Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Đờn ca tài tử khác biệt với cải lương như thế nào ?

....Đờn ca tài tử khác biệt với cải lương như thế nào? Đờn ca tài tử có phải là “quê mùa” như người ta thường nghĩ? Đờn ca tài tử có “dễ chơi” không ? Xin lướt qua đôi chút về những vấn đề này để hiểu thêm và trân trọng hơn nữa “cái nghề” mà danh ca Bạch Huệ đã gắn bó suốt 70 năm.
            Tản mạn từ các tài liệu ghi chép cho liên quan, có thể khái quát về tài tử và cải lương như sau : Người dân đồng bằng Nam Bộ từ bao lâu nay có một thú vui rất văn học, đó là hò đối đáp: Hò trên đồng ruộng khi gieo mạ hay cắt lúa, hò trên sông khi chèo thuyền, hò đêm trăng trong dịp lễ cúng đình …
             Từ đó mà bao câu hò điệu lý đã ra đời. Đương nhiên, cái hò không phải là do bà con Nam Bộ sáng tạo ra, mà là do ông cha ta đã du nhập vào Nam trong quá trình “Nam tiến”. Thế nhưng, những câu hò điệu lý của bà con Nam Bộ có cái rất riêng, và phải là giọng “rặc” miền Nam thì hò nghe mới hay.
              Đến cuối thế kỷ XIX, Nhã Nhạc Cung Đình Huế bắt đầu tiến xuống phương Nam và đương nhiên là được văn hóa Nam Bộ dung hợp như bản chất vốn có của nền văn hóa này. Sự hội ngộ giữa hai nền âm nhạc đã cho ra đời cái gọi là “Đờn ca tài tử”. Bà con nông dân Nam Bộ khi rảnh rỗi, hay nhân dịp trăng rằm, hẹn nhau tập trung lại một nhà, ngồi ngoài sân, cùng “ăn nhậu”, cùng ca hát. “Ăn nhậu” ở đây không mang nghĩa “rượu chè be bét”, mà là: mượn men rượu làm thắm men tình, làm nồng câu ca tiếng hát.
               Dần dần, người ta ngồi ca hoài cũng chán, trong khi có những bài ca mới khá dài, có
chứa đựng những hành động hay những lời đối đáp. Thế là, người ca tài tử mới bắt đầu đứng dậy “ca” với những “cử chỉ” tay, mắt, mặt…để bổ trợ cho lời ca. Đương nhiên, những cử chỉ điệu bộ này hết sức “thô sơ”, thể hiện đúng như “rập khuôn” cái tình cảm mà bài ca muốn nói. Tức đúng với bản chất chân quê của người nông dân: nghĩ sao nói vậy. Đó là cách ca mà các nhà nghiên cứu sau này gọi là “Ca ra bộ”.

               Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, người Việt Nam đã biết đến kịch nghệ của Pháp. Kịch cổ điển của Pháp được biểu diễn trên sân khấu, mỗi vở diễn thường được chia ra thành 5 màn, xoay quanh một cốt truyện nào đó. Loại hình này cũng đã ảnh hưởng đến những người ca tài tử Nam Bộ.
              Bởi có người nghĩ : Tại sao chỉ viết những bài ca vắn mà không viết thành hẳn một tuồng cùng một cốt truyện nhưng có nhiều tình tiết và đưa lên sân khấu biểu diễn. Trong ý tưởng đó, “Cải lương” đã ra đời.
   
          Như vậy, Cải lương nói một cách nôm na là Ca ra bộ được đưa lên trình diễn trên sân khấu. Thế nhưng, đã lên sân khấu hát nguyên tuồng thì phải “diễn xuất”. Tức là, người nghệ sĩ trên sân khấu lấy lời “ca” để bổ trợ cho động tác “diễn”. Người ta đến “xem” nghệ sĩ biểu diễn, còn người nghệ sĩ thì “hát” cho người ta “xem”. Bởi vậy mà, thường nghe ông bà ta nói là “hát cải lương”, nhưng lại là “Ca tài tử”. Bởi vì, trong Đờn ca tài tử, thì động tác “ca” là chính mà “ra bộ-diễn” là phụ.
             Và khi một nghệ sĩ cải lương và một người ca tài tử thể hiện cùng một bài ca, thì qua động tác thể hiện, người ta có thể phân biệt được đâu là dân cải lương mà đâu là dân tài tử: động tác của tài tử thì “thô sơ”, có sao làm vậy, còn động tác của nghệ sỹ cải lương thì có ít nhiều ước lệ trong đó, nên nó được thể hiện đúng mức và đẹp mắt, mang tính chuyên nghiệp.
              Vì cái trọng tâm là biểu diễn, cho nên người nghệ sĩ cải lương không phải bận tâm học đầy đủ bài bản tổ, mà thường chỉ học ca cái gì cần thiết cho vai tuồng mà thôi. Ví dụ như bản Phụng Hoàng 12 câu, trong vai tuồng soạn giả chỉ viết có 4 câu, thì người nghệ sĩ đóng vai tuồng đó chỉ tập trung học ca bốn câu đó mà thôi.
            Phụng Hoàng là bài bản khá quen thuộc nằm trong 20 bài bản tổ, nên dĩ nhiên nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp đều biết ca hết 12 câu, thế nhưng không phải ai cũng làu thông 20 bài bản tổ. “Làu thông” ở đây tức là hiểu rõ nhịp nhàng và ca đúng nhịp từ đầu đến cuối tất cả 20 mươi bài bản tổ.
             Chưa hết, mỗi bài bản đều thể hiện một tâm trạng cụ thể. Có bài bản thể hiện sự bi ai tột cùng, có bài bản thể hiện sự đau khổ vừa phải, có bài bản thể hiện sự bi hùng, có bài bản thể hiện sự tươi vui rộn rã…Trong từng bài bản, người ca phải làm sao sử dụng giọng ca thể hiện được tâm trạng cần thiết (đúng “cái thần” của bài bản) và đương nhiên cũng phải đúng nhịp nhàng.
             Đây là một yêu cầu rất khó mà nếu không phải nghệ sỹ cải lương bậc thầy thì khó lòng đạt đến được. Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ cải lương được gọi là chuyên nghiệp, nhất là trong giai đoạn ngày nay, chỉ đạt được một điều là ca đúng nhịp thôi chứ chưa đạt đến mức thể hiện được “cái thần” của bài bản. Trong khi đó, như đã nói, dân ca tài tử “đúng điệu” là phải đặt trọng tâm cho việc “ca”, vì thế họ tập trung thể hiện được “cái thần” của bản ca.
            Như vậy, dù sinh ra và trưởng thành từ nơi thôn dã, nhưng Đờn ca tài tử thật sự là một nghệ thuật mang tính hàn lâm. Tức là, không phải khi ca tài tử là muốn ca thế nào thì ca, mà rất có khuôn phép, bài bản. Người ca phải ca làm sao cho đúng nhịp, đúng dây đờn. Hơn thế nữa, người ca phải hiểu được nét tinh túy của các bài bản tài tử, đó là: mỗi bài bản tài tử đều có ý thể hiện một tâm trạng cụ thể, đó là “cái thần” của Đờn ca tài tử.
              Người ca tài tử được xem là “đúng điệu” không chỉ biết ca đúng nhịp, mà còn phải biết sử dụng giọng ca để thể hiện đúng tâm trạng, đúng “cái thần” mà bài bản đòi hỏi. Nói cách khác là thể hiện tất cả những cung bậc tình cảm bằng giọng hát. Một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp chưa chắc gì có nhịp nhàng và cách ca “chuẩn” như dân ca tài tử “đúng điệu”. Trên có sở đó, có thể nói rằng, người ca tài tử là những nghệ sĩ nhà nghề “chuyên trị” về “ca”. Đương nhiên, ở đây chỉ nói đến những dân ca tài tử “đúng điệu”, tức là những bậc thầy trong Đờn ca tài tử, chứ không nói đến Đờn ca tài tử đại trà trong quần chúng.
             
Có người cho rằng, chữ “tài tử” trong Đờn ca tài tử có nghĩa là “dân chơi không chuyên nghiệp”. Thế nhưng, qua những điều phân tích bên trên, ta thấy không thể hiểu như vậy. Còn nhớ cụ Trần Văn Khê thường nói, chữ “tài tử” phải mang ý nghĩa của câu “Dặp dìu tài tử giai nhân” như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.
            Người ca tài tử là những bậc tài hoa, yêu thích môn nghệ thuật đờn ca Nam Bộ này, nhưng không phải lấy đó làm nghề để sinh nhai, mà lấy đó là một đam mê, một thú tiêu khiển không thể thiếu và sẵn sàng sống hết mình với thú tiêu khiển đó. Tức là, người ca tài tử lấy sự ca để nuôi dưỡng tinh thần và cũng biết “chết sống” với nó.
             Có lẽ đó cũng là lý do mà tại sao danh ca Ngọc Bảo bên tân nhạc suốt đời ông chỉ thích xưng là “Tài tử Ngọc Bảo” chứ không phải là “Ca sĩ Ngọc Bảo” trong khi giọng ca Ngọc Bảo thuộc đẳng cấp bậc thầy trong dòng nhạc của ông.
            Người ca tài tử “đúng điệu” không lấy tài tử làm kế sinh nhai còn có trình độ ca như vậy, thì huống gì là người lấy ca tài tử làm nghề, tức là ca tài tử chuyên nghiệp như Danh ca Bạch Huệ, thì trình độ ca còn “chuẩn” đến dường nào.

Nguồn : www.viet.rfi.fr 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét