Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Nhạc sĩ Huỳnh Anh, tác giả của ca khúc “Mưa rừng” qua đời


Theo thông tin mới nhận được vào sáng nay, nhạc sĩ Huỳnh Anh, chủ nhân của những ca khúc nổi tiếng như: Mưa rừng, Kiếp cầm ca, Rừng lá thay chưa, Lạnh trong đêm mưa, Nếu ta đừng quen nhau,... vừa mới qua đời tại San Francisco, Mỹ.
Nhạc sĩ Huỳnh Anh sinh năm 1932 tại Cần Thơ và là con trai của nghệ sĩ Sáu Tửng, một người chơi đàn kìm nổi tiếng của nhạc cải lương miền Nam. Năm 1947 Huỳnh Anh chính thức bước vào con đường âm nhạc với vai trò một tay trống trong một ban nhạc tại thành phố Đà Lạt. Từ đó cho tới năm 1957, ông là nhạc công cho những đoàn cải lương, các phòng trà ca nhạc với các ban nhạc Philippines.   
Ông có thể chơi được nhiều nhạc cụ, từ guitar, piano, cho tới kèn Percussion. Từ những năm 1950, nhạc sĩ Huỳnh Anh trở thành tay trống lừng lẫy của các vũ trường. Cuối 4.1975, ông rời Việt Nam và định cư tại thành phố San Francisco, Mỹ.
Các sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Anh không nhiều, chỉ khoảng 20 bài. Một trong những nhạc phẩm đầu tiên của ông là Em gắng chờ, ra đời khoảng cuối thập niên 1950. Tiếp theo đến những ca khúc khác được nhiều người biết tới như Lạnh trọn đêm mưa, Kiếp cầm ca.
Ca khúc Mưa rừng, là bài hát nhạc vàng được nhạc sĩ Huỳnh Anh viết riêng cho Thanh Nga năm 1961 khi tuồng cải lương cùng tên đã gần kề. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng theo vở tuồng năm 1961 và bộ phim năm 1962 khẳng định tên tuổi Huỳnh Anh.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Đờn ca tài tử khác biệt với cải lương như thế nào ?

....Đờn ca tài tử khác biệt với cải lương như thế nào? Đờn ca tài tử có phải là “quê mùa” như người ta thường nghĩ? Đờn ca tài tử có “dễ chơi” không ? Xin lướt qua đôi chút về những vấn đề này để hiểu thêm và trân trọng hơn nữa “cái nghề” mà danh ca Bạch Huệ đã gắn bó suốt 70 năm.
            Tản mạn từ các tài liệu ghi chép cho liên quan, có thể khái quát về tài tử và cải lương như sau : Người dân đồng bằng Nam Bộ từ bao lâu nay có một thú vui rất văn học, đó là hò đối đáp: Hò trên đồng ruộng khi gieo mạ hay cắt lúa, hò trên sông khi chèo thuyền, hò đêm trăng trong dịp lễ cúng đình …
             Từ đó mà bao câu hò điệu lý đã ra đời. Đương nhiên, cái hò không phải là do bà con Nam Bộ sáng tạo ra, mà là do ông cha ta đã du nhập vào Nam trong quá trình “Nam tiến”. Thế nhưng, những câu hò điệu lý của bà con Nam Bộ có cái rất riêng, và phải là giọng “rặc” miền Nam thì hò nghe mới hay.
              Đến cuối thế kỷ XIX, Nhã Nhạc Cung Đình Huế bắt đầu tiến xuống phương Nam và đương nhiên là được văn hóa Nam Bộ dung hợp như bản chất vốn có của nền văn hóa này. Sự hội ngộ giữa hai nền âm nhạc đã cho ra đời cái gọi là “Đờn ca tài tử”. Bà con nông dân Nam Bộ khi rảnh rỗi, hay nhân dịp trăng rằm, hẹn nhau tập trung lại một nhà, ngồi ngoài sân, cùng “ăn nhậu”, cùng ca hát. “Ăn nhậu” ở đây không mang nghĩa “rượu chè be bét”, mà là: mượn men rượu làm thắm men tình, làm nồng câu ca tiếng hát.
               Dần dần, người ta ngồi ca hoài cũng chán, trong khi có những bài ca mới khá dài, có
chứa đựng những hành động hay những lời đối đáp. Thế là, người ca tài tử mới bắt đầu đứng dậy “ca” với những “cử chỉ” tay, mắt, mặt…để bổ trợ cho lời ca. Đương nhiên, những cử chỉ điệu bộ này hết sức “thô sơ”, thể hiện đúng như “rập khuôn” cái tình cảm mà bài ca muốn nói. Tức đúng với bản chất chân quê của người nông dân: nghĩ sao nói vậy. Đó là cách ca mà các nhà nghiên cứu sau này gọi là “Ca ra bộ”.

               Trong khoảng thời gian đầu thế kỷ XX, người Việt Nam đã biết đến kịch nghệ của Pháp. Kịch cổ điển của Pháp được biểu diễn trên sân khấu, mỗi vở diễn thường được chia ra thành 5 màn, xoay quanh một cốt truyện nào đó. Loại hình này cũng đã ảnh hưởng đến những người ca tài tử Nam Bộ.
              Bởi có người nghĩ : Tại sao chỉ viết những bài ca vắn mà không viết thành hẳn một tuồng cùng một cốt truyện nhưng có nhiều tình tiết và đưa lên sân khấu biểu diễn. Trong ý tưởng đó, “Cải lương” đã ra đời.
   
          Như vậy, Cải lương nói một cách nôm na là Ca ra bộ được đưa lên trình diễn trên sân khấu. Thế nhưng, đã lên sân khấu hát nguyên tuồng thì phải “diễn xuất”. Tức là, người nghệ sĩ trên sân khấu lấy lời “ca” để bổ trợ cho động tác “diễn”. Người ta đến “xem” nghệ sĩ biểu diễn, còn người nghệ sĩ thì “hát” cho người ta “xem”. Bởi vậy mà, thường nghe ông bà ta nói là “hát cải lương”, nhưng lại là “Ca tài tử”. Bởi vì, trong Đờn ca tài tử, thì động tác “ca” là chính mà “ra bộ-diễn” là phụ.
             Và khi một nghệ sĩ cải lương và một người ca tài tử thể hiện cùng một bài ca, thì qua động tác thể hiện, người ta có thể phân biệt được đâu là dân cải lương mà đâu là dân tài tử: động tác của tài tử thì “thô sơ”, có sao làm vậy, còn động tác của nghệ sỹ cải lương thì có ít nhiều ước lệ trong đó, nên nó được thể hiện đúng mức và đẹp mắt, mang tính chuyên nghiệp.
              Vì cái trọng tâm là biểu diễn, cho nên người nghệ sĩ cải lương không phải bận tâm học đầy đủ bài bản tổ, mà thường chỉ học ca cái gì cần thiết cho vai tuồng mà thôi. Ví dụ như bản Phụng Hoàng 12 câu, trong vai tuồng soạn giả chỉ viết có 4 câu, thì người nghệ sĩ đóng vai tuồng đó chỉ tập trung học ca bốn câu đó mà thôi.
            Phụng Hoàng là bài bản khá quen thuộc nằm trong 20 bài bản tổ, nên dĩ nhiên nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp đều biết ca hết 12 câu, thế nhưng không phải ai cũng làu thông 20 bài bản tổ. “Làu thông” ở đây tức là hiểu rõ nhịp nhàng và ca đúng nhịp từ đầu đến cuối tất cả 20 mươi bài bản tổ.
             Chưa hết, mỗi bài bản đều thể hiện một tâm trạng cụ thể. Có bài bản thể hiện sự bi ai tột cùng, có bài bản thể hiện sự đau khổ vừa phải, có bài bản thể hiện sự bi hùng, có bài bản thể hiện sự tươi vui rộn rã…Trong từng bài bản, người ca phải làm sao sử dụng giọng ca thể hiện được tâm trạng cần thiết (đúng “cái thần” của bài bản) và đương nhiên cũng phải đúng nhịp nhàng.
             Đây là một yêu cầu rất khó mà nếu không phải nghệ sỹ cải lương bậc thầy thì khó lòng đạt đến được. Bởi vậy, nhiều nghệ sĩ cải lương được gọi là chuyên nghiệp, nhất là trong giai đoạn ngày nay, chỉ đạt được một điều là ca đúng nhịp thôi chứ chưa đạt đến mức thể hiện được “cái thần” của bài bản. Trong khi đó, như đã nói, dân ca tài tử “đúng điệu” là phải đặt trọng tâm cho việc “ca”, vì thế họ tập trung thể hiện được “cái thần” của bản ca.
            Như vậy, dù sinh ra và trưởng thành từ nơi thôn dã, nhưng Đờn ca tài tử thật sự là một nghệ thuật mang tính hàn lâm. Tức là, không phải khi ca tài tử là muốn ca thế nào thì ca, mà rất có khuôn phép, bài bản. Người ca phải ca làm sao cho đúng nhịp, đúng dây đờn. Hơn thế nữa, người ca phải hiểu được nét tinh túy của các bài bản tài tử, đó là: mỗi bài bản tài tử đều có ý thể hiện một tâm trạng cụ thể, đó là “cái thần” của Đờn ca tài tử.
              Người ca tài tử được xem là “đúng điệu” không chỉ biết ca đúng nhịp, mà còn phải biết sử dụng giọng ca để thể hiện đúng tâm trạng, đúng “cái thần” mà bài bản đòi hỏi. Nói cách khác là thể hiện tất cả những cung bậc tình cảm bằng giọng hát. Một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp chưa chắc gì có nhịp nhàng và cách ca “chuẩn” như dân ca tài tử “đúng điệu”. Trên có sở đó, có thể nói rằng, người ca tài tử là những nghệ sĩ nhà nghề “chuyên trị” về “ca”. Đương nhiên, ở đây chỉ nói đến những dân ca tài tử “đúng điệu”, tức là những bậc thầy trong Đờn ca tài tử, chứ không nói đến Đờn ca tài tử đại trà trong quần chúng.
             
Có người cho rằng, chữ “tài tử” trong Đờn ca tài tử có nghĩa là “dân chơi không chuyên nghiệp”. Thế nhưng, qua những điều phân tích bên trên, ta thấy không thể hiểu như vậy. Còn nhớ cụ Trần Văn Khê thường nói, chữ “tài tử” phải mang ý nghĩa của câu “Dặp dìu tài tử giai nhân” như trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du.
            Người ca tài tử là những bậc tài hoa, yêu thích môn nghệ thuật đờn ca Nam Bộ này, nhưng không phải lấy đó làm nghề để sinh nhai, mà lấy đó là một đam mê, một thú tiêu khiển không thể thiếu và sẵn sàng sống hết mình với thú tiêu khiển đó. Tức là, người ca tài tử lấy sự ca để nuôi dưỡng tinh thần và cũng biết “chết sống” với nó.
             Có lẽ đó cũng là lý do mà tại sao danh ca Ngọc Bảo bên tân nhạc suốt đời ông chỉ thích xưng là “Tài tử Ngọc Bảo” chứ không phải là “Ca sĩ Ngọc Bảo” trong khi giọng ca Ngọc Bảo thuộc đẳng cấp bậc thầy trong dòng nhạc của ông.
            Người ca tài tử “đúng điệu” không lấy tài tử làm kế sinh nhai còn có trình độ ca như vậy, thì huống gì là người lấy ca tài tử làm nghề, tức là ca tài tử chuyên nghiệp như Danh ca Bạch Huệ, thì trình độ ca còn “chuẩn” đến dường nào.

Nguồn : www.viet.rfi.fr 

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Những cái nhất của Sài Gòn xưa

Những cái nhất của Sài Gòn xưa



Ngôi trường cổ nhất

alt Trường Lê Quý Đôn được xây dựng vào năm 1874, hoàn tất năm 1877 do người Pháp quản lý. Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi đổi thành Collège Chasseluop Laubat. Năm 1954, trường mang tên Jean Jacques Rousseau. Năm 1967, trường được trả cho người Việt quản lý mang tên Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn. Từ năm 1975 đến nay đổi tên là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Hơn một thế kỷ qua trường vẫn giữ được kiến trúc ban đầu. 


Nhà máy điện xưa nhất (góc đại lộ Đông Tây và đường Nguyễn Văn Cừ)
alt
Nhà máy điện Chợ Quán xây dựng năm 1896, máy phát điện chạy bằng hơi nước có 5 lò hơi với 150m2, cung cấp dòng điện 3 pha, công suất chưa tới 120MW. Máy phát điện chính công suất 1000A/h. Hiện nay, nhà máy đã được trang bị hiện đại với 7 máy phát điện, hòa với lưới điện quốc gia cung ứng phần quan trọng cho lưới điện thành phố. Nhà máy toạ lạc tại số 8 Bến Hàm Tử, quận 5.Bây giờ

Bệnh viện cổ nhất

alt

Bệnh viện Chợ Quán xây dựng năm 1826 do một số nhà hảo tâm đóng góp, sau đó hiến cho nhà nước. Năm 1954-1957 giao cho Quân đội gọi là Viện bài lao Ngô Quyền. Năm 1974, đổi thành Trung tâm Y tế Hàn Việt có 522 giường. Tháng 9/1975, mang tên Bệnh viện Chợ Quán. Đến ngày 5/9/1989 chuyển thành Trung tâm Bệnh Nhiệt đới. Hiện nay có 610 Cán bộ-Công nhân viên và 550 giường bệnh. 

Nhà hát cổ nhất


Nhà hát thành phố do kiến trúc sư người Pháp xây dựng hoàn tất vào ngày 17/1/1900. Các phù điêu bên trong được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ XIX. Nhà hát là nơi trình diễn ca nhạc kịch cho Pháp kiều xem. Năm 1956, Nhà hát được dùng làm trụ sở Hạ nghị viện chế độ cũ; tháng 5/1975 trở thành Nhà hát thành phố với 750 chỗ ngồi. Kỷ niệm 300 năm Sài Gòn–TP.HCM toàn bộ phần kiến trúc bên ngoài Nhà hát được phục chế lại như nguyên mẫu ban đầu. 

Khách sạn cổ nhất

alt

Khách sạn Continental tọa lạc tại 132-134 Đồng Khởi, xây dựng năm 1880 do Kiến trúc sư người Pháp thiết kế, tên khách sạn có ngay từ những ngày đầu. Sau ngày giải phóng miền Nam đổi thành Hải Âu. Đến năm 1989, khách sạn được nâng cấp, chỉnh trang và lấy lại tên cũ Continental có diện tích 3430m2, cao 3 tầng, nơi đây đã từng đón tiếp các vị tổng thống, thống đốc, nhà văn, người mẫu nổi tiếng. Ngày nay, khách sạn Continental là một trong những khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế góp phần cho ngành du lịch TP.HCM ngày càng phát triển. 

Nhà thờ cổ nhất

alt

Nhà thờ Chợ Quán tọa lạc tại số 20 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5 xây dựng từ năm 1674 là nhà thờ cổ nhất tại TP.HCM và cổ nhất ở miền Nam. Ngôi thánh đường nằm ở vị trí trung tâm, có kiến trúc kiểu phương Tây, lợp ngói đỏ, có thể chứa khoảng 1000 người. Ngoài việc sinh hoạt tôn giáo, Họ đạo Chợ Quán tích cực tham gia công tác xã hội giúp đỡ người nghèo. Trải qua hơn 3 thế kỷ Nhà thờ Chợ Quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, nơi đây có phòng khám và phát thuốc từ thiện dưới quyền quản lý của Hội Chữ thập đỏ Quận 5

Ngôi đình cổ nhất


Một trong những ngôi đình cổ nhất của đất Gia Định xưa và xưa nhất Nam Bộ là đình Thông Tây Hội, xây dựng vào khoảng năm 1679, là chứng tích còn nguyên vẹn nhất của thời kỳ dân Ngũ Quảng kéo vào khai khẩn vùng Gò đất có nhiều cây Vắp (từ đó trở thành tên địa phương là Gò Vấp). Đình lúc đầu là của thôn Hạnh Thông–thôn khởi nguyên của Gò Vấp–sau đổi thành Thông Tây Hội (do sự sáp nhập của thôn Hạnh Thông Tây (thôn Mới) và thôn An Hội). Đình Thông Tây Hội có vị Thành Hoàng rất độc đáo. Hai vị thần thờ ở đình là hai hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, do tranh ngôi với thái tử Vũ Đức nên bị đày đi khai hoang ở vùng cực Nam tổ quốc và trở thành “Thủy tổ khai hoang” trong lịch sử Việt Nam; hai vị thần đó là: Đông Chinh Vương và Dục Thánh Vương. Ngôi đình còn giữ được khá nguyên vẹn về quy mô và kiến trúc, kết cấu, với những chạm khắc đặc trưng Nam bộ. Đình Thông Tây Hội thuộc P.11, Gò Vấp. 

Nhà văn hóa cổ nhất


Cung Văn hóa Lao Động. Năm 1866, với tên gọi Cercle Sportif Saigonnais được xây dựng làm sân thể thao của quan chức người Pháp với những hồ bơi, sân quần vợt, phòng đấu kiếm và phòng nhảy đầm. Thời Mỹ chiếm đóng, sân chơi được mở rộng hơn phục vụ cho cả giới quý tộc.



Những công trình cổ nhất còn  lại  của Sài Gòn xưa

Những công trình cổ nhất còn  lại  của Sài Gòn xưa

Tháng 11/1975, Ủy ban Quân quản Sài Gòn–Gia Định trao toàn bộ cơ ngơi này cho Liên đoàn Lao động Thành phố để cải tạo xây dựng thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao và vui chơi giải trí cho công nhân lao động, lấy tên là Câu lạc bộ Lao Động, sau đổi thành Nhà văn hóa Lao Động, và rồi là Cung Văn hóa Lao Động. Diện tích 2,8ha, với 132 năm hình thành và phát triển, Cung Văn hóa Lao Động là Nhà văn hóa cổ và lớn nhất của TP.HCM. 
 

Công viên lâu đời nhất


Thảo Cầm Viên do người Pháp xây dựng năm 1864, nhà thực vật học nổi tiếng người Pháp Louis Pierre làm giám đốc đầu tiên. Mục đích xây dựng Thảo Cầm Viên để ươm cây giống trồng dọc các đại lộ Sài Gòn, đồng thời là nơi nuôi trồng những động thực vật vùng nhiệt đới mà các Thảo Cầm Viên của Pháp chưa có. Năm 1865, chính phủ Nhật đã hỗ trợ khoảng 900 giống cây quý như: Chizgnamat, Goyamtz, Acamatz, Coramatz, Kayanoki, Kayamaki, Enoki, Maiki, Asoumaro, Sengni, Momi, Cashi, Kiaki, Inoki… Động vật của Thảo Cầm Viên khá phong phú như: gà lôi, sếu, cu gáy, hồng hoàng, công, hưu, nai, cọp, khỉ, chồn hương, tắc kè, rùa, cọp xám, đóm đen, gà lôi xanh, chim cú lợn… Đến năm 1989, Thảo Cầm Viên được cải tạo, mở rộng và nhập thêm nhiều giống thú mới, trồng thêm cây quý. Hiện nay, có 600 đầu thú thuộc 120 loài, 1823 cây gỗ thuộc 260 loài và nhiều loại cây kiểng quý trên diện tích 21.352m2. Năm 1990, Thảo Cầm Viên là thành viên chính thức của Hiệp hội các vườn thú Đông Nam Á. Thảo Cầm Viên đã tròn 134 tuổi, số lượng động thực vật ngày càng tăng, nơi đây đã gắn bó với từng bước đi lên của thành phố và là một trong những công viên khoa học lớn nhất Đông Dương. 

Những công trình cổ nhất còn lại của Sài Gòn xưa

Tượng ông Louis Pierre, giám đốc đầu tiên của Thảo Cầm Viên


Ngôi nhà xưa nhất


Ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời nhất còn hiện diện tại TP.HCM nằm trong khuôn viên Toà Tổng Giám Mục TP.HCM-180 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3. Năm 1790, Vua Gia Long cho cất ngôi nhà này ở gần Rạch Thị Nghè làm nơi ở cho Linh Mục Bá Đa Lộc và làm nơi dạy học cho Hoàng tử Cảnh. Ngôi nhà được xây dựng bên bờ sông Thị Nghè trong địa phận Thảo Cầm Viên bây giờ. Năm 1799, Bá Đa Lộc chết, ngôi nhà được giao cho linh mục khác. Từ năm 1811 đến năm 1864 ngôi nhà bị đóng cửa vì chính sách cấm đạo của triều đình Huế. Sau khi vua Tự Đức ký hòa ước với Pháp, ngôi nhà được trao lại cho Tòa Giám Mục và được di chuyển về vị trí đường Alexandre de Rhodes hiện nay. Sau đó năm 1900 Tòa Giám Mục được xây cất tại 180 đường Richaud (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu) thì ngôi nhà gỗ lại được dời về đây làm nhà thờ của Tòa Giám Mục. Ngôi nhà 3 gian 2 chái, lợp ngói âm dương, sườn, cột bằng gỗ, khung cửa và các khung thờ đều được chạm trỗ công phu hình hoa, lá, chim thú, hoa văn. Trong các di vật còn lại của ngôi nhà có một di vật có giá trị lịch sử lớn, đó là đôi liễn gỗ có tám chữ triện khảm xà cừ là tám chữ vua Gia Long ban tặng giám mục Đá Ba Lộc, một bên là “Tứ Kỳ Thịnh Hy”, một bên là “Thần Chi Cách Tư”. Ngôi nhà được tu sửa vào năm 1980, cách tu sửa có tính chất vá víu, cốt giữ lại những gì có thể giữ được. Trải qua hai thế kỷ ngôi nhà không giữ được nguyên trạng nhưng đây là một di tích kiến trúc mang dấu ấn lịch sử, tôn giáo và văn hóa nghệ thuật. Đây là một tài sản có giá trị mà các bậc tiền nhân đã để lại cho chúng ta, không chỉ là truyền thống- bản sắc dân tộc mà còn là bộ mặt quá khứ mang tính văn hóa kiến trúc, một khía cạnh văn minh tại một vùng đất mới mọc lên từ đầm lầy, kênh rạch. 

Ngôi chùa cổ nhất


Ngôi chùa có cảnh trí đẹp nhưng nằm ở địa điểm không tiện đi lại nên được ít người biết đến là chùa Huê Nghiêm, tọa lạc ở 20/8 Đặng Văn Bi, Thủ Đức. Chùa được thành lập năm 1721 do Tổ Thiệt Thùy (Tánh Tường) khai sáng. Tên chùa lấy từ tên bộ kinh Hoa Nghiêm. Đây là chùa cổ xưa nhất trong các chùa ở TP. HCM nên còn gọi là Huê Nghiêm Cổ Tự. Những ngày đầu là một ngôi chùa nhỏ được xây cất trên vùng đất thấp cách địa thế chùa hiện nay khoảng 100m. Sau đó, Phật tử Nguyễn Thị Hiên pháp danh Liễu Đạo hiến đất để xây lại ngôi chùa rộng rãi khang trang như hiện nay. Qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1960, 1969, 1990 mặt tiền chùa ngày nay mang dáng vẻ kiến trúc của chùa hiện đại nhưng các gian phía trong vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ truyền, mái gian mặt tiền được cấu trúc gồm 3 lớp, nhỏ dần về phía trên. Các đường gờ mái chạy dài xuống cuối đầu đăng đều trang trí bằng hoa văn hình cánh sen đối xứng, giữa là hình bánh xe luân pháp, đặt trên hoa sen. Mái lợp ngói ống màu đỏ, đường viền mái ngói màu xanh. Vườn chùa có nhiều cây xanh bóng mát, có 9 ngôi tháp cổ với nhiều kiểu dáng khác nhau như những cánh sen vươn lên. Những hàng cột gỗ trong chùa được khắc nổi các câu đối bằng chữ Hán màu đen kết hợp với việc chạm khắc mô típ “long ẩn vân” dùng trang trí. Chùa Huê Nghiêm là một di tích Phật giáo quan trọng, là nơi dừng chân, sống đạo và hành đạo của nhiều vị danh tăng uyên thâm Phật pháp, có đạo hạnh và có đạo đức. Chùa cũng là bằng chứng về trình độ kiến trúc và phong tục tập quán của người Việt trên vùng đất mới khai phá, mở ra nền văn minh trên vùng đất hoang sơ. 

Đường sắt đầu tiên ở thành phố

Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đừơng sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, xây dựng năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi 3 đường Hàm Nghi–Huỳnh Thúc Kháng–Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là Xí nghiệp Liên hợp đướng sắt khu vực 3. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hoà Hưng. Trên nền Ga Sài Gòn cũ ngày 8/8/1998, khởi công xây dựng Trung Tâm Văn Hoá Thương Mại Sài Gòn. 

Người Việt đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp

Ông Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Năm 1859, Pháo hạm Pháp bắn vào cửa biển Đà Nẵng và thành cũ Gia Định, triều đình nhà Nguyễn bắt buộc chấp nhận mở cửa đất nước cho tư bản thực dân Pháp xâm nhập. Trong giai đoạn lịch sử mới, người Việt Nam từng bước tiếp xúc với ngôn ngữ và văn minh mới. Trương Vĩnh Ký là một trong những người sớm tiếp xúc và hấp thụ ngôn ngữ văn hoá phương Tây đã trở thành học giả có nhiều sáng tác nhất bằng cả tiếng Pháp và tiếng Hán–Việt. Ông là người Việt Nam đầu tiên viết sử Việt Nam bằng tiếng Pháp. Cuốn “Giáo trình lịch sử An Nam” đã được xuất bản gồm hai tập dày 462 trang. Đây thực sự là một công trình bác học biên soạn công phu dưới ánh sáng của một phương pháp luận khoa học tiến bộ so với đương thời. 

Tờ báo bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên


Tờ “Gia Định Báo” là tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở nước ta ra đời tháng 4/1865. Tờ báo đăng những thông tin nghị định của nhà nước và những tin kinh tế xã hội, lời bàn về thời cuộc, luân lý, lịch sử. Báo ra hằng tháng. Sau 4 năm phát hành, chính quyền thuộc địa cho phép báo phát hành hàng tuần bằng quyết định số 51 ngày 18/3/1869. 

Tờ báo đầu tiên của Phụ nữ Việt Nam


Ngày 1/2/1918 tờ báo chuyên về Phụ nữ đầu tiên ra đời là tờ “Nữ Giới Chung” nhằm nâng cao trí thức, khuyến khích công nông thương, đề cao người Phụ nữ trong xã hội, chú trọng đến việc dạy đức hạnh, nữ công, phê phán những ràng buộc đối với Phụ nữ, đánh đổ mê tính dị đoan, động viên Phụ nữ quan tâm đến việc “Nữ quyền”. Muốn có vị trí ngang hàng với nam giới ngoài việc tề gia nôi trợ phải am hiểu “tình trong thế ngoài”. Chủ bút tờ báo là nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, vốn có lòng yêu nước, yêu thương đồng bào như thân phụ nên khi làm báo Bà có ý muốn làm diễn đàn để tỉnh thức lòng yêu nước trong dân chúng. Tuy chỉ tồn tại được hơn 6 tháng nhưng “Nữ Giới Chung” cũng đã gióng lên một hồi chuông nữ quyền còn vang mãi đến ngày nay. 

Cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên



“Đại Nam Quốc Âm Tự Vị” là cuốn từ điển tiếng Việt quốc ngữ Latinh của Huỳnh Tịnh Của gồm hai tập: Tập I xuất bản năm 1895, tập II xuất bản 1896 tại Sài Gòn. Bộ từ điển chứa nhiều từ ngữ xưa, thành ngữ, tục ngữ, từ ngữ về thảo mộc, cầm thú của Việt Nam và của miền Nam. Bộ từ điển này trở thành Từ điển Bách khoa toàn thư đầu tiên về Nam Bộ. 

Người kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên


Ông Nguyễn Trường Tộ (1828-1871) người làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình ông theo đạo Thiên Chúa, ông giỏi chữ Nho, thông hiểu Ngũ Kinh Tứ Thư, học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp với các giáo sĩ. Ông được giám mục Gauthier đưa sang Paris năm 1858. Ông am hiểu chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật. Năm 1861 ông trở về nước, tàu ghé Sài Gòn thì nơi đây đã đổi chủ, ông buộc phải làm phiên dịch cho người Pháp. Trong lúc ở Sài Gòn, ông đã đứng ra xây cất tu viện dòng thánh Phao lô (số 4 Tôn Đức Thắng). Đây là công trình xây dựng theo kiến trúc Châu Âu do người Việt Nam thực hiện tại Sài Gòn. Công trình được xây dựng từ tháng 9/1862 đến 18/7/1864 hoàn thành gồm nhà nguyện với ngọn tháp nổi bật trên cao xây theo kiểu Gôtic, một tu viện, một nhà nuôi trẻ mồ côi và một tháp chuông. Công trình xây dựng này là kết quả nghiên cứu kiến trúc châu Âu của Nguyễn Trường Tộ khi ông ở Hồng Kông. Qua nhiều lần sửa chữa trùng tu, ngày nay tu viện thánh Phao Lô vẫn giữ được đường nét kiến trúc xưa, chứng tỏ tài năng kiến trúc của Nguyễn Trường Tộ không thua gì các kiến trúc sư người Pháp. 
Người Việt Nam đầu tiên vẽ bản đồ địa lý và đồ họa Sài Gòn theo phương pháp phương Tây

Ông Trần Văn Học, sinh quán ở Bình Dương, giỏi Quốc ngữ, Latinh và tiếng Tây Dương, được giới thiệu làm thông ngôn cho Nguyễn Ánh. Ông phụ trách việc dịch sách kỹ thuật phương Tây, đồng thời kiêm việc chế tạo hỏa xa, địa lôi và các loại binh khí. Năm 1790, Nguyễn Ánh xây thành Bát Quái. Trần Văn Học phụ trách “phác họa đường xá và phân khu phố phường”. Ông rất có tài vẽ địa đồ, họa đồ và kỹ thuật bản đồ như: tỉ lệ, trắc địa, và vẽ gần như chính xác các thành trì và công trình. Ông được coi người đầu tiên vẽ bản đồ Sài Gòn – Gia Định theo phương pháp phương Tây. 

Nhà máy nước Sài Gòn cũ 

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

ĐẶNG THẾ PHONG


Suy từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, người tài hoa là người bạc mệnh, kẻ hồng nhan thường đa truân. Nhìn vào làng nhạc, nhạc sĩ Đặng Thế Phong là điển hình rõ nét nhất. Đặng Thế Phong sinh năm 1918 tại thành phố Nam Định. Ông là con trai Đặng Hiển Thế, thông phán Sở Trước bạ Nam Định. Thân phụ ông chẳng may mất sớm, gia đình túng thiểu, ông phải bỏ học khi đang theo học năm thứ hai bậc thành chung (deuxième année primaire supérieure, nay là lớp bảy cấp hai phổ thông). Vướng vào cái nghiệp văn nghệ từ thủa còn nhỏ nên ông đã lên Hà Nội theo học trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Ecole supérieure de Beanx Arts) với tư cách bàng thính viên (auditeur libre). Đặng Thế Phong đã thực sự lấy nghề nuôi nghiệp: thời gian theo học này, ông đã phải vẽ tranh cho báo Học Sinh (chủ báo là nhà văn Phạm Cao Củng) để có tiền ăn học. Trong một kỳ thi, ông đã vẽ một bức tranh cây cụt, không có một cành nào. Lúc nạp bài, giáo sư Tardieu, thầy dạy ông đã nói rằng có lẽ Đặng Thế Phong không thọ! Ông đã phiêu du vào Sài Gòn rồi sang Nam Vang vào đầu năm 1941 và mở một lớp dạy nhạc tại kinh đô xứ Chùa Tháp cho đến mùa thu 1941 ông lại trở về Hà Nội.
      Cũng giống như Mozart lúc sinh thời, Đặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo, nên cuộc sống của ông chật vật. Ngoài tài làm nhạc, vẽ tranh, ông còn có giọng hát khá hay, tuy chưa được là Ténor nhưng cũng được khán giả hâm mộ. Lần đầu tiên ông lên sân khấu, hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da Hà Nội) vào năm 1940, được hoan nghênh nhiệt liệt. Đặng Thế Phong là một thiên tài, nhưng vẫn không có được cuộc sống sung túc giữa cố đô Thăng Long lúc bấy giờ vì nhạc và tranh dù có hay, có đẹp đến mấy chăng nữa cũng chẳng có mấy ai mua. Thời ấy, chính quyền bảo hộ Pháp có mở một phòng triến lãm tranh tại hội Khai Trí Tiến Đức, khu Bờ Hồ Hoàn Kiếm. Sau lễ khai mạc được ông Đốc Lý thành phố Hà Nội đến cắt băng, người ta thấy những người đến xem tranh phần rất lớn toàn là ông Tây, bà đầm, còn người Việt thì đúng là lơ thơ tơ liễu buông mành, nhìn kỹ thấy toàn là các quan ta, những công chức cao cấp, giới trí thức, thượng lưu chứ chẳng thấy một dân thường nào! Ngoài ra, thời bấy giờ chính quyền Pháp có tổ chức mở phòng triển lãm là bảo trợ cho các hoạ sĩ Pháp trưng bày tranh của mình còn hoạ sĩ Việt Nam thì số người lọt được vào, ta có thể đếm trên đầu ngón tay. Đến nhạc thì nếu có in, mỗi lần xuất bản cũng chỉ in nhiều nhất là 500 bản, dân chúng chưa yêu chuộng nhạc cải cách (tân nhạc) nên dù có thực tài thì cũng không thể có được một cuộc sống sung túc nếu nhờ vào sức lao động nghệ thuật! Đặng Thế Phong phải chịu một cuộc sống
khó khăn, chật vật trong “kiếp con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” cho đến đầu năm 1942, ông từ giã cõi đời tại căn gác hẹp ở phố Hàng Đồng Nam Định vì bệnh lao màng (tuberculose péritonique), hưởng dương 24 tuổi, tuổi son trẻ, đầy thơ mộng, sắp bước vào thời xây dựng sự nghiệp (tam thập nhi lập). 
       Cuộc đời của Đặng Thế Phong thật quá ngắn ngủi nhưng đời sống tinh thần của ông rất phong phú và thi vị. Nhờ thế mà tuy sáng tác chỉ có ba bài : Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu nhưng bài nào cũng trở thành vĩnh cửu, qua hơn nửa thế kỷ vẫn là những bài hay nhất của làng nhạc Việt Nam. Nhạc hứng chân thành đều phát xuất từ con tim, vì thế mà sáng tác của ông có hồn, đi vào lòng người và sống mãi ! Qua Đặng Thế Phong, ta chứng minh được văn nghệ tính phẩm chứ không tính lượng (quý hồ tinh bất quý hồ đa). Con người làm văn nghệ viết được một câu để đời đã là khó, được một tác phẩm để đời là đáng mãn nguyện lắm rồi. Với âm nhạc, người chuyên sử dụng một nhạc cụ cho thật điêu luyện được tôn kính hơn là người biết sử dụng nhiều thứ đàn, chẳng thế nào có được một thứ thật tuyệt hảo. Về sáng tác cũng vậy, làm cho nhiều, cố nặn cho lắm, thê? điệu nào cũng có bài thì dù viết cả ngàn bài chưa chắc đă có lấy một bài có giá trị nghệ thuật và vĩnh cửu! Chỉ sáng tác có ba bài thôi, Đặng Thế Phong đã sống mãi trong lòng mọi người, chắc chắn là hơn người có cả ba trăm bài mà chẳng có một bài nào để người ta nhớ ! 
      Với nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, muốn thành công là phải có tài năng thiên phú chứ không thể nhờ vào thời gian, kiên nhẫn, sách vở, trường lớp hay bằng cấp mà đạt được! Vì thế chúng tôi dám tôn vinh Đặng Thế Phong là một thiên tài của làng nhạc Việt, thật không ngoa. Cuộc đời Đặng Thế Phong đã có được một mối tình thật chung thủy tuyệt đẹp : Khi còn ở Nam Định, Đặng Thế Phong đã đem lòng yêu một thiếu nữ buôn bán ở Chợ Sắt, chợ duy nhất và lớn nhất của thành phố. Cô này không đẹp nhưng lại rất có duyên. Sau nhiều ngày đi chơi chợ, Đặng Thế Phong đã lọt vào mắt mỹ nhân. Cặp tình nhân trai tài, gái đảm đã dìu nhau vào cuộc tình thật trong sáng và cao thượng! Điều đáng ca ngợi là chàng nhạc sĩ tài hoa ho. Đặng không bao giờ đụng chạm đến đồng tiền của người yêu, dù cho người đẹp, tên Tuyết, nhiều lần khôn khéo bày tỏ lòng mình muốn giúp chàng. Những buổi chiều trời quang, mây tạnh hay gió mát, trăng thanh, hai người đều dìu nhau trên những con đường ngoại ô để tâm tình. Thời bấy giờ, nhiều thanh niên rất
ngưỡng mô. Đặng Thế Phong, khi biết mối tình của cặp Phong – Tuyết, đều mến trọng và tôn kính là một cuộc tình lý tưởng! Đặc biệt nhất là mấy cô gái phố Hàng Đồng, gia đình rất khá giả tỏ lòng yêu mến Đặng Thế Phong, nhưng ông vẫn một lòng yêu cô Tuyết, dù cô không đẹp bằng mấy cô kia. Có một hôm, mấy cô kia đang đứng nói chuyện với nhau thấy Đặng Thế Phong đi qua, với lối đi có vẻ vội vã. Thấy bóng ông, mấy cô ngưng bặt, rồi chẳng cô ai bảo cô nào, tất cả ánh mắt đều hướng về ông như dán chặt vào người ông vậy. Khi Đặng Thế Phong vừa bước tới ngang chỗ các cô thì một giọng nói đầy hờn dỗi pha thêm mai mỉa, được nói lớn lên, cố ý cho Đặng Thế Phong nghe thấy: - Mấy chị đứng dịch ra, người ta đi vội kẻo trễ hẹn. Đặng Thế Phong nghe rõ nhưng coi như điếc, cứ rảo bước như không có gì xảy ra. Đến nơi hẹn, gặp cô Tuyết đã đứng chờ, Đặng Thế Phong kể cho cô nghe vụ vừa bị chọc ghẹo. Cô Tuyết không nói gì mà chỉ tủm tỉm cười với ánh mắt nhìn người yêu thật là trìu mến. Về nhà, Đặng Thế Phong không nói ra với anh chị em mà thầm thì kể cho ông chú họ, cùng lứa tuổi, là ông Nguyễn Trường Thọ biết thôi. Ngoài ra, ông còn kể cho ông Thọ nghe chuyện cô Tuyết có một chàng thông phán trẻ, đẹp trai, có tiền, có địa vị, làm ơ? Tòa Đốc Lý thành phố theo đuổi, còn nhờ cả hai người mai mối nhưng cô nhất quyết khước từ , bất chấp cả lời dị nghị của mọi người, nhất là gia đình cố ý gán ghép. Năm 1940, Đặng Thế Phong phải tạm xa cô Tuyết để lên Bắc Giang ít ngày. Ai đã đến Bắc Giang là biết thị xã này có con sông Thương, một con sông có hai dòng nước, bên đục, bên trong. Kẻ viết bài này, lúc bé học ở Bắc Giang, vào những ngày hè nóng bức, cùng bạn bè ra sông bơi. Đứng từ trên cầu ra tháp nước khá cao, nhìn thấy rõ hai dòng nước đục trong rõ rệt ! ở Bắc Giang, một buổi tối trăng sao vằng vặc, Đặng Thế Phong đã cùng bạn bè thuê thuyền cấm sào rồi cùng nhau chén chú, chén anh hàn huyên mọi chuyện. Đang lúc đang vui thì có người ra dưa cho Đặng Thế Phong một bao thư.
Ông ngưng ngay chuyện trò và vào trong khoang, lấy bao diêm ra đốt lửa để coi thư và đây đúng là thư của cô Tuyết, từ thành Nam gửi lên cho ông. Đọc xong thư, ông có vẻ buồn và suy nghĩ. Bạn bè thắc mắc nên hỏi, được ông cho biết thư báo tin cô Tuyết nhuốm bệnh cả tuần rồi và nhớ ông lung lắm nên có lẽ ông phải về Nam Định gấp! Chính đêm này, lúc đêm sắp tàn, Đặng Thế Phong thao thức không sao chợp mắt được, đã ngồi dậy sáng tác được tác phẩm Con Thuyền Không Bến buồn não ruột: Đêm nay thu sang cùng heo may Đêm nay sương lam mờ chân mây Thuyền ai lờ lững trôi xuôi giòng Như nhớ thương ai trùng tơ lòng… .. Lướt theo chiều gió Một con thuyền theo trăng trong Trôi trên sông Thương nước chảy đôi dòng Biết đâu bờ bến? Thuyền ơi thuyền trôi nơi nao Trên con sông Thương nào ai biết nông sâu?…  
         Hai hôm sau Đặng Thế Phong từ giã bạn bè, rút ngắn thời gian để về Nam Định. Được tin Đặng Thế Phong đã về, cô Tuyết thấy bệnh thuyên giảm rất nhanh. Và tối hôm sau hai người hẹn gặp lại nhau. Lúc ấy miền Bắc đang vào Thu, gió heo may kéo về mang cái lạnh. Tối hôm ấy trăng lên muộn, trời tối gió nhẹ làm cho hai người thấy thích thú đi bên nhau để sưởi ấm lòng nhau sau bao ngày xa cách. Dìu nhau đến nơi cũ, Đặng Thế Phong ghé sát tai cô Tuyết, hát nhẹ nhàng, giọng rạt rào tình cảm như rót vào tai cô bài Con Thuyền Không Bến mà ông vừa sáng tác trong một đêm trắng trên sông Thương vì thương nhớ cô. Khi hát xong, Đặng Thế Phong phải lấy khăn tay ra nhẹ nhàng lau hai giòng lệ đang từ từ chảy xuống má cô với lòng xúc động không kém! 
      Sau hôm ấy, Đặng Thế Phong mới cho phổ biến rất hạn chế trong đám thanh niên tỉnh nhà bài Con Thuyền Không Bến, được mọi người yêu chuộng nên rất nhiều người biết đến. Chính vì thế mà có một người ở Hà Nội mới mời Đặng Thế Phong lên Hà Nội để hát tại rạp chiếu bóng Olympia bài hát của mình. Trong buổi ấy, Đặng Thế Phong ra sân khấu hát Con Thuyền Không Bến đầy xúc động vì ngay ở hàng ghế đầu, cô Tuyết đã bỏ hẳn một ngày chợ để lên Hà Nội nghe người yêu hát bài làm vì mình và cho mình! Riêng với Đặng Thế Phong, ông xúc động là phải vì với số khán giả đông đảo không đáng ngại mà là trong lòng ông thầm nghĩ hát hôm nay rất cần và chỉ cần để một người nghe là đủ nên phải mang hết tài trí ra biểu diễn sao cho thành công ! Hát xong, khán giả vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt. 
       Sau một thời gian ở Bắc Giang, ông nhuốm bệnh. Vì lúc đó bệnh lao là nan y nên ông dấu mọi người, ai biết đều sợ bị lây nhiễm không hiểu sao cô Tuyết biết được. Từ đó cô Tuyết âm thầm tìm mọi cách để giúp người yêu trong lúc nhà nghèo bệnh trọng. Đặng Thế Phong cũng đến nhà thương để khám bệnh. Sau khi dò hỏi, biết bệnh của ông, cô Tuyết nhân quen với một số y sĩ (médecin indochinois) làm ở nhà thương, mua thuốc rồi nhờ ông ta nhận là thuốc của nhà thương, ông lấy cho Đặng Thế Phong. Thuốc bệnh lao lúc ấy vừa hiếm lại vừa đắt, cô Tuyết không những không ngại tốn kém, mà còn thường xuyên gặp Phong để săn sóc một cách kín đáo, kể cả không sợ bị lây . Về phần Đặng Thế Phong thì ông không hề biết thuốc là của cô Tuyết mua cho mình. Mùa xuân năm 1941, cô Tuyết cùng Phong từ Nam Định lên Hà Nội dể tiễn chân và tạm biệt Đặng Thế Phong vào Sài Gòn (rồi đi Nam Vang). Ở kinh đô xứ Chùa Tháp, ở Hòn Ngọc Viễn Đông một thời gian thấy cuộc sống cũng không được thoải mái như ý mong muốn, Đặng Thế Phong trở về Hà Nội . Về lần này, Đặng Thế Phong không về Nam Định mà thuê một căn gác hẹp tường cây, mái lá ở làng trồng hoa Ngọc Hà, vùng ngoại ô thành phố Hà Nội . Đặng Thế Phong ở chung với chú là ông Nguyễn Trường Thọ. Bệnh tình Đặng Thế Phong tái phát ngày một nặng vì người bị bệnh này phải mua thuốc men đầy đủ, phải nghỉ ngơi và ăn uống tẩm bô? tối đa mà những điều phải ắt có và đầy đủ này, với Đặng Thế Phong không thể có được. Chính vì thế mà không tuần nào là cô Tuyết không lên thăm và lo chữa bệnh cho Đặng Thế Phong. Tháng Bảy mưa ngâu tầm tã, rả rích suốt ngày này sang ngày nọ, tháng này qua tháng khác, gió lạnh kéo về, nhà thì tường cây, mái lá, lạnh buốt lọt xương, cuộc sống kham khổ khiến bệnh tình Đặng Thế Phong ngày càng trầm trọng. Từng cơn ho làm rũ người, tiếp đến những cơn thổ huyết làm cho Đặng Thế Phong ngày một sút hẳn đi. Một mình trên giường bệnh, Đặng Thế Phong nhớ gia đình thì ít mà nhớ người yêu thì nhiều. Thân xác thì bệnh tật khó qua, tâm trí thì luôn luôn phải vật lộn với trăm ngàn ý nghĩ và hình ảnh cuộc tình tươi đẹp nên bệnh mỗi lúc một tăng. Còn đâu những cuộc hẹn hò thơ mộng, quên làm sao được những lời thủ thỉ ân tình và hy vọng gì ở những ước vọng được thành đôi chim nhạn tung trời mà bay, tất cả đã được Đặng Thế Phong ngày đêm day dứt , tiếc thương, muốn níu kéo lại thì cũng chẳng còn gì dể bám víu ! Đặng Thế Phong đã mang lấy nghiệp vào thân thì đời con tằm đến thác cũng còn vương tơ, tránh sao thoát khỏi cái lưới trời thưa mà khó lọt ấy ?  Thế rồi, một hôm mưa rơi tầm tã, giọt mưa lộp bộp trên mái lá, thánh thót từng giọt xuống đường, Đặng Thế Phong buồn quá, con tim như thắt lại, máu trào lên để có được một nhạc hứng lai láng, tràn trề khiến ông gượng ngồi dậy viết một hơi điệu nhạc buồn da diết, não nề. Ông viết xong bèn đặt tên cho sáng tác mới ấy là Vạn Cổ Sầu . Chập tối ông Thọ về có thêm dăm người bạn đến thăm, Đặng Thế Phong ôm đàn hát cho mọi người nghe . Nét mặt của mọi người nín thở nghe, đều buồn như muốn khóc. Nghe xong, ai nấy đều khen bài hát thật hay, xoáy vào tim vào óc nhưng cái tên bài bi thảm quá, nên sửa lại thì hơn. Chính vì thế mà Đặng Thế Phong, đổi tên là Giọt Mưa Thu . Có lẽ đây là cái điềm báo trước, là lời di chúc tạ từ nên Đặng Thế Phong lấy mưa ngâu, mùa mưa là giòng nước mắt tuôn chảy lênh láng của Chức Nữ với Ngưu Lang để ví cuộc tình Phong – Tuyết cũng phải cùng chung số phận phũ phàng giống vậy chăng ? Đến một ngày cuối năm 1941, biết mình khó qua khỏi lưỡi hái của tử thần, Đặng Thế Phong mới ngỏ ý trở về Nam Định để được chết tại quê nhà và muốn ông Thọ dìu ông về. Về nhà, lần này cô Tuyết đích thân đến hàng ngày để chăm sóc, thuốc men cho Đặng Thế Phong, không ngại mệt mỏi và không sợ nguy hiểm đến bản thân mình. Những người quen biết đến thăm, thấy cảnh ấy đều mũi lòng và khâm phục lẫn mến thương cuộc tình cao quý, chung thủy của cặp Phong -Tuyết. Không biết có phải là tại thần giao cách cảm hay không mà một hôm, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đột nhiên từ Hà Nội về Nam Định thăm Đặng Thế Phong lại vừa đúng lúc Đặng Thế Phong sắp lìa đời . Trên giường bệnh, phút lâm chung, không nói gì được với nhau, Bùi Công Kỳ ôm đàn hát cho Đặng Thế Phong nghe một lần chót bài Giọt Mưa Thu, Giọng hát Bùi Công Kỳ vừa dứt thì mọi người nhìn thấy Đặng Thế Phong mở cặp mắt nhìn như ngỏ lời chào vĩnh biệt rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Một vì sao Bắc Đẩu của làng nhạc Việt Nam, vừa ló dạng trên bầu trời đã vụt tắt gây niềm xúc động mãnh liệt và niềm thương tiếc vô bờ trong lòng mọi người!
       Trong tang lễ, nam nữ thanh niên của thành Nam đã lũ lượt kéo nhau đi, chật cả phố phường để tiễn đưa Đặng nhạc sĩ đến nơi an nghỉ cuối cùng với rất nhiều cặp mắt rưng rưng lệ ! Cô Tuyết xin phép và được cả hai gia đình, mặc đại tang, đúng như một người vợ trong tang lễ chồng, thật là cảm động. 

       Năm 1960, tại Phú Nhuận, tôi được tiếp một thiếu phụ chưa hề quen biết. Sau lời chào hỏi, bà tự giới thiệu tên là Tuyết, người Nam Định, di cư vào Nam hiện ở Ban Mê Thuộc. Nhân lần vô tình đọc trên báo Tư. Do, thấy quảng cáo trước cuốn Nhạc sĩ danh tiếng hiện đại (tập II) của tôi sắp xuất bản, viết về năm nhạc sĩ trong đó có Đặng Thế Phong, nên bà về gặp tôi để xin tôi cho bà mượn hình của cố nhạc sĩ, chụp lại để về thờ. Trước kia, bà đã có nhưng lúc sắp di cư tấm ảnh đó bị thất lạc, kiếm mãi không sao thấy. Tôi vội lấy ảnh đưa ngay. Cậu cháu đi theo bà mang ngay ra tiệm hình ở đầu hẻm chụp gấp lấy ngay, xong trở vào gửi trả lại tôi. Trong lúc cậu cháu đi chụp hình, tôi có hỏi bà về chuyện tình tươi đẹp như bài thơ trong sáng như trăng mười sáu thì bà Tuyết xác nhận những điều tôi biết là đúng và còn bổ sung cho tôi thêm ít nhiều chi tiết . Bà cũng không quên nói lên điều thắc mắc là tại sao tôi biết rõ thế ? Tôi nói thật ngay là được ông chú Nguyễn Trường Thọ cho tôi mượn ảnh, kể rành rẽ cuộc đời ái tình của Đặng Thế Phong cho tôi nghe . Bà cười và nói : Chú Thọ tuy là chú nhưng cùng tuổi với anh Phong, nên hai người vừa là chú cháu vừa có tình bạn bè nên trong gia đình chỉ có chú Thọ là được anh Phong tâm sự mà thôi. Thảo nào ông biết quá rõ, quá đúng và quá đủ ! sau lời cám ơn và trước khi ra về, bà Tuyết còn nói với tôi câu cuối cùng, đến nay đã 35 năm rồi, tôi vẫn còn nhớ : Cho đến ngày hôm nay, và mãi mãi về sau, tôi tôn thờ anh Phong và đời tôi luôn luôn thương nhớ anh ấy với tất cả cái gì trân trọng nhất. 
       Viết ra những giòng trên đây, tôi xin được phép coi là nén hương lòng, suy tôn một bậc đàn anh khả kính và khả ái. Tuy anh đã ra người thiên cổ hơn nửa thế kỷ rồi nhưng những Con Thuyền Không Bến, Đêm Thu, Giọt Mưa Thu vẫn là những vì sao tinh tú sáng rực trên bầu trời ca nhạc. Thể xác anh có thể trở về hư không nhưng tinh anh vẫn còn lại muôn đời với giang sơn gấm vóc này . Cuộc đời con người ta, sinh ký, tử quy đó là luật muôn đời của tạo hoá nhưng khi sống cho ra sống, lúc về được qua Khải Hoàn Môn, khi cất ba tiếng khóc chào đời, mọi người hân hoan cười mừng đón ta, khi nhoẻn miệng cười để lìa đời, mọi người thương tiếc khóc ta, thế mới thật là sống, mới đáng sống ! Anh đã vĩnh viễn ra đi nhưng tất cả những thế hệ hậu sinh, dù chưa được biết anh, khi hát những bài hát bất hủ của anh để lại, đều tưởng nhớ đến anh, một thiên tài mà ta có thể nói anh là một MOZART của Việt Nam, với tất cả tấm lòng kính mến trang trọng nhất ! Tôi cả tin rằng, dưới suối vàng. anh cũng có thể mỉm cười mãn nguyện. Hiển linh, anh về chứng giám và nhận cho nén tâm nhang này.

Lê Hoàng Long 

Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Hồ Dzếnh văn xuôi và chân trời buốt nhớ


Công chúng vẫn nhớ ông qua hai bài thơ đã đi vào ca khúc là Chiều Ngập ngừng, nhưng Hồ Dzếnh không chỉ có thế. Giở lại Tuyển tập thơ văn Hồ Dzếnh tuyển chọn được NXB Hội Nhà văn in từ cuối năm 2012, tôi lại thấy cần phải viết về ông.

Cơ duyên với Thạch Lam
Các thế hệ công chúng vẫn nhớ ông qua hai bài thơ thành ca từ ca khúc: Chiều (viết năm 1940, được Dương Thiệu Tước phổ nhạc tại Sài Gòn sau hơn 30 năm), Ngập ngừng với câu đầu Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé! Tôi thích tên ban đầu của Chiều Màu cây trong khói, in báo Người Mới.
Trước đó, Hồ Dzếnh đã in tập truyện hồi ký Người chị dâu tôi (tập san Mùa gặt mới, NXB Tân Việt) được Thạch Lam để ý và nhắn Như Phong bảo Hồ Dzếnh đến báo Thời Nay nhận thư khen - cơ duyên cho Hồ Dzếnh thăm bậc đàn anh, tại ngôi nhà đơn sơ ven đê Yên Phụ. Số lần gặp ít ỏi, tổng thời gian chỉ vài tiếng, Thạch Lam - bậc thầy tùy bút đã truyền cho Hồ Dzếnh tinh thần của người sáng tạo chân chính.
Chính Thạch Lam, vào tháng ngày cuối đời, bệnh phổi không thuốc chữa trị, gầy rộc và ốm yếu, đã đọc, góp ý cho tập truyện Chân trời cũ. Bài tựa cho tập truyện này là nét bút cuối cùng của Thạch Lam - nghệ sĩ say mê ngôn ngữ (chữ của Hồ Dzếnh) với cõi đời. Khi người em đến nhà đàn anh lần thứ 6, mang theo tập truyện vừa in, thì “tôi chỉ còn thấy quang cảnh đắng ngắt, một chiếc giường nhỏ trống trơn, chị Thạch Lam lặng lẽ bước ra, đầu vấn khăn tang, nghẹn ngào cho tôi hay, anh đã mất được hơn một tháng”.
Thạch Lam, Hồ Dzếnh - hai con người, sinh trưởng, vùng kí ức và miền sáng tạo khác nhau, đều hết lòng vì văn chương, tác phẩm của họ sau bao năm vẫn lay động người đọc. Tình cảm, nỗi xa xót luyến thương, sự mẫn cảm và nhân ái trước bao số phận lam lũ, nhỏ nhoi thể hiện bằng rung động chữ mãnh liệt và tinh tế.
Hồ Dzếnh cùng con trai, con dâu và cháu nội
Thơ không ấn tượng bằng văn xuôi
Không phải với cây bút nào, văn cũng là người, còn Hồ Dzếnh văn - đời - nghiệp - mệnh. Thơ Hồ Dzếnh trong tập Quê ngoại, Hoa xuân đất Việt (1946) không ấn tượng mạnh bằng văn xuôi.
Trong các tác phẩm của ông, giọng tự sự trong sáng là chủ đạo,  dù “đổi vai”, dù giấu mình qua việc tả người khác. Văn liệu của ông lấy từ cuộc đời mình, được thể hiện đầy tài hoa, kỹ lưỡng. Ông viết về đớn đau,  mất mát như cách chăm chút lại mình khi đã qua bão tố. Trận này rồi trận khác, rút của ông sinh lực, nước mắt, mà Hồ Dzếnh không một lần than trách, bẳn gắt, cay nghiệt.
Người đàn ông Trung Hoa Hà Kiến Huân từ Quảng Đông sang đất Việt làm ăn, lúc đầu bán thuốc dạo, gặp và lấy cô lái đò Đặng Thị Văn, ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa chăm chỉ làm ăn, mở được xưởng gỗ ở đường Hạc Thành, châu Như Xuân.
Hai người có 3 con trai, Hà Triệu Anh sinh năm 1916, là con út. Năm 15 tuổi, Hà Triệu Anh rời làng Đông Bích, xã Hòa Trường (nay là Quảng Trường) lên Hà Nội học tiếp bậc Thành chung, dạy tư, làm công cho các hiệu buôn Hoa kiều. Từ 1937, thơ, truyện ngắn của ông in trên các báo: Tiểu thuyết thứ Bảy, Trung Bắc Chủ nhật. Những sáng tác trước 1945 là mảng chính lưu tên Hồ Dzếnh trong lòng bạn đọc. Hồ Dzếnh là phát âm tiếng Quảng Đông từ “Hà Anh”.
Mỗi dòng về mẹ cha, anh trai, chị dâu, chú Nhì, đứa cháu, e Dìn đều đập mạch thiên lương hiền hậu, đặc biệt quan tâm đến thân phận phụ nữ nông thôn. Trái tim đa cảm, nhân hậu của ông dành cho chị Yên: “ Thân hình gầy nhẳng trái hẳn lại với sức khỏe dai dẳng của chị, bổ hết 5 tạ củi một ngày”. Chị được mẹ tác giả mua giá 2 quan vào năm lụt lội đói ăn, nhận làm con nuôi. Phận áo ngắn yêu nhau, người xin lấy chị Yên là anh đỏ Phụ. Truyện ngắn Anh đỏ Phụ (10/1941) là mối đồng cảm với tha nhân. Không ít người viết truyện thật lại thấy giả, truyện ngắn của Hồ Dzếnh luôn cho tôi cảm giác là truyện thật mà ông tham dự, chứng kiến trong đời. Nó được viết kỹ, dồn cảm xúc, với phong cách với văn phong tài hoa Anh đỏ Phụ là phận dân đen con của ông Biếm, thầy giáo làng, đã cùng cha sang ăn hỏi chị Yên, ba năm mãn tang cha nuôi sẽ cưới, ngờ đâu, hơn hai năm thì chị bị hại, do chính “cậu tôi cướp đoạt đời con gái”, chị Yên phải bỏ làng ra đi. Anh đỏ Phụ đi làm thuê rồi xung làm phu đất đỏ cao su ở Tân Thế Giới, chia tay “tôi” ở ga xe lửa thị xã, vì đau khổ mà đưa đời dân đen vào kiếp phu phen bỏ xác xứ người. “Đêm đó, tôi mong cho con tàu đừng đến, mong anh Phụ đổi ý trở về, nhưng chỉ là mơ ước hờ hão. Anh đỏ Phụ đã lăn tay điểm chỉ rồi. Anh đã giúi vào tay chị gái tờ giấy bạc con còng 5 đồng, nửa số tiền bán đời mình để gửi về phụng dưỡng bố. Tôi ôm ghì lấy anh, khóc nức nở. Một bàn tay chắc nịch kéo ra, ấn anh Phụ và toán phu vào trong toa sắt đen ngòm, cái toa thường ngày vẫn dùng chở súc vật, khóa lại”.
Truyện Hồ Dzếnh làm người đọc cay mắt, thậm chí khóc ròng, bởi ông viết bằng ngòi bút hòa máu và nước mắt, bởi không phải hư cấu mà chính từ bi kịch đời ông, mất nửa đời lo miếng ăn, long đong khốn đốn.
Tận cùng cay đắng
Kháng chiến, ông về lại xứ Thanh, năm 1947 lấy bà Nguyễn Thị Huyền Nhân. Năm 1950, khi con trai mới bốn tháng tuổi, buổi sáng Tết Đoan Ngọ (5/5 AL), bà Huyền Nhân khi đó 20 tuổi, chỉ vì ăn bát chè đỗ đen phơi sương qua đêm và miếng dưa hấu buổi sáng, chiều phát bệnh tả không có thuốc, qua đời.
Vợ chết, con khát sữa khóc ngằn ngặt, Hồ Dzếnh  gầy lả nuốt nước mắt đi tìm mua quan tài, về chỉ kịp vùi vợ xuống nghĩa trang cùng hai phu khiêng, không bia mộ. Ông đưa con đi “bú thép” (bú nhờ) khắp khu Tư, cảnh mà Vũ Bằng đã thấy và ghi lại. Ông chạy xuống cầu Bố về Hà Nội thì không còn thân thích, lại cõng con vào Sài Gòn, ở đó có anh ruột Hồ Triệu Bích, mở tiệm xe đạp ở đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu).
Năm 1954, ông về Hà Nội lấy bà Nguyễn Thị Hồng Nhật (cùng tuổi, góa chồng, có một con trai riêng) và sống ở tầng trệt nhà 26B phố Huế, sau bị đẩy lên gác. Năm 1978, gia đình ông chuyển sang nhà 80 Hàng Mã - nơi ông mất năm 1991, do xuất huyết dạ dày, viêm thận. Bà từng có thai nhưng bị chết lưu, phải cắt dạ con, nên họ không có con chung. Người con duy nhất của ông là Hà Chính và ông Hà Chính cũng chỉ có một con duy nhất Hà Quang (SN 1984), học đại học xong, đã đi làm định cư Hanover, Đức. Cháu đích tôn của thi sĩ vẫn tiếp phận tha hương, dù sướng hơn ông nội nhiều lần.
Hà thành, chốn làm sáng tên ông, những sáng tác thời sung sức. Hà thành không quên ông, 1 trong 165 người sáng lập Hội Nhà văn VN tháng 4/1957, nơi bàn tay cầm bút từng phải làm thợ đúc thép, thợ cơ khí nhà máy xe lửa Gia Lâm, ăn lương công nhật hơn 10 năm rồi nghỉ, không có bảo hiểm, lương hưu. Nổi nênh, thua thiệt và cay cực chỉ vì định kiến vô lý về chuyện ông vào Nam tìm anh trai nương tựa, khiến Hồ Dzếnh chịu trớ trêu oan uổng, bị “bỏ quên” suốt thời gian dài, ông vẫn nén chịu như đã quen thế, để yêu thương, để khiêm nhường và hy vọng. Nhiều tác phẩm của ông in trong tuyển tập không ghi rõ năm sáng tác, hơi khó khi định giá từng chặng viết. Song hình như điều ấy không quan trọng nữa, tác phẩm của ông đạt độ “phi thời gian” rồi.
Tôi đã khóc rất lâu khi trong đêm đọc Cuốn sách không tên. Ông hóa thân vào con trai, viết lại  sự tủi nhục khi con mất mẹ; người chồng kiệt sức, kiệt tiền, gặp mụ bán quan tài nanh ác, chỉ chờ thời cơ “chặt chém” không thương tiếc. Ông  đành dùng mẹo lừa lấy được cái quan tài về chôn vợ ban đêm, vợ đã chết từ chiều, nằm giúi vào bụi cây vì nhà thương thiếu phòng để xác:
“Mẹ tôi nằm ở đó, lãnh đạm trước cuộc oanh tạc, giống một cây củi khô. Chiếc quần đen mỏng rách, áo cánh vận từ hôm bị ốm. Để người chết đỡ tủi, cha tôi cởi chiếc áo cánh ướt trên người, đắp lên người vợ. Cha tôi nghẹn ngào không khóc được. Quan tài ngắn, người chết buộc phải nhét chặt, chân hơi vồng lên, tóc lòi ra ngoài. Rồi vài ngày sẽ bị bật nắp ván”. Ngôi mộ vùi sơ sài, không có bia đã bị thất lạc, Hồ Dzếnh không tìm được. Con ông, năm 2002 đã cố công tìm, song tất cả bị san phẳng như ngôi mộ đứa con đầu lòng của Hồ Dzếnh mất hơn 1 tuổi - Hà Xuân Nhuệ chôn ở cánh đồng làng.
Hồ Dzếnh đã viết tận cùng cay đắng, vượt qua mức tả thuật đơn thuần, khiến tôi liên tưởng đến một “Victor Hugo Việt Nam” - nhà văn của những người cùng khổ.
Ông đã đến tận cùng, mà hơn 70 năm trước và ngay giờ đây, vẫn còn sống bằng quan niệm “Cái đẹp nằm trong sự lơ lửng”: “Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp khi còn dang dở”.
Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

Một Cõi Đi Về






Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về

Lẩn quẩn qua lại trong vòng trách nhiệm, những gánh nặng cứ càng ngày càng nặng thêm lên. Tại sao lại khổ sở tìm lối ra? Cứ ở yên đó rồi đâu về vào đấy thôi mà, phải không? Tại sao lại tìm lấy sự khổ?

Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại 
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi 
Lại thấy trong ta hiện bóng con người



Đã ra đi sao còn luyến tiếc? Đã vứt bỏ sao lại còn quay lại? Tại sao nhẫn tâm, vô tình mà con tim vẫn "hiện bóng con người"? Trái tim này đâu có lạnh lùng phải không? Trái tim này vẫn đập những nhịp sống yêu thương tràn đầy. Muốn tìm quên, muốn xa lánh nhưng thực chất vẫn tha thiết kêu gọi, vẫn níu kéo một thứ tình cảm uỷ mị, đau lòng.

Nghe mưa nơi nầy lại nhớ mưa xa
 
Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ
Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ
Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà


Mưa? Cảm giác trong tôi càng nhạt nhoà, buồn lê thê. Hình như mắt tôi đã cay xè cùng lời hát. Từng giọt mưa, từng giọt mưa lạnh lẽo thấm ướt tâm hồn tôi. Cô đơn quá, hoang lạnh quá! Liệu ai có cùng cảm nhận với tôi? "Chẳng biết nơi nào là chốn quê nhà". Tôi là ai? Sinh ra vì cái gì? Tại sao? Tôi có phải là tôi chưa? Không có chỗ cho tôi! Nơi nào là nhà của tôi? Cùng lời lời bài hát, tâm hồn tôi gào thét những câu hỏi nhưng đó có thể mãi mãi là những câu hỏi tu từ không lời đáp.
Trong khi ta về lại nhớ ta đi 
Đi lên non cao đi về biển rộng 
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng 
Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì…


Liệu nhân gian có độ lượng không? Trịnh Công Sơn thì nói rằng chưa từng vậy với tôi, đôi tay nhân gian có mở rộng đón tôi không?
Một cõi đi về vang lên làm hồn tôi nửa yên bình nửa thêm trống vắng. Cái cảm giác có một người hiểu mình nhưng lại thấy xa xôi vô cùng. Tâm trạng có dịu đi, bớt những bộc phát khùng khùng trước kia giấu kín, đè nén trong lòng nhưng vẫn chưa thoả mãn. Tôi muốn mình hơn Trịnh Công Sơn để có thể hiểu được có một nơi tôi thuộc về, có một nơi ngọn gió không hoang vu thổi suốt xuân thì
source : http://thvl.vn/?p=12400


"Bến Xuân" và giai thoại về mối tình dang dở


Ca khúc: BẾN XUÂN
Sáng tác: Văn Cao
Thể hiện: Trần Thái Hòa & Khánh Ly
*****
Nhạc sỹ Văn Cao
Những giai thoại xung quanh những tác phẩm trữ tình bao giờ cũng lãng mạn như chính những tác phẩm tuyệt vời ấy. Với những người yêu nhạc Văn Cao, có lẽ câu chuyện xung quanh sự ra đời của Bến Xuân sẽ còn được nhớ mãi, bởi nó đẹp và nên thơ quá. Thêm nữa, có lẽ những điều mãi dang dở thường trở nên lung linh huyền ảo hơn chăng?
Trong những tài liệu nói về nhạc sỹ Văn Cao thủa trước, những người sưu tầm thường “ngại” nói ra tên thật của người thiếu nữ ẩn sau bài hát Bến Xuân. Ngay cả tên nhạc sĩ - bạn thân của Văn Cao, người sau này trở thành chồng của cô gái ấy cũng không mấy được đề cập đến...

Trong những năm đầu thập kỷ 40, Văn Cao có chơi rất thân với hai người bạn. Một người là ca sĩ Kim Tiêu, người còn lại là nhạc sĩ Hoàng Quý, người thành lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng nổi tiếng đất Hải Phòng. Văn Cao trong một lần đến nhà Kim Tiêu chơi tình cờ gặp cô thiếu nữ đang độ tuổi trăng tròn tên Hoàng Oanh, và gần như ngay lập tức hai người phải lòng nhau - từ ánh mắt đầu tiên.
Sau khi Hoàng Oanh biết được Văn Cao chính là tác giả của những ca khúc lãng mạn nổi tiếng thì lòng ngưỡng mộ của nàng dành cho Văn Cao càng tăng lên. Có lẽ ai cũng biết tình cảm người kia dành cho mình, chỉ có điều “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Nhưng, éo le một nỗi: Văn Cao biết hai người bạn thân của mình - Kim Tiêu và Hoàng Quý cũng đều đem lòng yêu mến Hoàng Oanh, và hai người đều tâm sự điều này với Văn Cao.
Nguồn: ngannammaybay.com

Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao một lần duy nhất, khi đó Văn Cao còn đang ở Bến Ngự, Hải Phòng. Lần đến thăm đầu tiên đó đã được ông nhớ suốt đời, ông đã ghi cả vào những câu ca mở đầu cho bài hát Bến Xuân - bài hát viết tặng riêng cho Hoàng Oanh:

Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần


Câu hát
"Em đến tôi một lần" sao mà hay và đi vào lòng người đến thế. Cái ngày hôm ấy, trời nóng, Văn Cao cởi trần nằm bò ra sáng tác. Trong căn nhà chật chội, Hoàng Oanh ngồi quạt cho chàng nhạc sĩ, và Văn Cao đã thổ lộ với cô: "Ước gì anh có em để hằng ngày em quạt cho anh sáng tác, em vá quần thủng cho anh, làm mẫu cho anh vẽ".
Đó là câu tỏ tình duy nhất mà Văn Cao dành cho Hoàng Oanh – giản dị mà chân thành, nhưng ông cũng biết là hai người không thể thuộc về nhau. Là một con người tài hoa, Văn Cao còn đề nghị Hoàng Oanh làm người mẫu cho những bức tranh của mình, và hình bóng của nàng đi vào từng nốt nhạc lời ca trong bài hát Bến Xuân

Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác
Em vắng tôi một chiều
Bến nước tiêu điều còn hằn in nét dáng yêu
Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru u ú ù u ú
Lệ mùa rơi lá chan hoà!


Mối tình của Văn Cao và Hoàng Oanh không thành cũng một phần bởi Văn Cao luôn nghĩ đến hai người bạn thân của mình, ông không muốn làm “kẻ ngáng đường”. Một thời gian sau, gia đình ca sĩ Kim Tiêu mang lễ vật đến ăn hỏi Hoàng Oanh, nhưng không thành bởi vì nhà gái thách cưới cao quá.
Cô tiểu thư Hoàng Oanh sau đó lên xe hoa với nhạc sĩ Hoàng Quý, tuy nhiên ông trời phũ phàng, chỉ được ít lâu thì Hoàng Quý mắc bệnh viêm phổi và qua đời.
Chuyện tình giữa Văn Cao và Hoàng Oanh có lẽ thực sự chấm dứt sau khi Văn Cao yêu và lập gia đình với một cô tiểu thư xinh đẹp khác, cũng là con gái nhà giàu, là nàng thiếu nữ Nghiêm Thuý Băng, và bà cũng là người vợ hiền bên ông tận đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Lắng nghe
Bến Xuân, có lẽ mỗi người không thể không nhớ đến mối tình giữa Văn Cao và cô tiểu thư Hoàng Oanh. Một chuyện tình lãng mạn, nên thơ nhưng éo le trắc trở, khiến cho những câu ca của bài hát càng da diết, ám ảnh hơn bao giờ hết.
Nguồn : TuanVietnam