Em hiền như Ma soeur …
Bài hát “Em hiền như Ma soeur” là một bài hát rất quen thuộc gắn với tuổi hoa niên của những người cùng trang lứa với tôi, từ lâu lắm. Lời ca và giai điệu phảng phất nét tôn giáo khiến tôi đinh ninh rằng đây là một bài hát nước ngoài được Việt hóa, như nhiều bài hát khác tôi từng biết. Cho đến gần đây, tôi mới biết thì ra đây là một bài hát Việt, bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã quá nổi tiếng, ai cũng biêt. Còn nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên thì chắc không phải ai cũng biết.
Nguyễn Tất Nhiên, tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh ngày 30 tháng 5 năm 1952 tại quận Đức Tu, tỉnh Biên Hòa và mất ngày 3 tháng 8 năm 1992 tạo California.
Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, Nguyễn Tất Nhiên đã làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Lúc đó Nguyễn Tất Nhiên thành lập thi văn đoàn với bạn học là Đinh Thiên Phương, tên thật là Đinh Thiên Thọ. Cả hai thi sĩ học trò này cùng chung nhau xuất bản tập thơ “Nàng thơ trong mắt” năm 1966, khi đó Nguyễn Tất Nhiên được 14 tuổi. Trong tập thơ này Nguyễn Tất Nhiên lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thi.
Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có một tình cảm nhẹ nhàng với cô nhưng không thành công, vì hoàn cảnh gia đình và cả tính nghệ sĩ của Tất Nhiên. Dù vậy, cô cũng là cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác khá nhiều bài thơ như Khúc tình buồn, hay các bài Cô Bắc Kỳ nho nhỏ, Linh mục, Em hiền như ma sơ…
Tâm hồn nghệ sĩ của Nguyễn Tất Nhiên đã bộc lộ từ lúc ông còn rất trẻ. Đầu óc ông được miêu tả lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn bè thời gian này gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Tương truyền, có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời.
Dường như mối tình vô vọng với cô Duyên, nỗi đam mê, niềm đau khổ làm người đã tạo nên phong cách thơ của ông.
Theo lời kể của nhà thơ Thái Thụy Vy: “hồi chưa nổi tiếng, trời nắng chang chang mà anh ưa mặc cái manteau mua ở khu Dân sinh, mồ hôi nhễ nhại, ưa đạp xe đạp đi cua cô em Bắc Kỳ nho nhỏ tên Duyên…”
Sự nghiệp của Nguyễn Tất Nhiên thời gian đầu không mấy thành công: thơ ông in ronéo tặng không cho các nữ sinh đều bị quăng vào thùng rác, còn những tập thơ gửi bán trong các tiệm sách đầu chợ Biên Hòa thì để lâu đến nỗi giấy đổi màu vàng vẫn chưa bán được.
Cho đến khi thơ ông được một số thầy giáo gửi đăng báo Sáng tạo của Mai Thảo, rồi sau đó nhờ Phạm Duy, Nguyễn Đức Quang nhìn thấy mà phổ nhạc thì ông mới bắt đầu nổi tiếng.
Vào khoảng năm 1972 hoặc 1973, Nguyễn Tất Nhiên nhận được giấy gọi nhập ngũ vào trường Võ bị Thủ Đức. Tuy nhiên mới vào Trung Tâm 3 Quang Trung, ông đã được cho thôi về vì lý do tâm thần bất ổn. Sau năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên sống ở trong nước vài năm, sau đó sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam.
Sau ông lấy vợ có tên là Minh Thủy, có 2 đứa con trai.
Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy ông nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California.
Đây là bài thơ của ông, sau này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc
Masoeur
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa ?
Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai
Ðưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa ?
Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi thai
Xa nhau mà không hay
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng !
Hỡi em cười vô tội
Ðeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng !
Em hiền như ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
Ma soeur này ma soeur
Có dịu dàng ánh mắt
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
Có êm đềm cánh môi
Ru ta người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
Cuộc đời tên vô đạo
Vết thương hành liệt tim!
Vết thương hành liệt tim!
Ðưa em về dưới mưa
Xe lăn đều lên dốc
Chở tình nhau mệt nhọc!
Xe lăn đều lên dốc
Chở tình nhau mệt nhọc!
Ðưa em về dưới mưa
Áo dài sầu hai vạt
Khi chấm bùn lưa thưa
Áo dài sầu hai vạt
Khi chấm bùn lưa thưa
Ðưa em về dưới mưa
Hỡi em còn nít nhỏ
Chuyện tình nào không xưa ?
Hỡi em còn nít nhỏ
Chuyện tình nào không xưa ?
Vai em tròn dưới mưa
Ướt bao nhiêu cũng vừa
Cũng chưa hơn tình rụng
Thấm linh hồn ma soeur
Ướt bao nhiêu cũng vừa
Cũng chưa hơn tình rụng
Thấm linh hồn ma soeur
(1971)
Và đây là lời bài hát “Em hiền như Masoeur” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc:
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha..
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha..
Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng..
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa…
Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng..
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa…
Em hiền như ma-soeur, vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta bệnh hoạn, ma-soeur này ma-soeur
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo, ma-soeur này em ma-soeur
Trái tim ta bệnh hoạn, ma-soeur này ma-soeur
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo,
Hãy ru tên khờ khạo, ma-soeur này em ma-soeur
Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa?
Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn ma-soeur…
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn ma-soeur…
Cũng không hiểu tại sao khi biết lời bài hát này được viết bởi nhà thơ Biên hòa, mặc dù có người bạn ở Biên hòa cho biết con dốc già mà bài thơ nhắc đến thường được gọi là dốc Ngô Quyền (vì chạy qua cổng trường Ngô Quyền xưa), nằm ở trung tâm thành phố Biên hòa, nhưng tôi vẫn nghĩ cái dốc ấy là con dốc ở tận cửa ngõ từ phía bắc vào thành phố Biên hòa. Một con dốc thoải, dài suốt mấy cây số, chạy qua Tân biên, Hố nai xuống đến tận Trảng dài, hai bên có rất nhiều nhà thờ. Và trong những chiều mưa, mỗi khi đi qua con dốc này, giữa chen chúc huyên náo người xe, tôi vẫn thấy dường như ở đâu đó hình bóng nhà thơ Biên hòa đang gò lưng đạp xe, phía sau là tà áo dài ướt mưa, lướt thướt chấm bùn của cô Bắc kỳ nho nhỏ …