Bìa bản nhạc Ly rượu mừng |
Sau hơn 40 năm, bài Ly rượu mừng của Hoài Bắc
(Phạm Đình Chương) đã được phép hát trở lại vào đầu năm 2016.
Bài hát được xem là kinh điển dành cho những ngày xuân về, tết đến
tại miền Nam trước 1975 giờ đây tiếp tục vang lên như một thông điệp, một lời
chúc tết tốt đẹp nhất theo truyền thống dân tộc, tới mọi thành phần, lứa tuổi
trong xã hội.
Ban hợp ca thăng long
là tên một quán phở
Ly rượu mừng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác và ban hợp ca Thăng Long
trình diễn vào năm 1952. Nhiều người tưởng rằng ban hợp ca Thăng Long thành lập
tại Hà Nội. Nhưng thực ra ban Thăng Long được thành lập năm 1951 tại Sài Gòn
sau khi tất cả gia đình họ Phạm vào định cư tại đây. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương,
linh hồn của ban Thăng Long, từng cho biết ông chọn lại hai chữ “Thăng Long”
theo tên quán phở của gia đình mở tại Chợ Ðại, vùng Việt Bắc, nơi lưu lại dấu
chân của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức trong vùng kháng chiến vào khoảng năm
1949.
Thoạt đầu ban hợp ca Thăng Long gồm Hoài Trung (Phạm Đình Viêm),
Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy) và Thái Thanh. Sau
này có thêm giọng ca Khánh Ngọc (vợ Phạm Đình Chương). Theo nhạc sĩ Phạm Duy
thì khi hát ca khúc này tại Đài Pháp - Á, ban Thăng Long đã thành công ngay.
“So với các ca sĩ hay các ban nhạc khác, lối hát nhiều bè của chúng tôi có vẻ
hấp dẫn hơn. Chúng tôi còn có một nhạc mục phong phú hơn những người cùng nghề.
Dân chúng vẫn có cảm tình với kháng chiến nên chúng tôi càng được hoan nghênh
khi hát những bài đó”, nhạc sĩ Phạm Đình Chương trả lời báo giới thời đó.
Ban nhạc Thăng Long với Hoài Bắc-Thái Thanh- Thái Trung - Thái Hằng |
Với thành công từ Đài Pháp - Á, ban Thăng Long được các hãng đĩa
trả tiền thù lao rất cao để thu thanh giọng hát. Một bài viết của nhà thơ Du Tử
Lê có ghi lại: “Theo cố nghệ sĩ Trần Văn Trạch, một “quái kiệt” của miền Nam,
người từng có thời gian đi hát chung với ban hợp ca Thăng Long từ nam ra bắc
thì khi ra đời tại Sài Gòn, ban này như một cơn lốc lớn rung chuyển tận gốc
nhiều sân khấu miền Nam. Mỗi khi ban Thăng Long xuất hiện là một “cơn nóng sốt”
đối với bà con khán giả miền Nam. Cách trình diễn, bài vở họ chọn, ngôn ngữ họ
dùng... như một điều gì vừa gợi óc tò mò, vừa mới mẻ, quyến rũ, lại vừa thân
thiết như một vật quý đã mất từ lâu, nay tìm lại được...”.
Bài hát chúc tết
Trước khi Ly rượu mừng xuất hiện trên làn sóng điện vào dịp tết đầu những năm 1950 thì
lúc đó chưa hề có một bản nhạc nào viết về xuân xuất hiện. Và nếu nghe kỹ lời
nhạc thì bài Ly rượu mừng chính là một lời chúc tết. Trong cả bài hát chỉ có một chữ xuân mở
đầu như là dịp để bài hát chúc tết bằng ly rượu: “Ngày xuân nâng chén ta chúc
nơi nơi”. Người nghe có cảm giác thích thú vì mình được ban Thăng Long chúc tết
bằng âm nhạc. Sáng mùng 1, mở radio, sau này là đĩa nhựa hay băng Akai người ta
có cảm tưởng thần tài đã đến trước cửa một cách tưng bừng, rộn rã của nhịp
valse cung Fa trưởng tươi sáng. Lời bài hát bình dị, phù hợp với mọi người, dễ
lọt lỗ tai và cũng hết sức dễ hát. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để người
nghe nhớ đến bài hát.
Người được Phạm Đình Chương chúc tết là những ai? Trước hết là bác
nông dân: “Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi”. Tôi không hiểu sao Phạm Đình
Chương là một nghệ sĩ nhà nòi nhưng lúc nào ông cũng có những cái nhìn hết sức
trân trọng về những người cần lao như trong bài Tiếng dân chài, Hội Trùng Dương
và đến người nông dân trong bài ca chúc tết. Nếu chúng ta có dịp nghe lại những
bài hát xuân khác xuất hiện sau này thì hiếm có bài nào nhắc đến hai chữ “nông
dân” và “công nhân” hết sức ngọt, không hề gượng gạo: Người công nhân ấm
no/Thoát ly đời gian lao nghèo khó. Phạm Đình Chương đã khiến người nghe là
giới cần lao sung sướng là mình đã được nhạc sĩ tài danh chúc cho “thoát đời
gian lao nghèo khó”. Đó chính là ước mơ đầu xuân của những người có thu nhập
kém trong xã hội.
Năm 1952, đất nước vẫn còn chìm trong khói lửa. Những người con
lên đường bảo vệ quê hương, nhạc sĩ đã mong mỏi: Kìa nơi xa xa có bà mẹ già/Từ
lâu mong con mắt vương lệ nhòa/Chúc bà một sớm quê hương/Bước con về hòa nỗi
yêu thương. Và sau cùng, như ước vọng của mọi người, Phạm Đình Chương cũng tự
chúc cho mình và gia đình được sống trong cảnh đất nước thanh bình: Bạn hỡi,
vang lên/Lời ước thiêng liêng/Chúc non sông hòa bình, hòa bình.
Phạm Đình Chương |
Lời ca hay đầy hy vọng và phấn khởi của một bài hát chúc xuân lại
được thể hiện qua 5 giọng ca quý của một ban hợp ca gia đình thuộc loại siêu
đẳng Thăng Long là Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Trung, Hoài Bắc và Khánh Ngọc.
Một ký giả thời đó đã nhận xét: “Ba giọng nữ Thái Thanh, Thái Hằng và Khánh
Ngọc quyện nhau như một. Giọng cao nam của Hoài Trung vững vàng dũng mãnh hòa
với giọng Hoài Bắc giữ bè ba rất điêu luyện”.
Thường khi kết thúc một cái tết, hoặc một buổi gặp mặt người ta
thường được nghe bài Auld Lang Syne, được Pháp hóa thành Ce n’est qu’un au
revoir mà con nít tụi tôi thường hát: “Ò e, cây me đánh đu, tạc dăng nhảy dù,
rô be bắn súng...”. Nhưng người Sài Gòn xưa thích nghe bài Ly rượu mừng vì đây là bài hát chúc tết cho mọi người được
sống an vui trong một đất nước thanh bình, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười. Giới
mộ điệu nghệ thuật đều cho rằng đây là bài đệ nhất xuân ca của VN thời đó.
Phạm Đình Chương sinh
ngày 14.11.1929 tại Bạch Mai, Hà Nội, là con dòng hai của ông Phạm Đình Phụng.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có 3 người con: trưởng nữ là Phạm Thị
Quang Thái, tức ca sĩ Thái Hằng, vợ nhạc sĩ Phạm Duy. Con trai thứ là nhạc sĩ
Phạm Đình Chương và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh, tức ca sĩ Thái Thanh.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Phạm Đình Chương cùng các anh em
Phạm Đình Viêm (con của người vợ đầu ông Phụng), Phạm Thị Quang Thái, Phạm Thị
Băng Thanh gia nhập Ban văn nghệ Quân đội ở Liên khu 4.
Bài hát đầu tay ông sáng
tác năm 18 tuổi là Ra đi khi trời vừa sáng. Ông lập gia đình với ca sĩ Khánh
Ngọc năm 1953. Những bản nhạc mà khi nhắc đến tên người ta đều nghĩ ngay đến
ban Thăng Long là Tiếng dân chài, Hội Trùng Dương, Ly rượu mừng... Nhạc sĩ Phạm Đình Chương mất năm 1991 tại Mỹ.
(Nguồn : Báo Thanh niên)
Tiết lộ vì sao ca khúc "Ly rượu mừng" bị cấm hát 40 năm.
Chỉ vì chữ "đời lính"
....Ca khúc được chọn kết thúc chương trình giai điệu tự hào tối
31.12.2016 đã khiến nhiều thành viên hội đồng bình luận xúc động. “Ly rượu mừng là ly rượu quá xứng đáng để tiễn một năm cũ đi”,
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói.
Một trong những lý do để ly rượu đó gây xúc động đến thế chính là
nó đã từng bị cấm hát trong suốt 40 năm. Trong khi, trước lệnh cấm, theo nhà
báo Nguyên Minh, đó là bài hát cực kỳ phổ biến ở miền Nam. Ca khúc phổ biến đến
mức, cứ có xuân là phải có Ly rượu mừng. “Bài hát có những câu như bài vè. Nó nhắc và quy tụ hầu hết tầng
lớp dân cư. Có anh nông phu lúa thơm hơi, người thương gia lợi tích, người công
nhân ấm no, người binh sĩ lên đàng”, nhà báo chuyên mảng âm nhạc này nói.
Cũng theo nhà báo Nguyên Minh, chính việc nhắc tới người lính, tới
từ “đời lính”, “binh sĩ” mà bài hát này đã không được hát suốt 40 năm. “Chính
yếu tố người lính làm bài hát không được hát trở lại. Người lính là người lính
nào?”, ông chia sẻ.
Ông Nguyên Minh cũng cho biết, sau này khi Phương Nam phim muốn
ghi bài hát này, họ đã phải cùng gia đình tìm lại tất cả các tư liệu cũ liên
quan đến bài ca. Rất may, trong những tư liệu đã quá cũ, gia đình tìm và thấy
bản ghi chép, tư liệu cũ của ca khúc này. Qua đó, có thể xác định bài hát được
sáng tác khoảng thời gian 1951-1953. Tư liệu cũng cho thấy đó là bài hát mà ông Phạm Đình Chương viết về người lính chống Pháp. Trên cơ sở đó,
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho bài hát được hát hồi đầu năm 2016. “Đó
là bài hát về người lính chống Pháp. Bài hát cuối cùng đã được giải oan”, ông
Minh nói.
....