so proud and free?"
"Thôi phàn nàn ngay! Ai bảo mi là một con bê chứ? Tại sao mi không có cánh để bay đi như chim nhạn thật tự do kiêu hãnh?"
Chú bê tội nghiệp mãi mãi không thể trả lời câu hỏi đó. Tại sao chú lại là một con bê chứ không phải là một con chim nhạn? Tại sao chú lại không thể bay? Tại sao chú phải gánh chịu số phận khổ đau trong khi kẻ khác tự do thật vui vẻ? Những câu hỏi đó ai có thể trả lời thay? Và trước khi kết thúc bài hát bằng một đoạn điệp khúc lặp lại, tác giả bài hát như muốn đưa ra kết luận:
Calves are easily bound and slaughtered
Never knowing the reason why
But whoever treasures freedom
Like the swallow has learned to fly
"Những con bê thật dễ dàng bị trói và giết, chúng không bao giờ biết được lý do tại sao. Nhưng bất cứ ai cũng đều trân trọng tự do như những chú nhạn kia học cách bay vậy".
Bài hát kết thúc như một câu chuyện ngụ ngôn, đồng thoại.
Đó gọi là số phận ư? Chú chim nhạn sinh ra để bay lượn tự do trên bầu trời cao rộng, những cơn gió tồn tại chỉ để thổi khắp nơi, nhưng chú bê sinh ra chỉ để bị đem ra chợ bán. Rốt cuộc sinh mạng dùng để làm gì khi mà sự tự do của bản thân còn không có được?
Những cơn gió, chú chim nhạn đã có sẵn tự do, làm sao hiểu được cảm giác tù túng của chú bê tội nghiệp? Chỉ có chú bê và người nông dân là hiểu được và trân trọng thực sự giá trị của sự tự do tự tại, đáng tiếc là bê con không bao giờ có được sự tự do vô cùng quý giá ấy.
Cảm giác tự do... thật sự rất tuyệt vời.
PS : Bạn đang nghe bài hát này do ca sĩ Julie Roger trình bày.
Source : VIetnamnet

Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

"Yesterday" - ngày hôm qua bất chợt trở về!


Ai chẳng có lúc tiếc thời gian đã trôi qua quá vội vàng, tiếc ngày hôm qua với quá nhiều việc chưa hoàn thành, tiếc những niềm vui chưa hưởng trọn, tiếc những nỗi buồn cứ đeo đuổi mãi thôi.


Mỗi khi đã nhắc tới The Beatles - bốn chàng trai huyền thoại của thành phố cảng Liverpool nước Anh, người yêu nhạc cũng sẽ nhớ ngay tới "Yesterday".
Dù bản nhạc đạt kỉ lục với việc được 2500 nghệ sĩ mọi thế hệ ghi âm nhưng chắc hẳn nhiều người cũng như tôi - vẫn muốn đắm mình trong "ngày hôm qua" với phong cách guitar đầy ngẫu hứng chẳng lẫn vào đâu được của Paul McCartney:

"Yesterday, all my troubles seemed so faraway.
Now it looks as though they"re here to stay.
Oh, I believe in yesterday."
Ngạn ngữ phương Tây có câu "Ngày hôm qua là lịch sử, còn ngày mai là một điều bí ẩn". Ngày hôm qua đã trôi xa không thể lấy lại, đó là nơi cất giữ những kỉ niệm của mỗi người với niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau... Tiếng Guitar bập bùng của Paul McCartney nhắc nhở cái nhìn khác hơn về những gì đã thành "quá vãng" ấy.
Những ngày tưởng đã qua vẫn hiện lên rõ nét, nỗi buồn tưởng đã tan biến hóa ra vẫn cứ như hiện hữu nơi này. Thế nhưng "I believe in yesterday" - cái gì đã trở thành quá khứ thì không có cách nào rũ bỏ, chỉ có mỉm cười vượt qua nó để bước tiếp.
"Suddenly, I"m not half the man I used to be,
There"s a shadow hanging over me,
Oh, yesterday came suddenly."
Dù lạc quan, mạnh mẽ đến đâu, có lẽ ai cũng sẽ gặp những giây phút chùng lại bất ngờ như Paul "I"m not half the man I used to be" - ai chẳng có lúc tiếc thời gian đã trôi qua quá vội vàng, tiếc ngày hôm qua với quá nhiều việc chưa hoàn thành, tiếc những niềm vui chưa hưởng trọn, tiếc những nỗi buồn cứ đeo đuổi mãi thôi. Bất chợt thấy như có đám mây u ám nặng nề bao phủ và thấy mình như mệt nhoài. Vì thế mà "ngày hôm qua" - hay chính là những vui buồn vẩn vơ như một người bạn cũ luôn sẵn sàng "ghé thăm" bất cứ khi nào.
 Nguồn: themayfly.com

Những ca từ và giai điệu của "Yesterday" cũng đến với Paul McCartney đầy bất ngờ như thế! Một ngày, anh thức dậy khi đầu óc vẫn còn vẩn vơ, miên man trong những giai điệu gặp trong giấc mơ đêm qua. Ngay lập tức, Paul đến bên cây đàn piano và cảm xúc cứ thế trào ra như chính lời ca trong bài hát: quá khứ vẫn đan xen, bất chợt đến, bất chợt đi trong tâm trí mỗi người "yesterday came suddenly"
"Why she had to go
I don’t know she wouldn’t say
I said something wrong
Now I long for yesterday"
Một buổi sáng, khi vừa thức dậy, bạn phát hiện ra là những gì đã có nay không còn nữa. Một chút tiếc nuối, một thoáng ngồi nghĩ vẩn vơ về điều đã qua, đó là lúc "Yesterday" không chỉ là một bài hát bạn đang nghe, mà chính là những gì bạn đang suy nghĩ và cảm nhận.
Mặc dù The Beatles và John Lennon vẫn thường được gắn liền với nhau, thế nhưng "Yesterday" với sự độc diễn của Paul McCartney mới chính là thành công lớn nhất và trở thành huyền thoại của cả ban nhạc!
"Yesterday" đã được nhiều tạp chí âm nhạc có uy tín bầu chọn là ca khúc hay nhất của mọi thời đại. Cho đến tận ngày hôm nay, bài hát ngắn gọn, giản dị ấy vẫn được biết bao người yêu thích, bởi nó những cảm xúc mà ai cũng đã trải nghiệm và thấu hiểu, nghe để dịu lòng hơn mỗi khi ngày hôm qua với những tiếc nuối hay day dứt bất chợt ùa về, để vững vàng hơn mà tự nói với mình "Oh, I believe in yesterday"


  • Thanh Tâm

Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Thân như điện ảnh..




Thiền sư Vạn Hạnh họ Nguyễn, sinh vào khoảng năm 932, người làng Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (hiện nay là làng Đại Đình, xã Tân Hồng, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh). Ngài xuất giá ở chùa Lục Tổ, là học trò của Thiền Ông. Ngài thuộc thế hệ thứ 7 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi của chùa Pháp Vân.

Thiền Sư Vạn Hạnh đã từng giúp vua Lê Đại Hành trị quốc, nhưng khi thấy vua Lê Long Đĩnh không còn là minh quân, thiền sư Vạn Hạnh đã cùng với Đào Cam Mộc sắp xếp việc triều chính và đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua hiệu Lý Thái Tổ năm 1009.
Vào ngày rằm, tháng 5, năm Ất sửu, Thuận Thiên 16 (1025), ở chùa Lục Tổ, trước lúc qua đời, thiền sư đã gọi học trò đến dặn dò trong bài Thị đệ tử sau:

Thị đệ tử

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Quốc sư Vạn Hạnh

(Nguyễn Vạn Hạnh ?-1018)


Việt dịch:

Dạy học trò

Thân như điện chớp, có thành không
Cỏ cây xuân thắm, thu héo tong
Suy thịnh vào tay, lòng không sợ
Thịnh suy như sương bám cỏ đồng

TĐH dịch

Thân như điện chớp có thành không.

Thời xưa người ta gọi ánh chớp trên trời là điện. Thân ta như điện chớp tức là có đó và biến mất ngay, có thành không. Tức là nói đến cái phù du tạm bợ của thân này.

“Có thành không” trong bản chữ Hán là “hữu hoàn vô”, tức là “có trở về không.” Trở về, như vậy có nghĩa là, trước là không, sau mới thành có, sau đó lại trở về không.

Tức là, “không” đây chẳng có nghĩa là “không có” theo nghĩa triệt tiêu, zero. “Không” đây là tên của bản tính nguyên thủy, bản tính đầu tiên, của tất cả mọi thứ trong vũ trụ. Vì vậy, ta nên viết hoa cho dễ hiểu–Không

Người ta hay dùng hình ảnh “nước và sóng” để diễn tả “Không và có”. Nước là bản tính nguyên thủy, sóng là hiện tượng bề mặt. Nước thì luôn ở đó, nhưng mỗi con sóng thì chỉ hiện ra vài mươi giây là biến mất. Sóng tan lại “trở về” nước. Thân ta tan biến, lại trở về Không.

Như vậy khi chết đi, cái thân như ánh chớp này lại trở về bản tính nguyên thủy của mình là “Không”. Chết chẳng phải là hết, mà là trở về bản tính nguyên thủy—Không.


Cỏ cây xuân thắm, thu héo tong
Có sinh thì có tử. “Thành, Trụ, Hoại, Không” là bốn thời kỳ sống của vạn vật—sinh ra, đứng vững, hư hại, tan biến.
Cây cỏ mùa xuân nẩy sinh mầm sống, hạ là thời sống mạnh, thu là vào giai đoạn héo úa, đông là chết.
Con người có sinh thì có tử, cũng là lẽ tự nhiên. Tử có nghĩa là thân này tan biến đi để trở về Không.
Vậy thì việc gì mà sợ chết? Việc gì mà các đệ tử phải sợ, phải buồn việc thầy chết?

Suy thịnh vào tay, lòng không sợ. Thịnh suy như sương bám cỏ đồng.
Khi xuống khi lên, khi thắng khi thua, khi thành khi bại, khi suy khi thịnh, cũng là lẽ tự nhiên. Cả một đời người cũng chỉ là một ánh chớp, thì bao nhiêu suy thịnh lên xuống trong đời đó còn nhỏ và nhanh hơn cả một ánh chớp. Mong manh phù du như giọt sương trên đầu cỏ, sẽ tan biến ngay dưới những ánh mặt trời đầu tiên. Có gì mà phải quan trọng hóa chúng? Có gì mà phải sợ?
Sống chết cũng chỉ là một tí lên xuống suy thịnh, như sóng lên sóng xuống, của vòng luân lưu “có hoàn Không, Không sinh có”, mà thôi. Có gì mà phải sợ?

Chúng ta cần ghi chú thêm ở đây rằng, “không sợ” là một đức hạnh rất quan trọng trong đường tu Phật. Người Giác Ngộ có tâm tĩnh lặng, không sợ, không có bất kỳ nỗi sợ nào gây sóng gió trong tâm.
Trong 6 đường tu của Bồ tát (lục độ ba-la-mật), đường đầu tiên là bố thí—bố thí tiền (tài thí), bố thí Phật pháp (pháp thí), và bố thí tính không-sợ (vô úy thí). Trong ba loại bố thí này, thì bố thí cao quí nhất là “vô úy thí”, tức là “bố thí tính không-sợ,” là mang cho người ta sự can đảm và đức bình tĩnh.
Tóm lại, bài thơ này, nhắn nhủ đệ tử trước khi chết, rằng sống chết là lẽ tự nhiên. Thân này cũng chỉ phù du như ánh chớp. Đang có và sẽ trở về Không. Cũng chỉ là thịnh suy của sóng lên sóng xuống, sóng sinh và sóng tan, trên mặt biển. Chẳng có gì phải lo sợ.

Binh thản đối diện cái chết.
Bình thản đối diện thịnh suy thắng bại ở đời.
Bình thản đối diện cuộc đời.

Không sợ.
Không sợ thắng bại, thịnh suy, được mất, sống chết.


Tâm tĩnh lặng.

Chúc các bạn một ngày vui,
(Trần Đình Hoành)

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Phụ nữ và đàn bà – females và women

Nguyễn Văn Tuấn


Hôm kia, viết entry "Phụ nữ Bắc kì thiếu vitamin D"  tôi được một độc giả nhắc nhở rằng tựa đề đó có thể gây hiểu lầm và phản cảm. Thật ra, tôi chỉ muốn nói cho vui (chứ chẳng có ý gì), nhưng cũng xin ghi nhận lời nhắc nhở đó. Có khi mình viết vui nhưng người khác thì không nhìn như thế. Trong tiếng Việt, hình như Bắc kì bị hiểu là hàm ý tiêu cực hay nhạo báng (?), còn Nam kì Trung kì thì chẳng thấy ai phàn nàn! Hôm nay, đọc bài “Tính chính trị của ngôn ng” của Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, một bài rất hay, nên cũng muốn có thêm vài lời về chữ male female, sex với gender trong tiếng Anh.

Hai chữ mà tôi muốn nhắc đến là đàn bà phụ nữ. Trong bài viết, có đoạn làm tôi giật mình, vì lần đầu mới biết đến:
“Để chỉ những người thuộc phái nữ, tiếng Việt có hai từ: ‘phụ nữ’ và ‘đàn bà’. Trong hai từ ấy, chữ ‘phụ nữ’ có âm hưởng lịch sự và trang trọng hơn hẳn chữ ‘đàn bà’. ‘Phụ nữ’ là từ có tính nghi thức (formal) để chỉ người hoặc những người mình kính trọng; “đàn bà” là từ bình dân, được dùng trong trường hợp hoặc thân mật hoặc khinh thường. Thế nhưng, “phụ nữ”, vốn là từ Hán Việt, trong gốc gác của nó, ở Trung Quốc, lại không sang và không nhã như trong tâm thức người Việt: Về từ nguyên, chữ ‘nữ’ được tượng trưng bằng hình ảnh một người đang quỳ với hai bàn tay chắp lại đầy cung kính (); chữ ‘phụ’, chỉ đàn bà, được tượng trưng bằng hình ảnh một người nữ với cây chổi (), nghĩa là kẻ mà số phận bị buộc chặt vào các công việc nội trợ, chỉ quanh quẩn trong nhà, hoặc tệ hơn, trong bếp.”

Hoá ra, chữ phụ nữ có một nguồn gốc không mấy hay ho như thế! Hồi nào đến giờ tôi vẫn dùng chữ này trong các bài báo khoa học, vì nghĩ đó là một cách nói trang trọng dành cho phái nữ. Trong khoa học mà viết “Vitamin D ở đàn bà Việt Nam” thì thật khó đọc quá.
Bài viết của anh đồng hương tôi, Nguyễn Hưng Quốc, còn trích dẫn một phát hiện rất thú vị của một học giả người Mĩ, nhận xét rằng:
“Giữa nam và nữ, hầu hết các ngôn ngữ đều thiên vị phái nam. Trong tiếng Anh, đàn ông (man) tượng trưng cho loài người nói chung (mankind / human); trong chữ Hán, có khoảng 250 từ có chứa đựng từ tố nữ, trong đó, ngoài những từ thuần miêu tả, còn lại hầu hết đều mang nghĩa tiêu cực, như một cách đồng nhất phụ nữ với cái xấu: chữ “gian” (gian đối) được tạo thành bởi hình ảnh ba người phụ nữ (); trong chữ “nộ” (giận dữ) cũng được tạo thành bởi hình ảnh trái tim của người phụ nữ (); trong chữ “đố” () (ganh ghét) và chữ “yêu” () (yêu sách, đòi hỏi) cũng có bộ nữ bên cạnh hoặc phía dưới, v.v.”

Lại thêm một phát hiện (đối với cá nhân tôi) rất đáng biết. Đọc đoạn này tôi chợt nhớ đến ca khúc nổi tiếng với tựa đề Đàn bà của nhạc sĩ Song Ngọc. Trong bài đó, có những lời ca có thể nói là … cay cú:
Ôi đàn bà là những niềm đau
hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao
Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu.
Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua
Hay đàn bà lạnh lùng hôm nay
Ôi đàn bà là vần thơ say
Khúc nhạc chua cay.

Không biết khi viết bài này, nhạc sĩ có tham khảo ý nghĩa chữ phụ nữ trong tiếng Hán? :-)
Quay lại chuyện nghiêm chỉnh trong văn phong khoa học. Trong tiếng Anh, những danh từ như male / female, gender / sex cũng có khi gây ra vài tranh cãi. Trong văn phong khoa học (tiếng Anh), male female được dùng rất nhiều và rất phổ biến. Chúng ta hay bắt gặp những cách viết như “Among female patients” hay “In males, the relationship was ….”. Nhưng gần đây, có người chất vấn cách dùng đó. Có lần trong một cuộc họp ban biên tập một tập san y khoa mà tôi là thành viên, có người đặt vấn đề là có nên dùng từ men / women thay cho males / females. Sau một hồi thảo luận, chúng tôi đồng ý là nên thay thế. Lí do là chữ male / female có thể hiểu là giống đực giống cái, chỉ thích hợp cho thí nghiệm trên động vật như chuột, thỏ, heo, v.v. chứ không thích hợp cho người. Để đề cập đến người, cần phải và nên dùng danh từ men women. Với tôi, đó là một bài học, và cũng là một kinh nghiệm.
Thế còn chữ gender sex thì sao? Trong hồ sơ bệnh lí (tiếng Anh), chúng ta hay dùng chữ sex để chỉ giới tính của bệnh nhân, và rất ít hồ sơ bệnh lí dùng chữ gender. Sex như chúng ta hiểu là giới tính. Sau này, ở Việt Nam, người ta có khi viết ngắn hơn: giới. Còn gender thì phần lớn từ điển dịch là giống. Tôi nghĩ cách dịch đó không hẳn là chuẩn nếu hiểu đúng theo nghĩa tiếng Anh. Nhiều chuyên gia xã hội học chỉ ra rằng:
  • Sex là một biến định danh mang tính sinh học. Chúng ta có thể viết sex chromosome, sex hormones, chứ không ai viết gender chromosome, hay hormones of gender cả.
  • Gender cũng là một biến định danh dùng để mô tả đặc điểm mà xã hội và nền văn hoá định danh là đực (masculine) hay cái (feminine).
Theo cách phân biệt này thì sex là cố định, xuất phát từ tự nhiên, còn gender thì mang tính văn hoá và có ý nghĩa xã hội hơn là ý nghĩa sinh lí. Hiểu theo cách này, gender là một social construct, còn sex là một biologic construct. Nếu một người khi sinh ra có sex là nam, nhưng sau này giải phẫu thành nữ thì mô tả như sau: sex là female, nhưng gender là male. Rắc rối!
Tôi nghĩ gender có thể dịch là giới tính, còn sex là giới. Một người là nam (sex = male) nhưng có hành vi giống nữ tính qua ăn mặc chẳng hạn có thể gọi là nữ tính (gender = female). 
Sẵn đây cũng xin đề cập đến một cách viết mà tôi hay thấy trong các bài báo y khoa bên nhà. Nhiều đồng nghiệp, có lẽ theo thói quen, hay viết như “Trong nữ, nguy cơ mắc bệnh là …”. Đây là cách viết theo Tây, như in women, the risk of disease was … Nhưng tôi nghĩ không nên dùng chữ trong nữ, mà nên dùng chữ ở nhóm nữ. Trong nữ thì có thể bị hiểu lầm, nhưng ở nhóm nữ thì chắc khó bị hiểu lầm.
Vậy xin lưu ý các bạn nào đang viết bài báo khoa học: nếu đối tượng nghiên cứu là người, nên dùng men / women thay cho males / females. Còn dùng gender hay sex cho "phải đạo" hơn thì tuỳ thuộc vào bối cảnh.
NVT

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Con Chó > Con Người ???
















.


















source : http://chutluulai.net/

Hotel California - Phá vỡ những rào cản



Dân guitar Việt Nam bất luận dòng nhạc nào khi mới vác đàn đến nhà thầy để tập cũng mong ước rằng mình sẽ chơi được "Hotel California". Ở Sài Gòn cách đây khoảng mười năm về trước, "Hotel California" dường như trở thành một cơn sốt, đi đâu cũng nghe thấy. Từ các quán cà phê nhạc, các tiệm băng đĩa cho tới các quán karaoke. Đấy là sau khi thiên hạ nghe và mê mẩn phiên bản acoustic của Eagles trong album live "Hell Freeze Over".Mê là thế nhưng khi hỏi đến nội dung của bài này thì mọi người dường như ngậm tăm, ngay cả những anh to mồm nhất thường gào toáng lên "Welcome to the Hotel California!" Mà cũng không thể trách được dân yêu nhạc của ta khi không giải thích được nội dung của Hotel California, ngay cả dân Mỹ cũng chật vật khi tìm lời giải đáp cho bài toán khó này. Có hàng tá giả thuyết về bài hit này của nhóm Eagles mà mỗi giả thuyết đều có lí riêng của nó. Hãy cùng phân tích một số giả thuyết được xem là phổ biến nhất.

Trước hết, hãy nói một chút về album "Hotel California", album này ra đời khi nhóm Eagles đang ở đỉnh cao của sự thành công với đội hình tốt nhất. Đây là thời điểm mà theo Don Henley, Eagles cảm thấy chán ngán vì sự thừa mứa về mặt vật chất lẫn danh vọng. Vì vậy, nhóm muốn làm một album thật sự có ý nghĩa. "Hotel California" được định hình theo kiểu một concept album với những ý tưởng liên kết với nhau qua các ca khúc về những điểm đặc trưng trong cuộc sống của một người nổi tiếng ở Mỹ như danh vọng, những mối quan hệ nguy hiểm, những tình cảm qua đường và đầy toan tính, ma tuý, sự cô đơn và mất mát và chế giễu thuyết toàn cầu của Mỹ. Là những siêu sao, các thành viên Eagles nếm đủ vị ngọt lẫn vị đắng của những vinh quang. Dường như danh vọng không đi liền với những tình cảm chân thật. Càng ở trên đỉnh cao của sự nổi tiếng, họ càng cảm thấy mình mất đi nhiều những người bạn tốt, những người yêu họ thật lòng. Tâm điểm của cả album là ca khúc cùng tên "Hotel California", một ca khúc với phần intro và outro guitar song tấu thật tuyệt vời. Theo nhóm Eagles, "Hotel California" là hình ảnh ẩn dụ về những thứ hào nhoáng và lí tưởng nhất của nước Mỹ: Hollywood, lối sống xa hoa kiểu ngôi sao, vùng đất màu mỡ California...Nhóm ví mình như người lữ hành lái xe đi trên sa mạc bổng dưng tìm được nơi trú chân lí tưởng sau một chuyến đi dài mệt mỏi. Nhưng khi đã đặt chân vào chốn lí tưởng đấy, người lữ hành mới biết là đây là nơi nguy hiểm vì cả đời anh sẽ bị trói buộc vào nó không bao giờ thoát ra được. "You can check out anytime you like, but you can never leave." Sau khi phát hành "Hotel California" được đánh giá cao hơn cả album "Desperado" trước đó của nhóm. Năm 1977, Eagles nhận hai giải Grammys cho album của năm và giải phối âm của năm (bài New Kids in Town). Mặc dù để vuột mất giả ca khúc của năm nhưng ca khúc "Hotel California" nhanh chóng giành được vị trí trong tim người hâm mộ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bài hát cũng gây ra nhiều tranh cãi trong đó có scandal về sự dính líu đến việc thờ phụng quỉ Satan.


[Vietsub + Kara by KSTE] Hotel California - Eagles


Một trong những giả thuyết nổi tiếng nhất về "Hotel California" là sự ám chỉ về ma tuý. Ở đoạn đầu, tác giả nhắc đến "warm smell of colitas rising up to the air". Colitas là nụ hoa của cây cannabis, thành phần chính của chất kích thích marijuana mà tên hoá học là tetra-hydro-cannabinol (THC). Nhiều người cho rằng tựa chính thức của bài hát là "The Hotel California" (THC) nhưng nhóm đã bỏ bớt chữ "The" để tránh sự suy diễn theo kiểu "Lucy in the Sky with Diamonds" của Beatles trước đây. Nhóm Eagles không phủ nhận về việc có đề cập đến ma tuý trong ca khúc này vì đó cũng là một phần của mặt trái sự nổi tiếng, tuy nhiên, các thành viên của nhóm phản đối việc cho rằng nội dung của toàn ca khúc chỉ nói về một cơn say ma tuý.

Một giả thuyết khác cũng khá nổi tiếng về "Hotel California" là giả thuyết về một nhà thương điên có biệt danh là "Hotel California". Đó là bệnh viện tâm thần Camarillo State Hospital ở Los Angeles được xây dựng từ những năm 1930. Bệnh viện này là nơi chữa trị cho các bệnh nhân thuộc dạng nặng và nhiều người trong số họ đã ở lại bệnh viện đến cuối đời. Những gì mà nhóm Eagles miêu tả trong bài hát của họ có nhiều nét khiến người ta liên tưởng đến những ảo giác của người điên trong bệnh viện tâm thần và sự thật là họ "can never leave" bệnh viện này. Một lần nữa Eagles lại lên tiếng phủ nhận những tin đồn liên quan đến bv Camarillo. Nhóm cho rằng mình không biết rằng bệnh viện Camarillo có biệt danh là "Hotel California" và cái tên của nhóm chọn cho bài hát chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Tuy nhiên, nổi tiếng nhất trong các giả thuyết về khách sạn huyền bí này chính là giả thuyết liên quan đến việc theo đạo Satan của các thành viên Eagles. Tại Los Angeles có một nhà thờ cơ Đốc giáo bỏ hoang và từ năm 1969, nó trở thành nơi diễn ra những buổi hành lễ của các giáo phái thờ quỉ Satan. Điều này được nhiều người cho rằng nhóm Eagles đã nhắc đến trong đoạn "we haven''''''''t had that spirit here since 1969". Trong bài hát, "spirit" có nghĩa là rượu mạnh. Người khách yêu cầu bartender mang cho mình loại rượu ưa thích nhưng người phục vụ trả lời rằng mình đã không còn bán loại rượu đó từ năm 1969. Nhưng đối với nhiều người giàu trí tưởng tượng, "Spirit" ở đây ám chỉ "Holy spirit" tức chúa trời và "wine" là biểu tượng của máu của Jesus. Vì thế họ cho rằng từ năm 1969, Chúa đã không còn ngự trong nhà thờ đó mà thay vào đó là quỉ Satan. Một đoạn lời trong ca khúc này được xem là liên quan đến việc tôn thờ Satan là đoạn " they stabbed it with the steely knives but they just can''''''''t kill the Beast". The Beast là biệt danh của Alistair Crowley, người được xem là giáo chủ của tà giáo ở Anh (Jimmy Page và Ozzy Osbourne rất khoái lão Crowley này). Nhiều người còn cho rằng hình người đứng bên cửa sổ trên bìa đĩa Hotel California là Anton LaVey, giáo chủ Satan ở Mỹ, người mà ít nhất hai thành viên của Eagles là Don Henley và Glenn Frey có quen biết và địa điểm chụp ảnh chính là dinh thự của Anton LaVey. Thực ra địa điểm chụp hình bìa đĩa là khách sạn Beverly Hills ở Hollywood và cái bóng người được cho là Anton LaVey là một phụ nữ được thuê làm mẫu.

Cũng như nhiều ca khúc huyền thoại khác của nhạc rock, "Hotel California" hấp dẫn người nghe bằng chính vẻ đẹp nghệ thuật vốn có của nó và cả bằng những truyền thuyết bí ẩn xung quanh nó. Có lẽ một ca khúc hay là một ca khúc chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa khác nhau mà mỗi người đều có thể hiểu theo cách suy luận của mình.
--------------------------------------------------------------------------------

-  Có một khách sạn ở Mexico được đặt tên là Hotel California dựa theo bài hát của Eagles.

-  Cấu trúc vòng hợp âm của "Hotel California" được xem là copy lại của ca khúc năm 1969 của Jethro Tull mang tên "We Used to Know". Hai nhóm Eagles và Tulls cùng đi tour với nhau trước khi phát hành " Hotel California" nên giả thuyết Eagles "mượn" vòng hợp âm của Jethro Tull cho bài hát của mình càng có cơ sở. Tuy nhiên cả hai ban nhạc đều từ chối bình luận về sự giống nhau này.

-  Phần guitar solo của "Hotel California" được chơi bởi Don Felder và Joe Walsh và giọng ca chính là tay trống Don Henley.

-  "Hotel California" được tạp chí Rolling Stones xếp hạng 49 trong tổng số 500 ca khúc định hình Rock and Roll.

-  Có nhiều bản cover "HC" trong đó có phiên bản theo điệu flamenco của nhóm Gypsy Kings, phiên bản reggae của Bob Marley và phiên bản phong cách Latin của chính Don Henley với dàn kèn đồng chơi lại phần guitar solo năm 2001.

-  Một huyền thoại nữa về bìa album "Hotel California" là bóng người bên cửa sổ là một bóng ma. Khi những người thiết kế bìa đĩa chụp hình thì bóng người không có ở đấy, nhưng đến khi rửa hình ra thì bóng người mới xuất hiện. Người ta tin rằng đó là hồn ma của một người đã chết trong khách sạn tại căn phòng đó

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Em hiền như Ma soeur …


Bài hát “Em hiền như Ma soeur” là một bài hát rất quen thuộc gắn với tuổi hoa niên của những người cùng trang lứa với tôi, từ lâu lắm. Lời ca và giai điệu phảng phất nét tôn giáo khiến tôi đinh ninh rằng đây là một bài hát nước ngoài được Việt hóa, như nhiều bài hát khác tôi từng biết. Cho đến gần đây,  tôi mới biết thì ra đây là một bài hát Việt, bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã quá nổi tiếng, ai cũng biêt. Còn nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên thì chắc không phải ai cũng biết.
Nguyễn Tất Nhiên, tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa và mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tạo California.
Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ “Nàng thơ trong mắt” năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.

Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có một tình cảm nhẹ nhàng với cô nhưng không thành công, vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô cũng là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ như Khúc tình buồn, hay các bài Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Linh mục, Em hiền như ma sơ…
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc ông còn rất trẻ. Đầu óc ông được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Tương truyền, có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời.
Dường như mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ của ông.
Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy: “hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên…”
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công: thơ ông in ronéo tặng không cho các nữ sinh đều bị quăng vào thùng rác, còn những tập thơ gửi bán trong các tiệm sách đầu chợ Biên Hòa thì để lâu đến nỗi giấy đổi màu vàng vẫn chưa bán được.
Cho đến khi thơ ông được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo của Mai Thảo, rồi sau đó nhờ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang nhìn thấy mà phổ nhạc thì ông mới bắt đầu nổi tiếng.
Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ bị Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung Tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn. Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước vài năm, sau đó sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam.
Sau ông lấy vợ có tên là Minh Thủy, có 2 đứa con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.
Đây là bài thơ của ông, sau này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
Masoeur
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa ?
Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai
Xa nhau mà không hay
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng !
Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur
Có dịu dàng ánh mắt
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
Cuộc đời tên vô đạo
Vết thương hành liệt tim!
Ðưa em về dưới mưa
Xe lăn đều lên dốc
Chở tình nhau mệt nhọc!
Ðưa em về dưới mưa
Áo dài sầu hai vạt
Khi chấm bùn lưa thưa
Ðưa em về dưới mưa
Hỡi em còn nít nhỏ
Chuyện tình nào không xưa ?
Vai em tròn dưới mưa
Ướt bao nhiêu cũng vừa
Cũng chưa hơn tình rụng
Thấm linh hồn ma soeur
(1971)

Và đây là lời bài hát “Em hiền như Masoeur” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha..
Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng..
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa…
Em hiền như ma-soeur, vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta bệnh hoạn, ma-soeur này ma-soeur
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo, ma-soeur này em ma-soeur
Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?
Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn ma-soeur…


Cũng không hiểu tại sao khi biết lời bài hát này được viết bởi nhà thơ Biên hòa, mặc dù có người bạn ở Biên hòa cho biết con dốc già mà bài thơ nhắc đến thường được gọi là dốc Ngô Quyền (vì chạy qua cổng trường Ngô Quyền xưa), nằm ở trung tâm thành phố Biên hòa, nhưng tôi vẫn nghĩ cái dốc ấy là con dốc ở tận cửa ngõ từ phía bắc vào thành phố Biên hòa. Một con dốc thoải, dài suốt mấy cây số, chạy qua Tân biên, Hố nai xuống đến tận Trảng dài, hai bên có rất nhiều nhà thờ. Và trong những chiều mưa, mỗi khi đi qua con dốc này, giữa chen chúc huyên náo người xe, tôi vẫn thấy dường như ở đâu đó hình bóng nhà thơ Biên hòa đang gò lưng đạp xe, phía sau là tà áo dài ướt mưa, lướt thướt chấm bùn của cô Bắc kỳ nho nhỏ …
Tháng 4/2011
Nguồn : http://cuadong2010.wordpress.com